Để khung pháp lý không trở thành rào cản

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết mang tựa đề: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.
Trung tâm dữ liệu số lớn nhất Việt Nam - IDC Hòa Lạc (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội). Nguồn: IDC Hòa Lạc
Trung tâm dữ liệu số lớn nhất Việt Nam - IDC Hòa Lạc (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội). Nguồn: IDC Hòa Lạc

BÀI viết có đoạn: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số”.

Để xác lập phương thức sản xuất số, một điều kiện mang tính tiên quyết chính là hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật. Chính việc tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho nền kinh tế số đi đôi với thường xuyên rà soát, sửa đổi kịp thời các quy định không còn phù hợp, tạo hành lang cho các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo... góp phần tạo nền tảng để Việt Nam nắm bắt cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số đang được xây dựng nhằm kiến tạo hành lang pháp lý về công nghiệp công nghệ số cũng như kịp thời bổ sung, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo thuận lợi, khuyến khích đủ mạnh để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số trở thành ngành công nghiệp nền tảng, góp phần đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa đất nước. Tuy bản dự thảo mới nhất đã có nhiều quy định tiến bộ, song các chuyên gia vẫn khuyến nghị một số lo ngại cần được tiếp tục xem xét, tiếp thu chỉnh sửa... Như việc, dự thảo vẫn có những điểm chưa rõ ràng, dẫn đến nguy cơ nhầm lẫn, chồng chéo giữa Luật Công nghiệp Công nghệ số và các luật hiện hành khác như Luật Dữ liệu và Nghị định Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân... Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thư - Giám đốc điều hành Bay Global Strategies, Phó Trưởng ban Kinh tế số, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) khuyến nghị: “Việc thúc đẩy các thay đổi thông qua một luật khác sẽ mở ra cánh cửa cho sự mơ hồ về luật nào điều chỉnh vấn đề nào và sẽ dẫn đến tình trạng không tuân thủ nhiều hơn”.

Bà Thư cũng đồng thời đề nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc xem xét một số nội dung nhằm tạo ra một cách tiếp cận bình đẳng và cân bằng để quản lý ngành một cách hiệu quả; phân biệt rõ ràng trách nhiệm giữa nhà cung cấp/nhà phát triển và bên triển khai; bổ sung định nghĩa rõ ràng cho các công nghệ mới; quy định phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế...

Một điểm đáng lưu tâm nữa, ở nội dung liên quan đến trí tuệ nhân tạo, cách tiếp cận của Luật Công nghiệp công nghệ số để xác định các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự thảo có rủi ro cao, không thống nhất (và có khả năng đi ngược lại) với các tiêu chuẩn quản lý trí tuệ nhân tạo đã tồn tại và đang được áp dụng trên thế giới. Bà Nguyễn Huyền Minh - Luật sư cấp cao Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN phân tích, để phù hợp với sự phát triển của công nghệ trong tương lai, nên cân nhắc không nên điều chỉnh các công nghệ một cách cụ thể (thí dụ công nghệ AI) mà nên tập trung vào quản lý việc sử dụng các công nghệ đó. Cũng như cần thẩm tra xác định rõ ràng các tiêu chí để xác định “hệ thống AI có rủi ro cao” (thí dụ, liệt kê những cách sử dụng nào được xem là có rủi ro cao). Từ đó, Luật sư Minh kiến nghị: “Phạm vi của “hệ thống AI có rủi ro cao” chỉ nên được hạn chế ở một số hệ thống trí tuệ nhân tạo nâng cao/tiên tiến (và có thể có ảnh hưởng lớn), thí dụ như hệ thống AI tạo sinh...”.

Về điểm này, nhiều chuyên gia cùng chung đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung các khái niệm, định nghĩa về công nghệ mới; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tận dụng công nghệ số, nhất là chú trọng ngành điện toán đám mây, nhằm giúp các doanh nghiệp phân tích cơ sở dữ liệu dễ dàng hơn, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.

Đối với quản lý Nhà nước về công nghiệp công nghệ số, có ý kiến đề nghị nên quản lý rủi ro, vừa làm vừa theo dõi, vừa sửa, không nên cứng nhắc. Quản lý quá chặt sẽ không tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp công nghệ số phát triển…

TRONG một nghiên cứu vào năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại 100 quốc gia về mức độ sẵn sàng tham gia cách mạng 4.0, Việt Nam được xếp vào nhóm “sơ khởi”. Nhưng mới đây, Báo cáo Kinh tế Kỹ thuật số Đông Nam Á lần thứ 8 do Google, Temasek và Bain&Co thực hiện cho thấy, Việt Nam là nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, và dự kiến sẽ giữ vị trí này đến năm 2025.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế số luôn cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP chung, năm 2023 là 12,33%. Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam cao hơn so với Thái Lan (12,1%), Indonesia (8,3%), Philippines (6,9%), Singapore (17,3%), Malaysia (23,1%). Google dự báo AI sẽ trở thành trợ lực giúp kinh tế số Việt Nam đạt 220 tỷ USD vào năm 2030.

Trở lại với dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, nếu dự thảo luật làm tốt vai trò kiến tạo không gian phát triển, Việt Nam có thể gia tăng thứ hạng trong bảng xếp hạng các nền kinh tế số quốc tế. Đúng như lời khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: “...chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại”.