Giúp sức cho chủ thể

Vốn quen với cách bán hàng truyền thống, không phải chủ thể OCOP nào cũng dễ dàng tiếp cận, tận dụng được sự tiện lợi của các kênh bán hàng hiện đại. Công tác tập huấn, tuyên truyền rộng rãi cho chủ thể, đơn vị tư vấn, thậm chí cả người tiêu dùng, vì vậy, là vô cùng cần thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Hợp tác xã Sâm núi Dành Đức Hạnh (tỉnh Bắc Giang) thường xuyên tổ chức bán sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử. Ảnh: Trần Đức
Hợp tác xã Sâm núi Dành Đức Hạnh (tỉnh Bắc Giang) thường xuyên tổ chức bán sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử. Ảnh: Trần Đức

Cơ quan chức năng nhập cuộc

Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 của Hiệp hội Thương mại điện tử đã xếp hạng chỉ số thương mại điện tử Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội ở vị trí thứ 1 và 2. Có được vị trí này không chỉ bởi đây là hai đô thị lớn, có số dân lớn nhất của cả nước, mà còn bởi công tác tập huấn và hỗ trợ cho hoạt động thương mại điện tử đã được quan tâm kịp thời. Đối với các sản phẩm OCOP, những năm qua, công tác tập huấn cho các chủ thể và người dân được các cơ quan chức năng quan tâm rốt ráo. Thực tế triển khai tại Hà Nội, các hoạt động tận dụng mạng xã hội để bán sản phẩm bằng hình thức livestream, bán hàng đã đạt một số kết quả tốt. Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội khẳng định: "Thông qua tập huấn, các chủ thể có thể nâng cao kinh nghiệm bán hàng, trao đổi chéo sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả hơn".

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, dù thực hiện chương trình OCOP muộn, song các cơ quan chức năng đã rất quan tâm tổ chức tập huấn, trong đó có các lớp tập huấn về sàn thương mại điện tử MekongExpo. Qua đó, bà con nông dân, chủ thể có thể quảng bá, kết nối đối tác, khách hàng tiềm năng cũng như tạo điều kiện trao đổi, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho các hợp tác xã, làng nghề, các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn của các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Ông Nguyễn Thanh Thống, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông số MekongExpo cho biết, đội ngũ MekongExpo đã trực tiếp tư vấn, hướng dẫn cho từng nông dân về hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nhiều năm qua, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên, người dân hiểu đúng, hiểu rõ về chương trình OCOP; duy trì tổ chức các lớp tập huấn khởi nghiệp, tập huấn kỹ năng bán hàng cho đoàn viên, thanh niên, người dân về công cụ và chiến lược bán hàng phi truyền thống.

Ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, dù khó khăn, song công tác tập huấn, xúc tiến thương mại điện tử đã có sự tham gia tích cực của các cơ quan chức năng, đơn vị doanh nghiệp. Từ đó, nhiều sản phẩm được tiêu thụ khá tốt ngay tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Thời gian tới cần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Còn đó những rào cản

Tuy nhiên, không phải ở địa phương nào công tác tập huấn cho chủ thể, người dân cũng được quan tâm đúng mức. Có một vấn đề đặt ra, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội còn mới mẻ với người dân ở vùng sâu, vùng xa, những nơi trình độ ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng đều. Do vậy, ở nhiều nơi, khi đưa sản phẩm lên sàn thì mức độ tương tác với khách hàng hạn chế dẫn đến số lượng đơn hàng chưa đạt kết quả như mong đợi. Ông Đậu Ngọc Hòa, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Diễn Trung (Diễn Châu, Nghệ An) cho biết: "Sự thay đổi thuật toán của các nền tảng mạng xã hội cũng làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình kinh doanh, bởi nhân sự chưa được đào tạo bài bản về tin học".

Một vấn đề khác, đó là tình trạng hàng giả chưa xử lý được khiến cho các chủ thể gặp khó khăn, trong khi công tác quản lý nhà nước còn những bất cập. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần có các giải pháp hỗ trợ tập huấn về thương mại điện tử cho chính đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, các tổ chức tư vấn về xây dựng chương trình OCOP. Đồng thời, cần có giải pháp để bên tư vấn phải bảo vệ lợi ích của chủ thể, chứ không chỉ làm dịch vụ, xong rồi… buông.

Còn đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) thông tin, đơn vị đang hợp tác với đối tác Voso, Tiki, Shopee, Lazada để thực hiện chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp. Cụ thể, Cục tổ chức các chương trình đào tạo mở gian hàng, vận hành thực hiện các đơn hàng, quản lý logistics, quản lý chất lượng sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử. Chỉ khi nắm vững những kỹ năng thương mại điện tử, mạng xã hội, các doanh nghiệp, chủ thể OCOP mới có thể chủ động vận hành kênh bán hàng của riêng mình một cách hiệu quả.

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đang tích cực hỗ trợ đào tạo kỹ năng kinh doanh số cho khoảng năm triệu hộ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Hiện đã có 52 nghìn sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart. Đây là những hoạt động tích cực, chung tay hỗ trợ chủ thể, người nông dân nâng cao thu nhập từ bán hàng.