Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành

Giải pháp phát triển thị trường xuất bản và văn hóa đọc

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 vừa qua, nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra khắp cả nước đã thắp lên tín hiệu đáng mừng để tiếp nối những bước phát triển khởi sắc của ngành xuất bản và văn hóa đọc. Tuy nhiên, thực trạng của ngành vẫn đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, gây tác động tiêu cực đến quá trình chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Nhân Dân hằng tháng đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Nguyên (ảnh bên), Cục trưởng Cục Xuất bản, In và phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam về vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Giải pháp phát triển thị trường xuất bản và văn hóa đọc

Cần tăng nặng chế tài xử phạt

Vấn đề vi phạm trong xuất bản, in và phát hành đang rất nhức nhối, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?

Năm 2022, toàn ngành đã tiến hành 1.632 cuộc thanh tra, kiểm tra; thu hồi, tiêu hủy hơn 128.476 ấn phẩm và hơn bảy tấn bán thành phẩm không rõ nguồn gốc; tổng số tiền phạt lên tới hơn một tỷ đồng. Những vụ việc nổi cộm nhất đã bị khởi tố có thể kể ra: cơ sở in sách lậu trên địa bàn huyện Thạch Thất và huyện Quốc Oai (Hà Nội) bị thu giữ khoảng 100 tấn sách (gồm hơn 400 đầu sách, gần 40 vạn cuốn sách) và các thiết bị in; phát hiện 750 thùng sách với hơn 90 nghìn quyển sách giáo khoa giả tại Nhà sách Tự chọn (thị trấn Ðông Hưng, tỉnh Thái Bình)...

Một thực trạng cần nhìn nhận khách quan đó là công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý còn một số mặt hạn chế, tính chủ động, kịp thời và kết quả chưa cao. Ðể giải quyết vấn đề này, đòi hỏi sự quyết tâm vào cuộc không chỉ của cơ quan quản lý hoạt động xuất bản mà cần sự quyết liệt của các lực lượng liên quan như quản lý thị trường, công an và đặc biệt là sự chung tay của toàn xã hội. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, khi mạng xã hội phát triển, nhất là các nền tảng xuyên quốc gia và các website đặt máy chủ ở nước ngoài, nhiều đối tượng đã lợi dụng cơ hội quảng cáo, chào bán sách lậu, sách giả, sách tăng giá so với giá bìa, thậm chí là ấn phẩm có nội dung sai trái, độc hại. Nếu không ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, sách giả có nguy cơ “giết chết” sách thật.

Ngoài ra, do tính chất mới và phức tạp của sàn thương mại điện tử, trong khi các quy định chưa bao quát hết các nội dung cần quản lý, cùng với những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước ở một số địa phương, lĩnh vực này cũng đã bộc lộ nhiều yếu tố bất cập. Trong đó có hiện tượng bán sách vi phạm bản quyền; phát hành xuất bản phẩm nhưng không thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật; phát hành sách lậu, ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi tác giả, nhà xuất bản và đơn vị liên kết, tạo thị trường cạnh tranh thiếu lành mạnh, đe dọa sự phát triển toàn ngành.

Trước thực trạng này, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Cục đã triển khai các giải pháp mang tính cấp bách, tập trung tăng cường phối hợp các đội liên ngành phòng, chống in lậu ở địa phương và các cơ quan chức năng; các cơ quan quản lý thông tin điện tử, an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; các doanh nghiệp, chuyên gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong các hoạt động bảo vệ bản quyền, chống in lậu; các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật nhằm nâng cao ý thức của doanh nghiệp và nhân dân; tham mưu cho Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2022/NÐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2020/NÐ-CP ngày 7/10/2020) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Những điều chỉnh, bổ sung này đã tăng nặng chế tài xử phạt, góp phần răn đe, đẩy lùi vấn nạn in và phát hành sách lậu. Sắp tới, Cục đề xuất bổ sung vào Luật Xuất bản hành vi “in ấn sách lậu, sách giả” có mức chế tài xử lý hình sự tương đương với tội “xâm phạm sở hữu công nghiệp”, “làm hàng giả” để tăng tính răn đe. Ðường dây nóng ngăn chặn sách lậu (hotline 24/7: 0329.610717) đã được Cục thiết lập nhằm tiếp nhận mọi thông tin, thông báo khẩn cấp, phản ánh của tổ chức, công dân về vấn nạn sách lậu, vi phạm bản quyền...

Vậy nếu nhìn nhận theo hướng dài hơi thì những bất cập nào cần được ưu tiên khắc phục?

Luật Xuất bản hiện hành quy định 12 chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản nói chung và từng lĩnh vực nói riêng. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai mới chỉ có một số ít chính sách được thực thi trong thực tiễn. Các vấn đề: hiện đại hóa cơ sở vật chất; đặt hàng xuất bản các tác phẩm, tài liệu phục vụ nhiệm vụ chính trị và các nhiệm vụ trọng yếu khác; đàm phán, định giá và mua bản quyền những bản thảo tác phẩm có giá trị nhưng thời điểm xuất bản chưa thích hợp; hỗ trợ mua bản quyền tác phẩm trong nước và nước ngoài có giá trị phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như các chính sách ưu đãi đối với các cơ sở in, phát hành xuất bản phẩm thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định Luật Xuất bản hầu như chưa được thực hiện trong thực tiễn. Thời gian tới, Cục xác định nhiệm vụ trọng tâm là triển khai đồng bộ các giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài như: tập trung tham mưu xây dựng và hoàn thiện thể chế; đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản; đề xuất bãi bỏ các quy định không còn phù hợp với thực tế... nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cần những ý tưởng bắt nhịp được với công cuộc chuyển đổi số

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai vừa khép lại với những dư âm tốt đẹp, nhưng để văn hóa đọc thật sự trở thành những giá trị bền vững thì cần những điều kiện gì, thưa ông?

Phát triển văn hóa đọc là chủ trương có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển lâu dài, bền vững của ngành xuất bản, đóng góp giá trị vào sự phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Về lâu dài, cần thêm nhiều giải pháp để những kết quả đi vào chiều sâu. Theo tôi, trước hết cần tập trung ở ba nội dung cụ thể. Thứ nhất, phát triển văn hóa đọc trước hết phải phát triển xuất bản, phải có nhiều sách hay, sách tốt, sách có chất lượng; phải nâng cao khả năng cung cấp sách và đưa sách đến với bạn đọc, không ngừng quảng bá giới thiệu sách để khuyến khích bạn đọc đến với sách. Như Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đã khẳng định, xuất bản cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa theo hướng dân tộc hóa nhưng vẫn phải hiện đại hóa bằng công nghệ số, phải đại chúng hóa thông qua đa nền tảng số. Thứ hai, vẫn có địa phương chưa quan tâm đúng mức, các hoạt động còn nặng về hình thức, thiếu hấp dẫn, không mang tính chiều sâu, chưa khuyến khích được đông đảo bạn đọc trẻ tuổi tham gia. Thứ ba, công tác truyền thông về sách còn những khoảng trống nhất định. Một số đơn vị chưa thật sự quan tâm đến công tác quảng bá sách, chưa chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để cung cấp thông tin đến với bạn đọc.

Và cuối cùng, việc ứng dụng công nghệ AI, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản tuy có một số điểm sáng (thí dụ sách nói) nhưng nhìn chung còn chậm, nhất là trong khối các nhà xuất bản. Một số quy định pháp luật chưa phù hợp thực tiễn, các cơ quan chủ quản thiếu sự quan tâm đầu tư cho nền tảng xuất bản điện tử cùng những hạn chế về năng lực công nghệ của các đơn vị xuất bản đã và đang là rào cản cho việc chuyển đổi số lĩnh vực xuất bản.

Giải pháp phát triển thị trường xuất bản và văn hóa đọc ảnh 1

Một hoạt cảnh về văn hóa đọc tại Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2, năm 2023. Ảnh: BTC cung cấp.

Nhưng chắc hẳn vẫn có những điểm nhấn khiến chúng ta có thể lạc quan vào sự nỗ lực vì sự phát triển của văn hóa đọc?

Ngoài điểm nhấn là Lễ khai mạc sự kiện được truyền hình trực tiếp trên VTV; sự kiện nhiều cơ quan báo chí có đông bạn đọc tổ chức chuyên mục riêng cho sách và xuất bản thì nhiều hoạt động hấp dẫn khác cũng được triển khai trên khắp các tỉnh thành. Theo tổng kết của Ban quản lý Phố sách Hà Nội, trong ba tháng đầu năm 2023, có 61 sự kiện và 80.000 lượt người tham gia phố sách. Nổi bật còn là chuỗi hoạt động sôi nổi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Theo thống kê từ các đơn vị tham gia, lượt người đến tham quan, mua sách đạt hơn 250.000 lượt người; hơn 1.850 tựa sách tương đương 31.536 quyển sách đã được bán với tổng doanh thu hơn 1,7 tỷ đồng (chưa tính bốn đơn vị xuất bản phẩm điện tử).

Một số ý tưởng mới và thiết thực được triển khai như: xây dựng bộ sách về động thực vật và không gian đọc sách tại Thảo Cầm Viên với sự hợp tác giữa Nhà xuất bản Trẻ và Ban quản lý nhằm hướng đến bạn đọc nhỏ tuổi và các gia đình. Hay lần đầu tiên trong cả nước có một thư viện số dành cho cộng đồng đã được khai trương tại thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam). Ngoài hàng nghìn đầu sách ở nhiều lĩnh vực khác nhau, thư viện còn được trang bị hệ thống thiết bị, máy tính hiện đại, kết nối đến hệ thống thư viện quốc gia và quốc tế (mua bản quyền để khai thác và sử dụng), hệ thống sách đọc điện tử. Theo đó, người dân sẽ được tự do khai thác phục vụ đa lĩnh vực như vui chơi, giải trí, nghiên cứu... thông qua máy tính, màn hình cảm ứng. Những ý tưởng trên bắt nhịp được với công cuộc chuyển đổi số đồng thời tạo lập được các không gian sinh hoạt cộng đồng, cơ hội giao lưu văn hóa nghệ thuật, giao lưu tác giả-tác phẩm; truyền cảm hứng và lan tỏa giá trị của văn hóa đọc.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!