Đứa con mùa xuân

Khi quan tư đồ Trần Nguyên Đán vời Nguyễn Phi Khanh vào phủ thất dạy học, Khanh đã toan chối từ mà không được. Một ông quan đầu triều mời nho sinh vào dạy học cho con gái mình, không nghe theo không được. Và buổi đầu, chàng nghĩ chỉ là một mối nhân duyên thôi, nhưng không ngờ...

Khi ấy Phi Khanh có lẽ cũng trẻ như tôi và cũng vào địa vị khó xử như bây giờ, phải gắng giữ bình tĩnh trước một người học trò đẹp. Chàng được quan tư đồ Trần Nguyên Đán vời đến dạy học cho con gái, không run sao được. Bước vào xa hoa tráng lệ, dạy văn sách cho người con gái yêu kiều trong thư phòng, lòng chàng khấp khởi lo âu, vừa muốn sao cho giữ được lễ, lại mong mỏi một điều xa vời nào đó...

Trong ánh sáng của ngọn bạch lạp, những hoành phi, câu đối đỏ thẫm uy nghiêm, những long ly quy phượng móng vuốt dữ tợn, những hoa lá ước lệ bò leo, lan tỏa trên xà nhà, cột cái, cột quân như rắn rết, chàng thư sinh họ Nguyễn ắt hẳn đã không dám ý định ong bướm với cô học trò con quan. Nhưng chắc phải có một nguồn cơn mạnh mẽ nào đó, ví như sự yêu kiều lả lướt của Trần Thị Thái chẳng hạn, hay khung cảnh đẹp đẽ mà quá ư lãng mạn, hay hương hoa và tuổi trẻ của chàng không ngăn cản được những cảm xúc tươi mới với một người con gái.

Trước mắt tôi, ở một vùng nào đó, trong sương mù tháng Giêng giữa kinh thành Thăng Long, khi quan tư đồ vời hai nho sinh trẻ tuổi đến nhà đóng vai thầy dạy học, chắc hẳn ông đã không nghĩ rằng hai người đó sẽ là con rể của mình, càng không thể nghĩ rằng Thái sẽ yêu Khanh ngây dại. Tình yêu luôn nảy sinh từ những chỗ không ngờ nhất và cũng từ những người không ngờ nhất...

Người con gái chớm tuổi thành niên, ở trong trướng rủ màn che, hẳn là đầu tiên nàng tiếp xúc gần gũi với một người đàn ông, làm sao mà nảy nở tình cảm yêu mến như thế được, một ranh giới rạch ròi ngăn cách, tình si vấn vít trong một hoàn cảnh chật hẹp của lễ nghĩa. Hay là ông thầy quá đẹp trai hào hoa và càng ra sức giữ gìn quá mức thì cô tiểu thư học trò con quan càng nảy sinh lòng yêu mến gấp bội. Thầy càng nghiêm túc đường hoàng, trò càng chăm chỉ, ngoan ngoãn thì tình cảm càng bùng sinh dữ dội...

Khi ấy Nguyễn Phi Khanh suy nghĩ thế nào, chàng có nghĩ mình quá đường đột, liều lĩnh, khi dám yêu người con gái dòng dõi hoàng tộc, tình yêu phạm giới có thể mất đầu.

Và khi phải lựa chọn tình yêu của một thiếu nữ trong trắng với thân phận của mình, chàng đã nghĩ gì?

Chàng cân nhắc thế nào, tình yêu, đạo đức và thân phận, cái nào quan trọng hơn? Nhưng trước hết, chàng phải trả lời câu hỏi, tại sao chàng lại yêu, mà người yêu thương ấy là học trò của chàng. Chàng không thể trả lời được...

Khi khung cảnh gần gũi bên nhau, con nhện trên tường vì hơi ấm mà đã giăng tơ, hương hoa ngào ngạt và sách vở thánh hiền có lẽ cũng không sinh động bằng những câu chuyện người nho sinh trẻ tuổi kể về cuộc sống bình dân bên ngoài.

Những chuyện trong trướng phủ, sách vở của người xưa có lẽ Thái đã biết và nghe nhiều, nàng có thấy nhàm chán, cũ kỹ không? Nàng say mê những tri thức người thầy truyền cho, nàng càng yêu sự dân dã, chân tình, nhiệt thành của người thầy của mình. Chàng càng ra sức giữ gìn, nàng càng thấy ngăn cách mỏng manh, dễ vỡ...

Khi ấy Thái cũng khóc, Thái khóc vì biết mình đã yêu Khanh và quan hà hiểm trở trước mắt. Thái khóc vì đã yêu, tâm hồn nàng không thể gột rửa tình yêu với người thầy của mình được. Nàng chỉ biết yêu là yêu thôi, nàng đã bao giờ yêu đâu, si mê và dại khờ. Nàng yêu là yêu, nàng yêu mà có tính toán gì đâu, tình yêu của nàng đâu cần phải tính toán. Nàng dại khờ làm sao, người yêu của nàng cũng dại khờ làm sao. Chàng đâu biết đã chạm đến râu hùm rồi. Nước mắt của Thái làm ướt đẫm áo Khanh, có thể chảy dòng dòng xuống nền nhà vì đàn bà ngày xưa nhiều nước mắt hơn bây giờ. Thái nói, thầy ơi, em yêu thầy mất rồi, làm sao có thể gạt bỏ được những ý nghĩ đó trong đầu em bây giờ. Em đã trót yêu thầy rồi, làm sao bây giờ. Thầy nói đi, em phải làm sao bây giờ?

Và Khanh thì ngồi bóp trán suy nghĩ, chính chàng cũng đang xao xuyến kém gì những run rẩy của nàng. Chàng run lên. Những đại tự trang nghiêm viết trên các bảng gỗ ngang dọc trong trướng phủ, lạnh lẽo, uy phong như những con mắt đỏ to lớn, lạnh lùng đang giám sát chàng, mọi cử động của chàng không sao thoát được. Trên án thư, những trang khép hờ nào là Chu Công Đán, Khổng Phu Tử, kinh Thi, kinh Thư, kinh Lễ, kinh Dịch, kinh Xuân Thu, nào là Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử, Tuân Tử hoa mắt chóng mặt. Thôi cứ cho rằng, chàng không tiếc thân phận nhưng chờ đến ngày thành hoa, kết quả là điều hão huyền, bể Đông sóng lớn trùng trùng trước mặt, muốn vượt qua mà không có đường. Chàng đã làm gì thế này, chàng đã dám yêu con gái đại thần ư, chàng đã không biết trên đầu mình có ai nữa sao. Nhưng yêu là yêu, chàng yêu đâu có tính toán, cũng như học trò của chàng, yêu chàng mà đâu nghĩ đến gươm giáo trên đầu. Thôi cứ để nước mắt của Thái làm ướt đẫm áo ta đi, khi trời sáng ta sẽ tính tiếp.

Khanh cũng không ngờ Thái lại bạo dạn như vậy, hay chính Khanh mới bạo dạn hơn. Lịch sử mù mờ và được ghi theo ý đồ của nó. Một ngày kia Thái sẽ phải nói Khanh những câu này: Thầy ơi, hãy nói đi, nói thật. Thầy có dám yêu em và bất chấp những giông bão đang dữ dội ngoài kia. Em yêu rồi và không muốn giấu lòng mình, em không biết bên ngoài người ta yêu thế nào, nhưng tình yêu của em chân thật và em không muốn giấu mình. Em không sợ gươm giáo, thầy có sợ không? Thầy hãy thật lòng đi, yêu em đi...

Và tôi thì cũng ngạc nhiên, sung sướng chẳng kém gì Khanh. Người con gái xinh đẹp thổ lộ lòng yêu mình, tiểu thư còn muốn "xé rào" trước. Yêu Thái chưa biết có được việc gì nhưng sự thịnh nộ của quan tư đồ là có thể đoán được. Tình yêu sợ gì roi vọt, có lẽ Khanh sẽ nghĩ giống tôi, nhưng trước hết chàng cần nói cho học trò của mình hiểu được cơ sự mọi đường. Chàng có thể nói thế này: Tôi đã hiểu được tình cảm của em và tôi cũng chẳng giấu là đã yêu em mất rồi, nhưng có một điều gì đó không thuận lắm. Tôi không e ngại trừng phạt nhưng sợ em sẽ khổ sở vì cơn thịnh nộ của quan tư đồ.

Tôi thú nhận yêu em thật lòng và không có gì ngăn trở được điều ấy, chỉ muốn em nghĩ cho thuận mọi đường. Tôi không muốn mình là kẻ hèn nhát, cũng không muốn là kẻ bội bạc.

Tôi bảo nàng nhìn ra không gian phía trước và mường tượng ra cảnh tượng phi phàm giữa Khanh và Thái.

Những mây ngũ sắc vờn quanh, hương thơm quấn quýt mời gọi. Hai rồng châu đầu vào nhau rồi lại nhả ra, những biển sương mờ tan trước mắt, mầu trắng của mây, mầu xanh của lá, mầu đỏ rực rỡ của mặt trời cuộn lại, hút thành một vòng tròn rực rỡ, chói mắt. Một thân cây lớn dũng mãnh lao đi, thân cây vượt qua những đám mây tròng trành, đuổi theo vòng tròn rực rỡ. Những vòng mờ ảo buông ra, đan xiết lại, không chịu buông rời. Không gian bồng bềnh trong hương thơm lạ, hai rồng khi ẩn chìm trong mây ngũ sắc, khi thì hiện ra rõ nét, những tua vây rồng rung lên bần bật vì sự vận động mãnh liệt bên trong. Không gian sực nức mùi quyến rũ, một cảm giác xao xuyến kỳ lạ, cảm xúc chưa từng có bao giờ và cứ dâng lên mãi, thân rồng trắng quấn xiết lấy nhau, lút dần trong một cõi đam mê lạ kỳ...

Trước mắt tôi, hai rồng trắng đang vờn nhau trong mây rất gần nhưng không sao đưa tay với được.

Đôi rồng thăng giáng theo nhịp phách lạc mê muội, cảm giác như sắp rơi xuống vực nhưng rồng bỗng uốn mình phi lên. Rồng khi mắt long lanh chẳng thấy dữ tợn gì hết. Tôi bảo nàng, anh thích nhất con rồng thời Lý, vì thân mềm mại như người thiếu nữ, như em. Nàng gật đầu và bảo, rồng thì chỉ ngắm thôi không chạm vào được...

Khi đôi giao long bay lượn trên trời, Thái đã có mang. Thái hoang mang, buộc phải nói cho người tình sự thật, Khanh khi đó run rẩy toát mồ hôi nhưng vẫn cố giữ cho điềm đạm để khỏi đau lòng người học trò yêu của mình. Tôi không ngờ đã xảy ra điều ấy, quan tư đồ sẽ nổi cơn thịnh nộ, tôi phải làm thế nào. Giọng chàng run run vấp váp như chính chàng là học trò mắc lỗi. Đôi mắt Thái đẫm nước, lắc đầu, ngăn cách lớn hơn cả mười lần sông Nhị Hà, sóng to, gió lớn, thuyền ra giữa bể tròng trành. Khanh bảo:

- Hay là mình cùng trốn đi.

Thái trả lời:

- Không được, em là con quan tư đồ, dòng dõi hoàng tộc.

Khanh bảo:

- Hay là nghĩ cách bỏ đứa con đó đi.

Thái run lên giận dữ:

- Không. Em quyết giữ, cho dù bị ném xuống vạc dầu.

Khanh bóp trán, mắt chàng trừng trừng, chàng đang nghĩ đến đứa con nhưng không thốt được lời nào.

Thái bảo:

- Hèn lắm. Đứa trẻ sau này sẽ không tầm thường như cha nó.

Rồng nổi cơn điên giận dữ, con ngươi muốn bắn phọt ra ngoài.

Tôi thì không cho rằng hành động của Khanh bỏ trốn khi ấy là hèn nhát.

Chàng còn quá trẻ để có một kế sách khôn ngoan, hoặc chàng nghĩ trước hết hãy tránh đối đầu trực diện với bão tố cái đã, rồi tính tiếp. Xông ra ngay bất chấp mạnh yếu vừa hỏng việc vừa không biết mình biết ta.

Nàng mím môi, nàng vừa nghe tôi kể chuyện vừa dò xét suy nghĩ của tôi. Nàng đang suy nghĩ về lịch sử hoặc xót thương cho Thái mang cái thai của tình yêu, bụng mang dạ chửa mà búa rìu ngay trên đầu. Nếu em là Thái, em sẽ khóc, trước mắt thế đã.

Khóc vì đau đớn, lo âu, sau đó phải nghĩ một cách gì đó giải thoát. Em nghĩ Thái si tình nhưng đủ thông minh để nghĩ ra kế gì đó, nàng là tiểu thư con quan đại thần, dòng giống hoàng tộc, không thể đơn thuần tầm thường được.

Và đôi mắt nàng đăm đăm vô vọng như đang phải mang cái thai của Thái, trong khi Khanh đã đi đâu mất tăm tích. Thái sẽ phải nói thật với quan tư đồ vì chẳng còn đường nào khác, nàng đã nghĩ nát cách rồi, nhưng nàng còn chưa dám.

Tôi không bắt nàng phải kiên nhẫn chờ đợi câu chuyện lịch sử mà có khi nàng đã biết từ lâu. Khi Thái sinh con, quan tư đồ Trần Nguyên Đán đã gặng hỏi và biết mọi chuyện. Khanh vẫn biệt tích nhưng quan tư đồ nghĩ mình không lầm người, chắc Khanh trốn tạm thời một nơi nào đó quanh đâu và Thái không thể tuyệt nhiên không tăm tích người tình.

Ngày Khanh trở về.

Thái chạy ra đón Khanh với đứa con trên tay.

Tôi đoán khi đấy Khanh vừa e lệ xấu hổ, vừa ngẩng cao đầu khi biết mình có một đứa con trai với Thái, người học trò yêu của chàng. Chàng nghĩ tới lời của Thái và không thể hành xử tầm thường, nhất là vì đứa con trai của chàng. Thái không thể yêu lầm người. Nếu nàng không dám yêu và cả quyết, lịch sử đã không có đứa con được người đời nhớ ghi. Quan tư đồ Trần Nguyên Đán thách Phi Khanh làm được như Tư Mã Tương Như với nàng Trác Văn Quân, và sau này Nguyễn Phi Khanh đã làm nên chuyện, chàng đỗ tiến sĩ và sau làm quan cho nhà Hồ, chàng đã không phải xấu hổ vì cái tên của mình. Đứa con tình duyên của hai người là Nguyễn Trãi, người mà mấy trăm năm sau người đời còn nhắc mãi...