Dùng hồ sơ khống, rút tiền thật
Ngay sau khi bà Trương Mỹ Lan bị cơ quan điều tra cáo buộc lũng đoạn Ngân hàng SCB, vấn đề ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng mà Quốc hội khóa XV đã quyết tâm chỉnh lý và thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) 2024 tại Kỳ họp bất thường thứ 5 diễn ra vào giữa tháng 1/2024 vừa qua.
Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) 2024, tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng của một cá nhân đã giảm từ mức 5% hiện nay xuống còn 3%. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (trước đây là 15%), trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của Nhà nước tại ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và "người liên quan" cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.
Với quan điểm cho rằng, việc giảm tỷ lệ sở hữu không có nhiều ý nghĩa trong ngăn chặn sở hữu chéo, theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, tỷ lệ sở hữu không phải là vấn đề quá quan trọng, vấn đề chính là minh bạch sở hữu và giám sát cho vay.
Thực tế minh chứng, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có hơn 1.000 công ty "ma" ở trong và ngoài nước, không có hoạt động kinh doanh, tạo thành một "hệ sinh thái". Trong đó, Vạn Thịnh Phát là trung tâm, kiểm soát toàn bộ hoạt động. Các công ty "ma" chủ yếu được dựng nên để phục vụ việc đứng tên các khoản vay khống, chuyển nhượng cổ phần.
Từ năm 2011, bà Lan đã thâu tóm ba ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành SCB và lợi dụng hoạt động của ngân hàng để huy động vốn phục vụ kinh doanh cá nhân. SCB được bà Lan sử dụng như một công ty tài chính để cấp vốn cho "hệ sinh thái" của Vạn Thịnh Phát. Với việc sở hữu 91,5% cổ phần của SCB thông qua nhiều cá nhân, pháp nhân, bà Lan đã chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng cùng cán bộ chủ chốt ở Vạn Thịnh Phát rút tiền của SCB bằng hình thức lập các hồ sơ vay khống. Ngoài ra, bà Lan còn chỉ đạo những người được giao quản lý các công ty có hoạt động kinh doanh thực tế, trong đó có cháu ruột là Trương Huệ Vân và chồng là Chu Lập Cơ... ký hồ sơ lập phương án vay vốn khống.
Trong 10 năm liên tiếp (2012-2022), cơ quan điều tra xác định, SCB đã giải ngân cho nhóm của bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng, 7% còn lại là nhóm khách hàng thông thường. Đặc biệt, từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay 545.000 tỷ đồng vốn của SCB và chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng; gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Tổng cộng, bà Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB lên tới… 498.000 tỷ đồng.
Vấn đề cốt lõi nằm ở công tác quản trị
Với nhận định, sở hữu chéo, chi phối và thao túng ngân hàng là một, và đây là các thủ thuật rất tinh vi và khó nhận diện, trên diễn đàn Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An từng chỉ rõ, nếu chỉ dùng các công cụ như giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần và giảm hạn mức cấp tín dụng thì hiệu quả sẽ không cao. Vấn đề cốt lõi của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay nằm ở công tác quản trị. Để chống sở hữu chéo, thao túng chi phối hệ thống ngân hàng thì yếu tố hàng đầu là phải xác minh được chủ sở hữu thật sự của ngân hàng.
Tỷ lệ sở hữu hiện nay không phải là vấn đề trực tiếp gây mất an toàn hệ thống ngân hàng. Bởi trên thực tế, tỷ lệ sở hữu tối đa hiện hành tại Việt Nam tương đối thấp so nhiều quốc gia khác. Nếu giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của các nhà đầu tư xuống quá thấp sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động quản trị ngân hàng.
Luật sư Trương Thanh Đức phân tích, từ vụ lũng đoạn SCB, nếu nhìn vào sổ sách, bà Trương Mỹ Lan chỉ nắm giữ 4,98% vốn điều lệ ngân hàng SCB. Nhưng bằng cách dùng 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ, bà Lan chi phối tới 91,5% cổ phần của SCB. Tỷ lệ sở hữu ngân hàng của các cổ đông trên hồ sơ giấy tờ hiện nay chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nếu chỉ hướng tới chuyện quản lý "phần nổi" này thì không mấy tác dụng với nạn sở hữu chéo, trong khi có thể gây khó cho việc thu hút vốn ngoại đầu tư vào hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Bàn về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) 2024, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đình Việt tin tưởng, Luật được ban hành sẽ giúp lành mạnh hóa hoạt động tổ chức tín dụng thông qua các yêu cầu về quản trị, điều hành tiệm cận thông lệ quốc tế, các quy định nhằm ngăn ngừa, hạn chế thao túng, chi phối tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng theo chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.
"Hệ thống các quy định, trong đó có Luật, tạo khung pháp lý, cơ sở để các cơ quan nhà nước quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát khi triển khai. Do vậy, để các quy định tại Luật đi vào cuộc sống, và tăng cường hiệu quả thực thi của Luật cần gắn với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu. Có như vậy, việc cố ý "lách luật" mới được kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh", ông Nguyễn Đình Việt nhấn mạnh.