Mở lối phát triển thị trường ô-tô “xanh”

Thị trường ô-tô ít hoặc không phát thải (gọi chung là ô-tô “xanh”) đang đứng trước cơ hội to lớn để phát triển khi mục tiêu giảm phát thải được đề ra trên toàn cầu. Nếu Việt Nam kịp thời đưa ra những chính sách hỗ trợ đồng bộ, mang tính ưu việt, bền vững, sẽ có thêm ngày một nhiều doanh nghiệp đón bắt được cơ hội từ xu thế chuyển đổi sang sản xuất dòng xe “xanh”.
Nhiều đề xuất, kiến nghị về việc kiến tạo chính sách hỗ trợ, phát triển thị thường ô-tô "xanh" đã được đưa ra tại hội thảo "Giảm phát thải ô-tô: Nhiều lối đi-một đích đến".
Nhiều đề xuất, kiến nghị về việc kiến tạo chính sách hỗ trợ, phát triển thị thường ô-tô "xanh" đã được đưa ra tại hội thảo "Giảm phát thải ô-tô: Nhiều lối đi-một đích đến".

Sự lựa chọn tất yếu trong tương lai

Với 6,5 triệu ô-tô và 74 triệu xe máy, Việt Nam là một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính thông qua vận tải đường bộ cao thứ nhì Đông Nam Á, sau Indonesia. Tốc độ tăng phát thải bằng phương tiện đường bộ tăng rất nhanh (khoảng 15%/năm).

Theo PGS, TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình Đào tạo kỹ thuật ô-tô (Đại học Bách khoa Hà Nội), giảm phát thải là xu hướng tất yếu, điện hóa phương tiện tham gia giao thông là một trong những biện pháp quan trọng nhất để giảm khí nhà kính cho ngành giao thông vận tải. Ước tính, việc điện hóa phương tiện giao thông đường bộ có thể giảm một phần ba khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông vận tải vào năm 2030.

Tại Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô-tô: Nhiều lối đi - một đích đến” do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, ông Đặng Hoàng Mai, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, Bộ Công thương cho rằng, trong tương lai, sẽ có nhiều công nghệ mới, ô-tô “xanh” công nghệ mới xuất hiện. Đây là thời điểm vàng để đi tắt đón đầu công nghệ với các loại xe thân thiện với môi trường. Và xu hướng “rẽ ngang” từ sản xuất ô-tô động cơ đốt trong sang những loại xe ô-tô “xanh” là tất yếu, vì vậy cần chính sách mang tính ưu việt, bền vững.

Chia sẻ quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Việt Nam có cơ hội vươn lên trở thành một cường quốc sản xuất và xuất khẩu xe điện - một sự lựa chọn tất yếu của tương lai. Dẫn số liệu thống kê của nhiều tổ chức, ông Phan Đức Hiếu cho biết, năm 2024, thế giới có khoảng 1,475 tỷ ô-tô các loại được lưu hành. Tại Việt Nam, lượng ô-tô đăng ký mới năm 2023 là 408.542 chiếc và năm cao nhất cũng chưa vượt qua mốc 500.000 chiếc. Lũy kế tới hết năm 2023, Việt Nam có khoảng 6,3 triệu ô-tô đang lưu hành.

Thực tế, tiềm năng của thị trường xe “xanh” tại Việt Nam còn rất lớn. Với quy mô dân số khoảng 100 triệu người, đa số là dân số trẻ, Việt Nam có một cơ sở khách hàng tiềm năng dồi dào. Thêm vào đó, tỷ lệ sở hữu ô-tô ở Việt Nam hiện nay còn rất thấp so các nước láng giềng như Thái Lan hay Indonesia. Vậy nên, cơ hội phát triển thị trường xe ô-tô nói chung và xe “xanh” nói riêng còn rất lớn.

Mở lối phát triển thị trường ô-tô “xanh” ảnh 1

Sử dụng phương tiện giao thông công cộng ít phát thải là xu hướng tất yếu trong ngành Giao thông vận tải. Ảnh: Bắc An

Cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đủ mạnh, kịp thời

Thống nhất quan điểm, ô-tô “xanh” đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ khi có các chính sách ưu đãi đủ mạnh, kịp thời để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, đầu tư trạm sạc và người tiêu dùng, ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ô-tô BYD Việt Nam kiến nghị: “Trên thực tế, hiện nay các doanh nghiệp gặp rất nhiều thách thức trong đầu tư trạm sạc, đặc biệt là liên quan đến quỹ đất và các vấn đề pháp lý khác. Ngoài ra, thủ tục và quy trình liên quan đến loại hình đầu tư này vẫn chưa rõ ràng và còn phức tạp…”.

Theo ông Võ Minh Lực, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia đã phát triển thành công xe ô-tô “xanh”, hướng đến mục tiêu chuyển đổi giao thông xanh, góp phần cắt giảm phát thải... Đặc biệt, chú trọng đến cơ chế chính sách thúc đẩy xe năng lượng mới. Đơn cử, Thái Lan có chính sách ưu đãi lớn cho các nhà sản xuất xe, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến 5 năm, hỗ trợ cho vay ưu đãi cho các đơn vị đầu tư trạm sạc...

Nêu rõ quan điểm ủng hộ chủ trương và ưu tiên hành động mạnh mẽ của Chính phủ trong những cam kết tại COP21 và COP26, ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban truyền thông, Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô Việt Nam cho rằng, hướng tới những mục tiêu quan trọng này, Chính phủ cần ban hành những chính sách, kế hoạch hành động cụ thể, theo lộ trình phù hợp bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, điều kiện phát triển của ngành công nghiệp ô-tô, hỗ trợ chiến lược phát triển của các nhà sản xuất và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Thẳng thắn chỉ ra những thách thức trong phát triển thị trường xe năng lượng xanh tại Việt Nam, ông Đặng Hoàng Mai cho biết, quy định, quy chuẩn chính sách thu hút đầu tư phát triển giao thông “xanh”, xe điện còn chưa hấp dẫn như chưa có chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạc; quy định về thuế, phí liên quan đến nhập khẩu xe năng lượng mới còn cao. Muốn mở cửa đón nhận những dòng xe xanh thân thiện môi trường, chính sách cần mạnh hơn, hỗ trợ sâu hơn nữa để thúc đẩy ngành công nghiệp ô-tô phát triển.

Về vấn đề này, theo bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí Bộ Tài chính, chính sách của Nhà nước cũng như Bộ Tài chính hiện khuyến khích phát triển sản xuất, lắp ráp trong nước. Minh chứng là Bộ Tài chính cũng đã xây dựng trình Chính phủ và Quốc hội ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ mạnh mẽ. Cụ thể, từ năm 2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2023/NĐ-CP thay thế nhiều nghị định trước, song vẫn tiếp tục duy trì các chính sách ưu đãi đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô-tô, trong đó có ô-tô điện, ô-tô thân thiện môi trường.

Bà Trần Thị Bích Ngọc khẳng định, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với xe điện ở Việt Nam không thấp hơn mức ưu đãi đang áp dụng tại các quốc gia trong khu vực. Bởi thực tế, Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong nước, hỗ trợ thương hiệu Việt Nam phát triển bền vững cũng như giữ chân những nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam.

Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg về Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, đến năm 2040, Việt Nam sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô-tô, mô-tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sử dụng trong nước.