Giáo dục cầu thủ (Bài 1): Chuyện chưa bao giờ cũ

Bóng đá Việt Nam những năm gần đây đã có những bước chuyển mình và tạo dựng được hình ảnh đẹp trong mắt người hâm mộ. Song, vấn đề về đạo đức, lối sống của một bộ phận cầu thủ lại là “nốt trầm” trong bức tranh toàn cảnh của bóng đá nước nhà. Chỉ trong vòng nửa đầu năm 2024, làng túc cầu Việt Nam liên tục rúng động vì thông tin các cầu thủ chuyên nghiệp “nhúng chàm”.
0:00 / 0:00
0:00
Có tài năng nhưng thiếu bản lĩnh sẽ không tránh được cám dỗ. (Ảnh: I.N)
Có tài năng nhưng thiếu bản lĩnh sẽ không tránh được cám dỗ. (Ảnh: I.N)

Cuối tháng 2, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã ban hành quyết định kỷ luật, đình chỉ thi đấu đối với 5 cầu thủ của CLB Bà Rịa-Vũng Tàu là Trần Kỳ Anh (2004), Nguyễn Sơn Hải (1994), Lê Bằng Gia Huy (2002), Nguyễn Quang Huy (2004), Phạm Văn Phong (2004) tại các giải bóng đá quốc gia thuộc VFF quản lý, tổ chức do có hành vi tiêu cực, dàn xếp tỷ số trong trận đội nhà gặp CLB Đà Nẵng ở giải hạng Nhất quốc gia vào ngày 24/12/2023. Nhóm cầu thủ này đã thu lợi bất chính ở trận thua 1-3 của Bà Rịa-Vũng Tàu và đặt cược cho chiến thắng của Đà Nẵng trên các trang cá độ. Ngày 1/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tống đạt các quyết định khởi tố với 5 cầu thủ trên về hành vi đánh bạc và ngay sau đó CLB chủ quản đã thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với các cá nhân sai phạm theo quy định.

Bóng đá Việt Nam từng điêu đứng với vụ án bán độ tại SEA Games 24-2007 và phải rất lâu sau mới lấy lại được hình ảnh. Giờ đây, vấn nạn dàn xếp tỷ số đã trở lại ở các giải hạng Nhất, hạng Nhì hay một số giải trẻ quốc gia. Năm 2020, VFF đã kỷ luật 11 cầu thủ đội U21 Đồng Tháp tham gia cá độ ở vòng loại giải U21 quốc gia và giải hạng Nhì. Năm 2015, 6 cầu thủ Đồng Nai cũng từng bị truy tố về tội đánh bạc và dàn xếp tỷ số ở V.League 2014. Trước đó, VFF đã cấm thi đấu vĩnh viễn 9 cầu thủ CLB The Vissai Ninh Bình trong vụ bán độ trận gặp đội Kelantan của Malaysia ngày 18/3/2014. Và ngay tháng 1 đầu năm, VFF đã phải cử giám sát lên Gia Lai khi xuất hiện có dấu hiệu bất thường ở vòng loại giải U19 quốc gia.

Vụ việc bán độ chưa kịp lắng xuống thì người hâm mộ bóng đá nước nhà tiếp tục bàng hoàng vì thông tin 5 cầu thủ CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bị bắt vì liên quan đến ma túy. Trong đó có sự xuất hiện của Quả bóng vàng Việt Nam 2017 Đinh Thanh Trung và tuyển thủ U23 Việt Nam Nguyễn Ngọc Thắng cùng thủ môn Dương Quang Tuấn, hậu vệ Nguyễn Văn Trường, tiền vệ Nguyễn Trung Học. Ngay sau đó, VFF đã đưa ra thông báo quyết định đình chỉ 5 cầu thủ này vô thời hạn để phục vụ điều tra.

Ngược về quá khứ, những năm đầu thế kỷ 21, vấn nạn liên quan đến chất cấm của cầu thủ bắt đầu nở rộ. Năm 2004, cầu thủ trẻ Nguyễn Văn Ý bị đuổi khỏi đội bóng xứ Nghệ vì tội ăn cắp và liên quan đến việc nghiện hút. Năm 2007, đội trưởng Lưu Văn Hiền của U19 SLNA bị phát hiện chích ma túy trong phòng. Cùng năm đó, Nguyễn Xuân Thành (Hà Nội ACB) cũng đã bị cơ quan điều tra khởi tố với hành vi sử dụng và tàng trữ thuốc lắc.

Đến năm 2008, 5 cầu thủ Hà Nội T&T là Lê Hoàng Anh Thi, Lê Sỹ Mạnh, Nguyễn Trọng Minh, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Xuân Tú đã bị bắt giữ khi đang sử dụng thuốc lắc ở một khách sạn tại TP Hồ Chí Minh. May mắn cho các cầu thủ này khi họ chỉ bị phạt vi phạm hành chính. Lê Hoàng Anh Thi được xác định là “đầu trò” và bị sa thải, cắt hợp đồng, những cầu thủ còn lại bị cắt hết lương, thưởng trong tháng. Ban lãnh đạo và ban huấn luyện CLB cũng bị khiển trách và phạt tiền do thiếu trách nhiệm trong việc quản lý.

Tháng 8/2008, 5 cầu thủ Bật Hiếu, Anh Tuấn, Ngọc Quang, Văn Việt, Đức Thắng cùng bác sĩ và HLV phó đội Xi-măng Hải Phòng bị phát hiện sử dụng ma túy tổng hợp trên bar sau khi V.League kết thúc. Cuối năm 2008, một cầu thủ tiềm năng mới 17 tuổi là Nguyễn Chính Âu dính vào lao lý vì sử dụng thuốc lắc...

Có thể thấy vấn nạn cầu thủ sử dụng chất cấm và dàn xếp tỷ số không còn là mới khi mà thu nhập của cầu thủ Việt Nam luôn được tính ở hàng top đầu trong các ngành nghề. Không ít ngôi sao thừa tài năng nhưng thiếu bản lĩnh, không tránh được cám dỗ. Tệ hơn là có những đàn anh dụ dỗ, lôi kéo đàn em vào con đường sai trái, dẫn tới nhiều thế hệ cầu thủ trượt dài, chứ không chỉ là một vài cá nhân đơn lẻ.

Những vụ việc đó tác động tiêu cực đến niềm tin, làm hoen ố hình ảnh của môn bóng đá, ảnh hưởng không nhỏ đến các cầu thủ chân chính. Khi mọi việc bị phanh phui, nhiều người tỏ ra tiếc nuối, tiếc cho những tài năng bóng đá nước nhà. Sau những sa ngã, phần lớn các cầu thủ đều sụp đổ, chôn vùi tên tuổi cùng sự nghiệp, họ phải đối mặt với gia đình, sức ép dư luận, sự nghiệt ngã của thời gian khi thanh xuân và phong độ cứ lặng im trôi qua vì những sai lầm khó tha thứ của mình.