Đi qua miền châu thổ vàng cháy…

Bà Trần Văn Ảnh, năm nay đã ngoài 60, ngụ tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Căn nhà của bà Ảnh được dựng sát bờ kinh, vốn là nhánh lớn của sông Đốc. Từ đầu tháng 4, chiếc ghe của bà được úp ngược ngay ven bờ, nơi đất bùn đã bạc phếch, nứt nẻ thành những vệt chân chim kéo dài.
0:00 / 0:00
0:00
Người nông dân huyện Trần Văn Thời bên thửa ruộng khô khát.
Người nông dân huyện Trần Văn Thời bên thửa ruộng khô khát.

Những ngày đất cháy mòn trong hạn-mặn

Từ giữa tháng 3 năm nay, tình trạng hạn và xâm nhập mặn đã diễn ra khốc liệt tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trên địa bàn chín xã, thị trấn của huyện đã có hơn 80 tuyến kênh, rạch bị khô cạn. Tiếp đó, đợt nắng nóng kéo dài đầu tháng 4 càng khiến tình trạng "đồng bằng khát" trở nên nghiêm trọng.

11 giờ trưa, dưới cái nắng như thiêu đốt, bà Ảnh ngẩn người nhìn ra dòng Rạch Ráng vốn mênh mông nước giờ đã cạn khô, chỉ còn sót lại một lạch bùn nhỏ, đen đúa. Những ký ức chưa xa, về đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, ùa về. Đầu năm đó, gia đình bà xuôi theo dòng nước tới thuê đất trồng lúa tại Bạc Liêu. Sau Tết, lúa lên tốt bời bời trên hơn 20 công đất (tương đương 20.000 m2) tại cánh đồng ấp Xóc Đồn, xã Hưng Hội, Vĩnh Lợi. Thế nhưng, niềm vui vừa mới nhen lên đã ngay lập tức bị dập tắt. Từ phía biển, nước mặn lấn sâu vào nội đồng. Cây lúa "khát ngọt" dần vàng vọt, rồi nhuốm đen như mực, gục xuống. Vợ chồng bà Ảnh bất lực nhìn toàn bộ diện tích lúa mất trắng. Để vớt vát, cả nhà bảy người ngày ngày mót từng hạt thóc bỏ vào bao.

Thời điểm đó, một mầu vàng cháy khô khốc bao phủ khắp vùng. Dọc đồng bằng sông Cửu Long, đất ruộng thi nhau nứt nẻ. Về sau, đợt hạn mặn này được đánh giá là nặng nề nhất trong cả 100 năm. Cả sông Tiền và sông Hậu, độ mặn là hơn 45‰, xâm nhập sâu tới 70 km tính từ cửa sông, thậm chí có nơi lên đến 85 km.

Thế nhưng, kỷ lục ấy đã nhanh chóng bị phá vỡ. Mùa khô năm 2019-2020, hạn mặn bắt đầu xuất hiện từ giữa tháng 12/2019, sớm hơn gần một tháng so mùa khô của năm 2015-2016, và sớm hơn ba tháng so trung bình các năm; đồng thời cũng nghiêm trọng và gay gắt hơn nhiều. Nếu năm 2016, vào lúc cao điểm vùng cách biển 25 km vẫn có thể lấy được nước ngọt thì giai đoạn 2019-2020, vùng lấy nước ngọt phải từ 40 km trở vào. Cá biệt, sông Hàm Luông cách biển đến 75 km vẫn không còn nước ngọt. Hạn mặn như ngọn lửa, có nơi sâu tới 60-100 km như tại các sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Cái Lớn…, thiêu đốt các cánh đồng.

Sự xâm thực này dẫn tới hiệu ứng domino tất yếu: Diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình trạng mất mùa do thiếu nước tăng cao.

Bước sang mùa khô năm nay, nguy cơ này tiếp tục tái diễn. Theo số liệu của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Đợt xâm nhập mặn xuất hiện từ ngày 8-13/3 với ranh mặn 4‰ lấn sâu vào các dòng sông từ 40-66 km, có nơi sâu hơn, riêng tại Bến Tre có nơi xâm nhập mặn còn sâu hơn ranh mặn sâu nhất năm 2016. Và những dòng kênh đang nối nhau khô cạn...

Nguy cơ kép từ hiện tượng sụt lún

Bên cạnh nguyên nhân hàng đầu là hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn, quá trình khai thác, sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhất là việc thâm canh, tăng vụ và phát triển hệ thống đê bao kiểm soát lũ thiếu hợp lý cũng khiến chất lượng tài nguyên đất ở nhiều vùng có xu hướng suy giảm, cạn kiệt, thoái hóa.

Khảo sát năm 2018 của Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy: Môi trường tự nhiên của đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều biến động về chế độ thủy văn, dòng chảy nguồn nước, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn... làm cho tính chất đất đai trong vùng thay đổi nghiêm trọng. Việc sử dụng quá nhiều phân khoáng, ít phân hữu cơ với cường độ thâm canh cao đang làm mất cân bằng chất hữu cơ trong đất, dẫn tới suy thoái môi trường đất trên quy mô lớn. Đất trồng cây lâu năm ở vùng châu thổ này cũng có những biểu hiện suy thoái. Dễ nhận thấy là chất hữu cơ trong đất thấp và cạn dần dưỡng chất, bị mặn hóa do sử dụng phân bón hóa học thiếu cân đối, nấm bệnh trong đất phát triển mạnh.

Một nguy cơ khác là hiện tượng sụt lún. Theo nghiên cứu của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) trên toàn bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mặt đất đang bị sụt lún với tốc độ từ 1-5 cm/năm ở nhiều nơi, tức là cao hơn gấp 10 lần so với sự gia tăng mực nước biển toàn cầu. Ngoài yếu tố tự nhiên, một trong những nguyên nhân chính là: Sự phát triển kinh tế và thâm canh nông nghiệp ở vùng đồng bằng trong 25 năm qua đã làm tăng đáng kể việc khai thác tầng ngậm nước. Khối lượng nước khai thác đã tăng từ giá trị tối thiểu trong những năm 90 thế kỷ trước lên khoảng 2,8 triệu m3 mỗi năm - gấp đôi lượng nạp lại hằng năm.

Vấn đề sụt lún càng trở nên nghiêm trọng hơn do thiếu nguồn cung cấp trầm tích - đi kèm hệ lụy là đất mỗi ngày một bạc màu, khi liên tiếp các con đập được xây dựng ở thượng nguồn sông Mê Công và các nhánh của nó. Theo báo cáo của Ủy hội sông Mê Công Quốc tế tại Diễn đàn các bên liên quan khu vực MRC (RFS) lần thứ 13 năm 2023, lượng trầm tích qua các trạm quan trắc đã giảm rõ rệt. Tình trạng bồi lắng phù sa hằng năm luôn ở mức âm so với tốc độ xói lở. Từ đó, xu hướng bị "nuốt đất" cũng gia tăng.

Theo thống kê năm 2022, toàn đồng bằng sông Cửu Long có 562 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài 786 km, trong đó có 42 điểm sạt lở nguy hiểm với chiều dài gần 150 km. Chỉ riêng tỉnh Cà Mau, mỗi năm, sạt lở làm mất hơn 500 ha đất. Thành phố Cần Thơ, tỉnh Ðồng Tháp mỗi năm mất hàng chục ha đất ở các cù lao, bãi bồi.

Trung bình mỗi năm, 13 tỉnh thuộc vùng châu thổ phía nam mất từ 300-500 ha đất, kéo theo đó là hàng chục nghìn hộ dân phải di dời khỏi vùng nguy hiểm do sạt lở (theo báo cáo tại Hội thảo về giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức năm 2019).

Ở huyện Trần Văn Thời, bà Ảnh tất nhiên không biết tới những số liệu cũng như nghiên cứu vĩ mô này. Theo thói quen, trước mùa hạn mặn, thấy nước ít, người nông dân như bà sẽ tranh thủ bơm vào đồng để dự trữ nuôi cá, trồng lúa và hoa màu. Ngay lập tức, nhiều tuyến đường giao thông trong vùng bị sụt lún, gãy gập. Hiện, huyện Trần Văn Thời có hơn 130 tuyến kênh bị sụt lún, sạt lở với 550 điểm.

Câu chuyện của bà Ảnh và hàng nghìn nông dân tại huyện Trần Văn Thời là biểu hiện của nguy cơ thứ hai: Sụt lún trong vùng "ngọt hóa". Đánh giá sâu hơn, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nhiều năm nghiên cứu về đồng bằng sông Cửu Long, phân tích: "Trước đây, khi chưa "bao đê ngọt hóa", mùa nắng có nước mặn giữ ẩm cho đất. Nay trong những mùa khô cực đoan, nước ngọt không còn mà nước mặn cũng không có, do đó đất tầng mặt bị khô, co ngót lại nên sụt lún. Ở những nơi có đường đắp cao ven kênh mương, độ sụt lún nhiều hơn làm cho đường sá bị đứt gãy, bờ sụp đổ xuống kênh nên dễ tưởng nhầm là sạt lở".

"Nếu cứ tiếp tục duy trì ngọt hóa các khu này thì hiện tượng sụt lún sẽ còn tiếp diễn mãi mãi trong tương lai, bất cứ năm nào có thời tiết El Nino nắng hạn gay gắt như năm nay", ông cảnh báo. Nhưng chẳng biết, những gia đình như nhà bà Ảnh đã kịp biết đến thông tin này chưa? Và họ sẽ phải làm gì, khi "giữ nước ngọt cho đất" cũng lại chính là ẩn họa?