Khi doanh nghiệp soi vào gương liêm chính

Lâu nay, khi nhắc đến "liêm chính", người ta thường nghĩ ngay đến những cán bộ quản lý nhà nước. Nhưng thật ra liêm chính phải là phẩm chất, nguyên tắc đạo đức mà cả xã hội cùng hướng đến, bao gồm cả doanh nghiệp và mỗi cá nhân, đặc biệt là doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập. Ðề án thành lập Mạng lưới kinh doanh liêm chính Việt Nam đang được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ấp ủ, dự kiến ra mắt trong quý III/2021 là một nỗ lực đáng trân trọng.

Khi doanh nghiệp soi vào gương liêm chính

Nhũng nhiễu tại… cả đôi bên

Theo kết quả khảo sát Báo cáo chỉ số năng lực cạnh trạnh cấp tỉnh do VCCI thực hiện, năm 2020 còn 5,4% số doanh nghiệp phải trả hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức. Doanh nghiệp vẫn thường gặp phải hiện tượng nhũng nhiễu khi thực hiện các thủ tục hành chính. 51,1% doanh nghiệp phản ánh về việc tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Còn theo xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2020 do Tổ chức Minh bạch quốc tế thực hiện thì Việt Nam đứng thứ 104/180 với 36 điểm. Như thế, so với năm 2019, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam giảm một điểm và tám bậc.

Song nói đi cũng phải nói lại. Tệ nhũng nhiễu cứ kéo dài cũng có phần là do chính các doanh nghiệp. Năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định "chi trả "hoa hồng" là cần thiết để có cơ hội thắng thầu" vẫn lên tới 41,2%. Ðiều này cũng có nghĩa là non nửa số doanh nghiệp được khảo sát chấp nhận hy sinh tính liêm chính để được việc. Họ không chỉ là nạn nhân, mà đôi khi, chính là bên xui khiến, thúc đẩy các hành vi tiêu cực.

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, thì mức độ liêm chính của các doanh nghiệp trên toàn cầu có thể còn bị "sứt mẻ" thêm, bởi tính liêm chính chịu ảnh hưởng chủ yếu từ ba nhân tố: khách hàng (bao gồm cả nhà cung cấp và người tiêu dùng), người lao động và các quy định của Chính phủ. Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhà quản lý của doanh nghiệp có thể hy sinh việc kinh doanh liêm chính để có được báo cáo tài chính tốt, hoặc sa thải nhân viên để cắt giảm chi phí… Những việc này có thể ảnh hưởng lớn tới tính liêm chính của doanh nghiệp.

Cách đây gần một năm, ngày 30/7/2020, Bộ công cụ Ứng dụng kinh doanh liêm chính dành cho nhà đầu tư được VCCI "trình làng". Bộ công cụ này đánh giá tính liêm chính dựa trên bốn yếu tố chính: công ty và các cổ đông; uy tín với các đối tác kinh doanh; tuân thủ pháp luật; hệ thống kiểm soát nội bộ. Thế nhưng, kinh doanh liêm chính nói chung là khái niệm có phạm vi lớn hơn nhiều.

Trong bối cảnh đó, sáng kiến thành lập Mạng lưới doanh nghiệp kinh doanh liêm chính Việt Nam ra đời, nhằm huy động sự tham gia mang tính tập thể của cộng đồng doanh nghiệp hướng tới bảo đảm tính minh bạch và liêm chính trong kinh doanh. Mạng lưới này được kỳ vọng thúc đẩy quản trị doanh nghiệp tốt thông qua việc chủ động áp dụng các tiêu chuẩn, thực tiễn/mô hình kinh doanh tốt, tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

Trước hết là minh bạch thông tin

Theo TS Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có bảy nguyên tắc cơ bản về kinh doanh liêm chính, trong đó công bố thông tin và minh bạch hóa là một trong các hình thức thể hiện liêm chính kinh doanh.

"Cổ đông và các nhà đầu tư tiềm năng cần có được thông tin thường xuyên, đáng tin cậy và có thể so sánh được ở mức độ chi tiết và cụ thể đủ để họ đánh giá sự tận tâm của đội ngũ quản lý; và ra các quyết định có hiểu biết về giá trị, sở hữu và quyền bầu cử của cổ phiếu", ông nói. Công bố thông tin cũng giúp nâng cao hiểu biết của công chúng về cơ cấu và hoạt động của công ty, về chính sách và sự tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức và môi trường của công ty; về quan hệ của công ty với cộng đồng nơi công ty hoạt động…

Không chỉ những thông tin thuộc loại bắt buộc phải công khai, một doanh nghiệp liêm chính còn tự nguyện công khai những thông tin được coi là quan trọng - loại thông tin mà một nhà đầu tư bình thường sẽ sử dụng làm căn cứ quyết định đầu tư hoặc quyết định bỏ phiếu. Hiện nay, ở Việt Nam, loại thông tin yêu cầu công bố chủ yếu là tài chính, kết quả kinh doanh, quản trị công ty… yêu cầu công bố quy định còn chung chung (công bố toàn văn báo cáo và báo cáo tóm tắt) và công bố chủ yếu cho cổ đông, nhà đầu tư tiềm năng. So với thông lệ tốt, thì các quy định hiện hành vừa thừa vừa thiếu.

Cũng phải nói thêm rằng, điều không kém phần quan trọng là thực thi và tuân thủ các yêu cầu công bố thông tin và minh bạch hóa hoạt động trên thực tế.

Thực tâm nói không với hối lộ, tham nhũng

Khi thủ tục của cơ quan nhà nước chậm trễ hoặc gây khó khăn, doanh nghiệp thực hiện hành vi hối lộ và khó khăn được giải quyết. Nhưng khó khăn không dừng lại mà có khi còn tăng lên bởi có động cơ lợi ích. Nguy hại hơn, khi hối lộ đã trở thành một căn bệnh lây lan từ khu vực công sang chính nội bộ của các doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp tư nhân: hối lộ cấp trên, ăn chia, chiếm dụng tài sản công, lạm dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân thì sức mạnh của doanh nghiệp đã bị tàn phá từ bên trong. Không những năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bị bào mòn, mà cánh cửa cơ hội kinh doanh cũng hẹp lại rất nhiều vì yêu cầu minh bạch đang trở thành một điều kiện tiên quyết để đầu tư và hợp tác. Doanh nghiệp thậm chí còn phải đối mặt những hậu quả pháp lý nghiêm khắc: Luật Phòng, chống tham nhũng đã chính thức có hiệu lực được hai năm (từ ngày 1/7/2019) với phạm vi điều chỉnh bao gồm cả khu vực ngoài nhà nước.

Thực trạng nhận thức và áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ doanh nghiệp, tuy đã được đề cập đến từ nhiều năm nay, xem ra vẫn còn chưa thật sự phát huy tác dụng. Cũng giống như khi công bố thông tin, một khi việc kiểm soát nội bộ chưa xuất phát từ nhu cầu liêm chính tự thân, từ quyết tâm của người đứng đầu doanh nghiệp, thì những việc làm chỉ mang tính chất đối phó không thể mang lại hiệu quả thực chất.