Làm sạch thị trường bảo hiểm

Chưa năm nào, tranh chấp, điều tiếng về thị trường bảo hiểm nhân thọ lại "nóng" như trong năm 2023. Điều này cũng khiến cho thị trường bảo hiểm phải "vật lộn" với cuộc khủng hoảng niềm tin của khách hàng. Sức khỏe của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ giảm sút nghiêm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Tư vấn cho khách hàng về các gói bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Ảnh: Minh Dũng
Tư vấn cho khách hàng về các gói bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Ảnh: Minh Dũng

Tại Việt Nam, đến nay, đã có 19 doanh nghiệp tham gia thị trường bảo hiểm nhân thọ, cung cấp hơn 500 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe. Quyền lợi bảo hiểm cũng được mở rộng hơn, ngoài các quyền lợi bảo vệ còn có các quyền lợi về đầu tư, tích lũy.

Nhiều sai phạm ở "kênh huy động vốn hữu hiệu"

Trong giai đoạn 2018 - 2022, thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng ở mức khá cao, trung bình khoảng 21%/năm. Thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là kênh huy động vốn hữu hiệu của nền kinh tế, đơn cử, riêng trong năm 2022, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp ước khoảng 616.791 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do tiềm năng phát triển còn rất lớn, cho nên các doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng đẩy mạnh hợp tác bán bảo hiểm. Trước khi kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng gặp khủng hoảng trong năm 2023 thì năm 2022 có tới gần 1 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phân phối qua kênh này, chiếm 46% doanh số khai thác mới.

Theo nhận định của một doanh nhân nhiều năm hoạt động trong ngành này, thị trường bảo hiểm với nhiều thành viên là các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ còn non trẻ, đã bị cuốn theo "cơn lốc" phát triển thần tốc mà đôi khi "lãng quên" cả công tác quản trị rủi ro, quản trị thương hiệu. Mặt khác, việc nhiều ngân hàng mải chạy theo doanh số, lơ là dịch vụ bán hàng, khiến chất lượng dịch vụ sa sút, các trường hợp vi phạm gia tăng…

Minh chứng là chỉ trong năm 2022, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã phát hiện khoảng 3.100 trường hợp đại lý sai phạm, trong đó có lỗi tuyên truyền, quảng cáo sai về sản phẩm, dịch vụ của công ty bảo hiểm, nâng con số vi phạm trong giai đoạn 2020 - 2022 lên hơn 9.000 trường hợp. Và dù hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về việc có bao nhiêu vụ tranh chấp giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm với khách hàng trong năm qua, nhưng với một loạt "lùm xùm", theo nhận định của nhiều chuyên gia, chưa năm nào, niềm tin khách hàng xuống thấp, hoạt động bán hàng rất khó khăn như năm qua.

Thị trường đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất

Thực tế, vấn đề kinh doanh, phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng đã trở thành vấn đề nóng trên diễn đàn Quốc hội. Vào cuối tháng 6/2023, ngay trong Nghị quyết kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã yêu cầu "Chính phủ thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư". Quốc hội cũng "yêu cầu Chính phủ khẩn trương xử lý các bất cập trong bán chéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn".

Việc "con sâu làm rầu nồi canh" trong năm 2023 đã khiến nhiều người nhìn thị trường bảo hiểm bằng ánh mắt thiếu thiện cảm. Do đó, việc "làm sạch" thị trường là điều tất yếu để ngành bảo hiểm phát triển lành mạnh, thể hiện vai trò bảo vệ khách hàng, giúp họ có thêm niềm tin và yên tâm tham gia bảo hiểm.

Ở vai trò cơ quan quản lý chuyên ngành, đại diện Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã có chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng của các doanh nghiệp và yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức. Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Điều đáng mừng, chỉ trong hai tháng đầu năm 2024, theo Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 33.900 tỷ đồng, tăng 1,6% so cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 780.700 tỷ đồng.

Tại Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn gửi đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đến thời điểm hiện tại, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã được hoàn thiện, bảo đảm phù hợp đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, đầy đủ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Năm 2024, theo kế hoạch đã được phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ tiến hành thanh tra đối với 6 doanh nghiệp bảo hiểm. Riêng khối bảo hiểm nhân thọ, sẽ thanh tra, kiểm tra hai doanh nghiệp: Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir; Công ty TNHH Bảo hiểm Cathay Life Việt Nam về việc tuân thủ quy định pháp luật trong hợp tác bán bảo hiểm nhân thọ qua tổ chức tín dụng. Thị trường bảo hiểm đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất nên cần thêm thời gian để chuyển biến theo hướng tăng chiều sâu, tăng chất lượng, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Một trong ba nội dung quan trọng mà Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chịu trách nhiệm trả lời chính tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn (dự kiến diễn ra vào ngày 18/3) trong khuôn khổ Phiên họp 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV là công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng.