Giữ gìn, phát huy tiếng Việt

Tiếng Việt, bao gồm cả tiếng nói và chữ viết là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Việc giữ gìn, phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam sống ở ngoài nước có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi đây vừa là cầu nối, vừa là phương tiện góp phần lan tỏa, truyền bá ngôn ngữ, văn hóa dân tộc, cũng như thể hiện tình yêu Tổ quốc của những người con xa quê hương.
0:00 / 0:00
0:00
Cuộc thi Kể chuyện tiếng Việt được tổ chức trong khuôn khổ Trại hè Việt Nam 2022 dành cho các kiều bào trẻ. Ảnh: BTC
Cuộc thi Kể chuyện tiếng Việt được tổ chức trong khuôn khổ Trại hè Việt Nam 2022 dành cho các kiều bào trẻ. Ảnh: BTC

Tiếng Việt kết nối cội nguồn

Với những người Việt xa quê hương, tiếng Việt không chỉ để xác định danh tính dân tộc mà còn như sợi dây bền chặt, thiêng liêng giúp kết nối với nguồn cội.

Thực tế, những năm qua, công tác dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài luôn được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cùng các cơ quan trong nước và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tạo điều kiện phát triển. Các khóa tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào là hoạt động thường niên được tiến hành từ năm 2013. Đến nay đã có gần 400 lượt giáo viên tham gia và hoàn thành các khóa tập huấn cả trực tiếp và trực tuyến; hơn 70 nghìn bộ sách giáo khoa, tài liệu phục vụ dạy và học tiếng Việt được hỗ trợ đến cộng đồng kiều bào. Trong năm 2021, dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng với những nỗ lực từ nhiều phía, Hội thảo quốc tế về việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài lần đầu tiên được diễn ra tại Ba Lan theo hình thức trực tuyến. Tiếp theo thành công đó là sự ra đời của Diễn đàn quốc tế "Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài" với mục tiêu thúc đẩy công cuộc giữ gìn, phát huy tiếng Việt ở nước ngoài.

Cùng với nỗ lực từ các cơ quan chức năng, sự hỗ trợ tận tình của các giáo viên, kiều bào cũng là những nguồn động lực vô giá, giúp hoạt động dạy và học tiếng Việt được duy trì quy củ, bài bản với nhiều điểm sáng ở khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ có người Việt sinh sống, làm việc. Tại CH Czech, cộng đồng người Việt Nam với khoảng 70 nghìn người đã được Chính phủ nước sở tại chính thức công nhận là một dân tộc thiểu số từ năm 2013. Các thế hệ con em người Việt tại Czech có quyền được học tập, giáo dục bằng tiếng Việt; nhiều cơ sở dạy tiếng Việt đã được thành lập và hoạt động thường xuyên. Hay tại nước bạn Lào, hiện có 13 cơ sở dạy tiếng Việt, trong đó có hai cơ sở lớn là: Trường song ngữ Lào-Việt Nguyễn Du tại Vientiane với gần 1.700 học sinh và Trường tiểu học Hữu nghị Champasak giảng dạy cho gần 900 học sinh.

Khát vọng lan tỏa tiếng Việt

Bên cạnh việc giữ gìn tiếng Việt, lan tỏa tiếng Việt cũng là một việc rất cần thiết ở nước ngoài. Bởi, tiếng Việt còn là phương tiện góp phần truyền bá, lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc tới bạn bè quốc tế. Khát vọng lan tỏa tiếng Việt đã được thể hiện mạnh mẽ và sinh động trong nhiều hoạt động của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Điển hình như tại Hoa Kỳ, hiện nay tiếng Việt là ngôn ngữ phổ biến thứ năm (sau tiếng Anh, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Tagalog) với hơn 5.000 cơ sở dạy tiếng Việt ở khắp các bang. Tại bang Hawaii, thông qua chính sách "Bảo tồn khả năng ngoại ngữ châu Á và Thái Bình Dương", Chính phủ Hoa Kỳ đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động dạy và học tiếng Việt phát triển ngày càng mạnh mẽ. Đặc biệt, không chỉ có người Việt mà ngày càng nhiều người bản xứ có nhu cầu học tiếng Việt. Tiếng Việt đã được đưa vào giảng dạy, phổ biến trong nhiều trường phổ thông, đại học ở Lào, Australia, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Hàn Quốc...

Tuy nhiên, việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài cũng đang đối diện không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, tiếng Việt có nguy cơ bị mai một, mất dần sự trong sáng. Một phần bởi các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài chưa có ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của ngôn ngữ dân tộc. Một số gia đình kiều bào chưa thật sự quan tâm việc học tiếng Việt của thế hệ con em. Đội ngũ giáo viên chủ yếu là kiều bào tình nguyện, kỹ năng sư phạm còn hạn chế nhất định. Chưa kể, tại nhiều địa bàn, chưa có địa điểm dạy học cho cộng đồng, trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn.

Vì thế, thời gian tới cần nhanh chóng hoàn thiện các chính sách nhằm cụ thể hóa việc tôn vinh sự giàu đẹp, giá trị văn hóa, lịch sử của tiếng Việt. Bên cạnh đó, cần có các hình thức ghi nhận nỗ lực trong việc giữ gìn, phát huy tiếng Việt của đội ngũ giáo viên, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng như có các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Từ đó, tạo động lực giúp hiện thực hóa khát vọng lan tỏa tiếng Việt và văn hóa Việt ở nước ngoài.