1. Triều đại nhà Lý kéo dài hơn 200 năm, đó cũng là hơn hai thế kỷ, Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong chính trị - văn hóa - xã hội khi đạo Phật được tôn làm quốc đạo. Từ vị trí đặc biệt này trong đời sống chính trị - xã hội, thời Lý cũng là thời đại vàng son của mỹ thuật Phật giáo Việt Nam.
Do khoảng cách xa xôi về lịch sử, tất cả những đền đài cung điện; hay những chùa tháp, những trang trí Phật giáo của thời Lý đều chỉ còn là phế tích. Một nhóm những nhà nghiên cứu, kiến trúc sư đam mê mỹ thuật truyền thống đã tập hợp trong nhóm SEN Heritage để tìm lại những vàng son thuở nào. Cuối năm 2020, SEN Heritage đã khiến công chúng ngỡ ngàng khi tạo ra mô hình phục dựng chùa Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo. Chùa Diên Hựu thời Lý không để lại hiện vật bằng vật chất nào. Nhưng kết hợp những ghi chép lịch sử, bi ký…, với những hiện vật khai quật khảo cổ, và những giả thuyết, suy luận, các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, đã tái tạo một "ngôi chùa", vốn đã bị phá hủy hoàn toàn cách đây nhiều thế kỷ. "Người xem" được hưởng cảm giác như đi trong một ngôi chùa thật, được tận mắt thấy từng hạng mục chùa xưa, nhờ công nghệ.
Tiếp tục chuỗi các dự án nghiên cứu về mỹ thuật, nhóm SEN Heritage vừa công bố một dự án mới: Phục dựng "Đài đèn thời Lý và Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý". Càng đi sâu vào nghiên cứu, phục dựng một cách chi tiết, những thách thức đặt ra càng lớn khi những hiện vật từ quá khứ chỉ còn là những mảnh vỡ. Các nhà nghiên cứu đã tiếp cận trụ đá Bách Thảo, trụ đá chùa Phật Tích và nhận ra dường như tồn tại một mối liên hệ giữa những "mảnh vỡ" này. Trụ đá Bách Thảo hiện vẫn còn phần tạc cửu sơn bát hải (biểu tượng của tiểu vũ trụ trong Phật giáo), hai con rồng thời Lý cuốn quanh (đã mất phần đầu và phần tay). Trong khi đó, trụ đá Phật Tích (tại Bắc Ninh, hiện chỉ còn ảnh chụp) lại bị mất phần chân và thân, nhưng lại còn phần đầu rồng và tòa sen phía trên. Khi chắp nối "bù trừ" giữa hai hiện vật quan trọng này, các nhà nghiên cứu, nhà thiết kế đã có một trụ đá tương đối hoàn chỉnh.
"Thời Lý, Phật giáo hưng thịnh, có nhiều trang trí, nhiều nghi lễ quan trọng. Trên trụ đá ấy, có thể là một đèn đá, nhưng cũng có thể là tượng Thích Ca sơ sinh được sử dụng cho nghi lễ tắm Phật. Chúng tôi cùng lúc đưa ra hai giả thuyết để mọi người tham khảo. Nhưng theo chúng tôi, khả năng đây là Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh hơn, vì còn có các tư liệu khác ghi chép về điều này", kiến trúc sư Trần Thanh Tùng - thành viên SEN Heritage cho biết.
Tư liệu mà kiến trúc sư Trần Thanh Tùng nói đến là bức ảnh chụp không gian chùa Phật Tích và những ghi chép của học giả Bezacier được công bố tại Pháp năm 1954; ghi chép của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng về trụ đá chùa Phật Tích có tượng Thích Ca sơ sinh.
Ghép nối những mảnh vỡ của lịch sử, cùng sự hỗ trợ của công nghệ giúp chúng ta có được một mô hình tương đối hoàn chỉnh: Chân trụ, gồm một phiến đá sáu cạnh, giật ba cấp; thân trụ, gồm đồ án cửu sơn bát hải, song long hiến châu và tòa sen; phần trên cùng là đài đèn hoặc tượng Thích Ca sơ sinh.
Như vậy, công nghệ thực tế ảo đã giúp các nhà nghiên cứu chắp ghép những hiện vật, sự kiện, tư liệu để tạo ra những "hiện vật", thậm chí là những kiến trúc lớn. Nhờ thế, mọi người, dù ở trình độ nào, cũng có thể cảm nhận được vẻ đẹp của mỹ thuật cổ xưa.
2. Ở dự án phục dựng "Đài đèn thời Lý và Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý", các chuyên gia của SEN Heritage còn tiến thêm một bước nữa. Đó là tạo ra bản ghép phối cảnh sản phẩm đài đèn, tượng Thích Ca sơ sinh. Các tác giả thử nghiệm đặt tượng Thích Ca sơ sinh trong không gian của chùa Diên Hựu, trong ao rồng chùa Phật Tích để người xem dễ hình dung. Đặc biệt hơn, nhóm nghiên cứu đã giúp đài đèn, tượng Thích Ca sơ sinh bước ra khỏi "thế giới ảo", bằng các mẫu mô hình thật. Mô hình đài đèn và tượng Phật Thích Ca thật đã được giới thiệu phục vụ khách tham quan trong lễ công bố dự án kể trên. Theo PGS Trần Trọng Dương, nếu như các sản phẩm ứng dụng công nghệ thực tế ảo - thực tế tăng cường giúp người trải nghiệm bước chân vào quá khứ, truyền tải thông điệp và giá trị của di sản Phật giáo qua lăng kính của thị giác, thì những vật phẩm thực sẽ đưa di sản trở lại với đời sống xã hội.
Sau màn "ra mắt" cuối tháng 4, Nguyễn Minh Hiệu, thành viên của nhóm SEN Heritage cho biết, hiện tại, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã duyệt mô hình Thích Ca sơ sinh thời Lý do nhóm Sen Heritage phục dựng để thực hiện nghi thức tắm Phật vào dịp Lễ Phật đản sắp tới tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) và Phật Tích (Bắc Ninh). Việc hiện thực hóa những mô hình trong thế giới 3D và đưa vào ứng dụng thực tế sẽ giúp nhiều người có điều kiện chiêm ngưỡng, tương tác vẻ đẹp mỹ thuật thời Lý hơn.
3. Mỹ thuật thời Lý là một trong những đỉnh cao của mỹ thuật Việt Nam. Đạo Phật là quốc đạo trong suốt triều Lý, nên những gì đẹp nhất của mỹ thuật thời Lý, ngay cả kiến trúc, trang trí cung đình cũng thẩm thấu tinh thần Phật giáo. Những ứng dụng công nghệ giúp con người "trở về" quá khứ đã khá phổ biến lâu nay. Song, việc ứng dụng nữa là có thể mang quá khứ đến hiện tại thông qua tạo ra các mô hình thật, từ không gian ảo (bằng phương pháp in 3D, hoặc thủ công). Trong đó, cách làm của nhóm SEN Heritage mở ra tiềm năng rất lớn trong nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá… di sản. Tuy nhiên, nhiều di sản đã bị phá hủy, không còn nhiều căn cứ cho phục dựng. Do đó, khi phát triển xu hướng này, cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn, có sự phản biện đa chiều, điều chỉnh theo đánh giá của các chuyên gia trước khi ra mắt chính thức để tránh những sai lệch so với thực tế nguyên gốc, dẫn đến những hiểu lầm về văn hóa truyền thống; đặc biệt là những mô hình, hay kiến trúc lớn.