Sẽ chi trả đồng thời hai gói hỗ trợ

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn, dự kiến trước ngày 15/7, thành phố kết thúc chi trả hỗ trợ cho lao động tự do theo Nghị quyết 09 của Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh (quy mô 886 tỷ đồng). Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ đang được tiến hành giải ngân song song với nhóm đối tượng hỗ trợ được bổ sung. 

Sẽ chi trả đồng thời hai gói hỗ trợ

- Sau gần 10 ngày triển khai Nghị quyết 09, đến nay TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ được cho bao nhiêu người, thưa ông?

- Kể từ ngày 5/7 đến nay, các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh đã ưu tiên chi trả ngay lập tức tiền hỗ trợ cho khoảng 110 nghìn lao động tự do. Theo đó, mỗi người được hỗ trợ 50 nghìn đồng/người/ngày (chi trả một lần 1,5 triệu đồng/người). Trong 230 nghìn lao động tự do, có nhóm chịu ảnh hưởng lớn là 34 nghìn người chạy xe ôm truyền thống, 20 nghìn người bán vé số dạo (8.000 người tạm trú). Ðây là gói hỗ trợ lần hai của thành phố có quy mô 886 tỷ đồng cho sáu nhóm đối tượng, gồm cả lao động tự do (người không có hợp đồng lao động, thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, đời sống có rất nhiều khó khăn...). Dự kiến trước ngày 15/7/2021, TP Hồ Chí Minh kết thúc chi trả hỗ trợ cho người lao động tự do.

- Có nhiều ý kiến phản ánh, việc đề nghị xác nhận tạm trú là không đơn giản, nhất là đang thời điểm giãn cách xã hội, hạn chế giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp, dẫn tới họ không nhận được hỗ trợ?

- Theo quy định của Luật Cư trú, công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phường, xã, thị trấn nơi đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên phải thực hiện đăng ký tạm trú. Nhiều người lao động tự do đã đến thành phố từ nhiều năm, nhiều tháng trước, và cần đăng ký tạm trú từ ngày đó, chứ không phải bây giờ mới tới, hay bây giờ có hỗ trợ mới đi làm xác nhận tạm trú trong lúc giãn cách. Luật đã quy định như vậy và một khi chúng ta thực hiện đúng pháp luật, thì người dân sẽ thọ lãnh các quyền lợi tương xứng, nhất là khi hữu sự và ngược lại.

- Vậy còn đối với người có hợp đồng lao động mà đang ngừng việc, nghỉ việc thì việc trao hỗ trợ cho đối tượng này như thế nào? Vì sao đến nay vẫn chưa nhận được hỗ trợ thưa ông?

-Việc hỗ trợ lao động tự do chủ yếu do phường, xã, thị trấn lập danh sách và làm hồ sơ, người lao động không phải làm thủ tục gì nên rất nhanh và dự kiến đến ngày 15/7 là cơ bản chi trả xong. Với lao động có hợp đồng thì trách nhiệm lập danh sách, làm hồ sơ thuộc về doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã yêu cầu các chủ doanh nghiệp khẩn trương lập danh sách người lao động đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương 30 ngày liên tục trở lên để TP Thủ Ðức và 21 quận, huyện chi hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người. Việc này cần hoàn thành trước ngày 15/7, và để từ ngày này trở đi, tập trung chi hỗ trợ cho những đối tượng khác (khoảng 80.000 người).

Việc chi trả hiện có nhiều điểm thuận lợi như: người lao động có hợp đồng đều có tài khoản cá nhân, tiền hỗ trợ sẽ được chuyển vào tài khoản ngay khi hồ sơ được duyệt. Vấn đề mấu chốt là các chủ doanh nghiệp cần sớm lập danh sách người lao động tạm ngừng việc, nghỉ việc. Và chỉ cần đơn vị lập danh sách xong khi nào thì sẽ nhận tiền hỗ trợ ngay lúc đó. Nhân đây, tôi đề nghị các doanh nghiệp cần có trách nhiệm hơn trong việc lập danh sách, không nên chậm trễ. Tại sao phải làm vậy? Bởi người lao động chỉ đang tạm ngừng việc chứ thực tế vẫn là lao động của công ty, vẫn gắn bó với doanh nghiệp. Cho nên nếu được hỗ trợ kịp thời cho người lao động chính là giúp công ty giữ chân được người lao động trong bối cảnh hiện nay. Tôi cũng mong muốn và đề nghị công đoàn cơ sở cần có ý kiến với chủ doanh nghiệp và giám sát việc lập hồ sơ để bảo đảm quyền lợi của người lao động được nhận hỗ trợ.

- Mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương triển khai gói 26 nghìn tỷ đồng để sớm trao tiền hỗ trợ đến những đối tượng đang bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ông có thể cho biết tiến độ giải ngân đến thời điểm này như thế nào?

- Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đồng thời triển khai thực hiện hai gói hỗ trợ đó là: Gói 886 tỷ đồng theo Nghị quyết 09 của Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh, và cũng bắt đầu triển khai gói 26 nghìn tỷ đồng hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Xin nói rõ là gói hỗ trợ của Chính phủ thực hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng được chi từ ngân sách của thành phố và cơ bản các nhóm hỗ trợ của hai gói hỗ trợ khá giống nhau. Tuy nhiên, gói hỗ trợ của Chính phủ có bổ sung nhóm lao động phải ngừng việc vì cách ly y tế, hoặc ở khu vực phong tỏa; đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ trong đơn vị sự nghiệp công lập…

Nguyên tắc hỗ trợ là những người nào chưa nhận hỗ trợ theo gói của TP Hồ Chí Minh thì sẽ nhận hỗ trợ theo gói của Chính phủ. Hoặc, trường hợp nào đã nhận hỗ trợ mà mức hỗ trợ theo Nghị quyết 09 thấp hơn Nghị quyết 68 thì sẽ được thành phố hỗ trợ thêm khoản chênh lệch. Cũng theo quy định, trường hợp người hỗ trợ thuộc diện hưởng từ hai chế độ trở lên thì chỉ được lựa chọn hưởng một chế độ hỗ trợ (một diện) cao nhất và không được chi trùng đối tượng hỗ trợ.

- Theo quy định, tiền hỗ trợ cho lao động tự do mới tính trong 30 ngày khi TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Chính phủ. Giờ đây thành phố đã tiếp tục triển khai đợt giãn cách xã hội 15 ngày theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, vậy người lao động có được hỗ trợ thêm không?

- Tôi xin khẳng định rằng, người lao động sẽ được nhận hỗ trợ. Theo đó, những lao động mà mức hỗ trợ tính theo ngày thì cứ bao nhiêu ngày TP Hồ Chí Minh bị giãn cách, người lao động sẽ được nhận hỗ trợ bấy nhiêu ngày. Chúng tôi đã chi trả hỗ trợ đối với 30 ngày đầu và sẽ chi trả những ngày tiếp theo. Riêng đối với các điểm kinh doanh tại các chợ truyền thống (khoảng 60.000 điểm), việc hỗ trợ sẽ được tính theo tháng thì từ nay đến hết ngày 31/12/2021, có bao nhiêu tháng ngừng kinh doanh sẽ được hỗ trợ bấy nhiêu tháng, với mức từ 150-300 nghìn đồng/điểm kinh doanh/tháng...

-Xin trân trọng cảm ơn ông! ■