Gỡ khó cho dự án trọng điểm

Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột đã chính thức được khởi công vào ngày 18/6/2023. Để bảo đảm tiến độ công trình, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chính quyền địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, hạ quyết tâm trước ngày 31/12/2023 bàn giao 100% mặt bằng sạch, để chủ đầu tư triển khai thi công dự án trọng điểm quốc gia này.
0:00 / 0:00
0:00
Các địa phương ở Đắk Lắk đang đẩy nhanh công tác kiểm đếm, bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột.
Các địa phương ở Đắk Lắk đang đẩy nhanh công tác kiểm đếm, bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột.

DỰ án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 117,5 km; điểm đầu tại nút giao Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực Cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối giao nhau với đường Hồ Chí Minh tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột (khoảng Km 12+450), tỉnh Đắk Lắk. Trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư theo quy mô đường ô-tô cao tốc, tốc độ thiết kế 80-100 km/giờ; giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17 m. Dự án có tổng mức đầu tư là 21.935 tỷ đồng, tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết: "Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt, khi dự án hoàn thành sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung". Dự án được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với tỉnh Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên.

Ông Y Khiêng Niê ở xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc, nơi có đường cao tốc đi qua chia sẻ: "Đồng bào Tây Nguyên bao đời nay sản xuất nông nghiệp là chính, nhưng hầu hết nông sản làm ra đều phải vận chuyển xuống các tỉnh ở đồng bằng gần cảng biển để chế biến. Vì vậy, khi biết tin Đảng, Nhà nước quyết định đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, tôi cũng như bà con trong xã vô cùng phấn khởi, sẵn sàng phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ thi công dự án".

THEO báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, tính đến đầu tháng 7/2023, tại dự án thành phần 3 tuyến cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột với chiều dài 48,5 km, tổng mức đầu tư 6.485 tỷ đồng do UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản có 407 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 313 hộ tái định cư, cơ quan chức năng các địa phương đã và đang tiến hành giải phóng mặt bằng, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư cho dân.

Tuy nhiên, các địa phương chỉ mới bàn giao được 8,61 km trong tổng số 48,5 km để chủ đầu tư triển khai dự án. Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Phan Xuân Bách cho biết: "Hiện nay, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xác định diện tích cây cao-su là cây công nghiệp hay rừng trồng? Nhiều diện tích thu hồi là đất lâm nghiệp nhưng chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc xác định thời điểm lấn chiếm để tính mức hỗ trợ, bồi thường; chưa nhận được kết quả phê duyệt đơn giá đền bù cho cây keo của nhân dân tự trồng, không có cơ sở để lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định… làm ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, theo yêu cầu đề ra đến ngày 31/12/2023 tất cả các địa phương đều phải bàn giao 100% mặt bằng sạch để chủ đầu tư triển khai, bảo đảm tiến độ của dự án".

Để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh khẳng định: UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung làm tốt nhiệm vụ giải ngân kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, bảo đảm ứng vốn, hoàn ứng và chi bồi thường minh bạch, đúng quy định của pháp luật; giao Sở Tài chính phối hợp Kho bạc Nhà nước tỉnh lập phương án phân bổ ưu tiên nguồn lực Trung ương bố trí cho giải phóng mặt bằng; quan tâm bố trí nguồn vốn kịp thời, giải ngân đúng tiến độ cho dự án trọng điểm của tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các ngành sớm tham mưu báo cáo UBND tỉnh kết quả thẩm định phương án giá rừng trồng cây keo lai và cây bời lời theo quy định; tháo gỡ khó khăn theo hướng người dân được tận thu rừng sau khi nhận hỗ trợ bồi thường, hướng dẫn việc khai thác tận thu, tận dụng đối với cây lâm nghiệp tập trung.

Về điều chỉnh giá đất, đo đạc kiểm kê đất rừng, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường sớm tháo gỡ khó khăn cho địa phương xử lý hiệu quả theo quy định chung; tuyên truyền giải thích cho người dân nắm rõ và đồng lòng thực hiện; cấp phép khai thác mỏ vật liệu và bãi thải, xem xét mỏ đá bảo đảm an ninh trật tự khu vực sinh hoạt của người dân… Hiện nay, tất cả các ngành liên quan của tỉnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương có đường cao tốc đi qua đang dồn sức đo đếm, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư cho nhân dân, bảo đảm bàn giao 100% mặt bằng sạch để chủ đầu tư triển khai thi công dự án đúng kế hoạch.