Cuộc đua khốc liệt
Theo đánh giá của giới chuyên gia, thị trường may mặc tại Việt Nam được dự báo đạt 7,33 tỷ USD vào năm 2025 và còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp có thể khai thác. Thực tế, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu chính bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị chiến lược quay về "sân nhà", mở rộng sản xuất, kinh doanh tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, thị trường trong nước dù đúng là "sân nhà" nhưng không dễ chinh phục.
Đơn cử, trong ngành may mặc, các doanh nghiệp quay trở về thời điểm này không chỉ "đụng" với nhiều thương hiệu lâu năm của doanh nghiệp trong nước mà còn chịu sức ép cạnh tranh cao từ các hãng thời trang quốc tế có tiềm lực tài chính, sở hữu nhiều nhãn hiệu nổi tiếng, đồng thời đang nỗ lực gia tăng sự hiện diện ở Việt Nam.
Nếu như trước đây, khi muốn mua hàng hiệu, người tiêu dùng phải đặt từ nước ngoài, thì nay, hàng loạt thương hiệu lớn từ hàng trung bình đến cao cấp, như Chanel, Giovanni, Uniqlo,… đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn.
Thương hiệu bán lẻ thời trang toàn cầu Uniqlo của Nhật Bản, chỉ sau hơn ba năm có mặt tại Việt Nam, đã hiện diện ở nhiều điểm quan trọng thuộc hệ thống Trung tâm thương mại Vincom tại Hà Nội. Thương hiệu này đã có gần 20 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Với tiềm lực tài chính mạnh, hầu như các cửa hàng của Uniqlo đều có diện tích rất lớn, ở vị trí đắc địa và luôn thu hút đông khách hàng.
Trong khi đó, các nhãn hàng thời trang nội địa thường chọn đứng riêng lẻ, bên ngoài trung tâm thương mại, vô hình trung hạn chế sự lựa chọn của nhiều khách hàng.
Là một người đã hoạt động gần 20 năm liên tục trong lĩnh vực bán lẻ ở thị trường trong nước, ông Hoàng Lê Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tiến Thành cho rằng, khi quay về thị trường nội địa, nói thì dễ nhưng thực hiện không đơn giản. Một doanh nghiệp gia tăng hoặc xâm nhập thị phần vào thị trường nội địa đồng nghĩa một hoặc nhiều doanh nghiệp khác bị giảm hoặc mất thị phần. Do vậy, việc quay lại thị trường nội địa đồng thời là cuộc cạnh tranh gay gắt.
Bước vào hội nhập kinh tế quốc tế, người tiêu dùng đã được tiếp cận những sản phẩm chất lượng cao từ nhập khẩu hoặc do chính doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất… Thực tế này đã đẩy doanh nghiệp sản xuất hàng hóa nội địa vào cuộc đua khốc liệt, đồng thời đặt ra vấn đề hàng Việt phải thay đổi như thế nào để khẳng định vị thế trên thị trường.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, các doanh nghiệp "ngoại" không chỉ thâu tóm không gian kết nối người tiêu dùng với sản phẩm mà còn chủ động thực hiện nhiều chương trình hoạt náo để thu hút và chinh phục người tiêu dùng. Trong cuộc đua trên thị trường, nếu sản phẩm của doanh nghiệp, quốc gia nào chinh phục được niềm tin của người tiêu dùng thì sẽ có nhiều lợi thế.
Hiện nay, hệ thống bán lẻ trong nước chỉ còn vài tên tuổi lớn. Tuy vẫn còn nhiều ngách riêng, như khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng ven đô thị… để mở rộng thị trường tiêu thụ, nhưng con đường này không dễ đi, nếu doanh nghiệp không có kế hoạch cụ thể, lâu dài.
Khó mấy cũng phải làm
Nhiều người tiêu dùng khá bất ngờ khi đứng trước một số nhãn hiệu thời trang của doanh nghiệp nội địa có uy tín, như DeTheia - dòng sản phẩm cao cấp dành cho nữ giới và Generos- thương hiệu thời trang nam dành cho người trẻ do Tổng công ty May 10 đưa vào khai thác tại thị trường trong nước mới đây. Hai thương hiệu này đều được hướng đến phân khúc khách hàng hiện đại.
Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, việc đưa vào khai thác hai nhãn hàng thời trang mới nằm trong chiến lược mở rộng thêm các phân khúc khách hàng tại thị trường trong nước. Dù May 10 hiện có hơn 60 cửa hàng, trung tâm thời trang và hàng trăm đại lý trên toàn quốc, việc phát triển nhãn hàng riêng ở thị trường trong nước không phải một sớm một chiều được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Điều mà ông Hoàng Lê Minh muốn lưu ý, đó là xu hướng tiêu dùng thời trang của người Việt Nam hiện nay khác trước rất nhiều. Những sản phẩm nào đáp ứng thời trang, chất lượng, đặc biệt là giá cả phù hợp thì sẽ được ưa chuộng chứ người tiêu dùng không mua theo thương hiệu như trước.
Để chắc chân trên "sân nhà", các doanh nghiệp Việt còn cần lưu ý một số điểm như: duy trì tính minh bạch trong tiếp thị và giá cả, chuẩn hóa trong quan điểm tư tưởng, phương pháp phục vụ… để chịu trách nhiệm đến cùng với sản phẩm, tạo dựng niềm tin và uy tín với người tiêu dùng. Chinh phục thị trường Việt thì "khó mấy cũng phải làm, vì không thể thua trên sân nhà", đại diện nhiều doanh nghiệp cùng chia sẻ quyết tâm này.