Rượu bia đang hủy hoại lá gan người trẻ

Một con số thống kê được công bố có thể làm choáng những “tín đồ” của bia rượu, nhất là trong bối cảnh nóng nực mùa hè: Tỷ lệ người bị bệnh gan nhiễm mỡ đang chiếm khoảng 2,8 - 24% dân số thế giới. Đáng báo động, căn bệnh trọng này gặp ở cả người trẻ, người gầy, người thuộc lứa tuổi trung niên và luôn có xu hướng gia tăng cùng với sự gia tăng người bị béo phì, mỡ máu, tiểu đường typ 2. Nếu không điều trị kịp thời, 50% người bệnh gan nhiễm mỡ do rượu sẽ bị xơ hóa, 15% số này tiến triển thành xơ gan và 4% có nguy cơ mắc ung thư gan.

Rượu bia đang hủy hoại lá gan người trẻ

Theo PGS, TS Nguyễn Thúy Vinh, Giám đốc Trung tâm tiêu hóa Bệnh viện E Hà Nội, người bệnh bị viêm xơ gan do rượu luôn chiếm quá nửa tổng số bệnh nhân nằm tại khoa gan mật của viện: “Trước đây, bệnh xơ gan do rượu thường gặp ở những người có tuổi, nay độ tuổi đang trẻ dần. Có những người bệnh 50 tuổi đã bị xơ gan. Lúc đầu, họ chỉ uống rượu khi đi tiếp khách, nhưng sau đó nghiện lúc nào không biết, uống thường xuyên và dẫn đến xơ gan”. Đáng lo ngại là xơ gan không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ điều trị triệu chứng, bởi lá gan đã xơ, không còn tác dụng lọc, thải độc cho cơ thể. Chỉ khi được thay gan thì bệnh mới khỏi triệt để. Nếu đã có những dấu hiệu tăng men gan, gan nhiễm mỡ mà vẫn duy trì thói quen sinh hoạt, uống nhiều rượu bia, ăn nhiều đồ béo, nhiều nội tạng động vật thì nguy cơ này càng nâng lên, dần dẫn đến viêm gan, xơ gan vì bia rượu. Ngoài ra, người bệnh khám và điều trị do mắc các bệnh lý đường tiêu hóa cũng tăng nhanh. Tại Bệnh viện E, mỗi ngày thường xuyên có 140-150 người có vấn đề về đường tiêu hóa phải điều trị nội trú. Các yếu tố xã hội như: stress, ăn uống thất thường, ăn nhiều chất béo, ít vận động, thiếu ngủ tác động rất nhiều đến bệnh lý như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày, ung thư hệ tiêu hóa (dạ dày, đại tràng), nhất là bệnh lý trào ngược dạ dày đang tăng rất nhanh. Khoảng 5-10% người đến điều trị bệnh này là công chức và có liên quan đến các áp lực trong cuộc sống lẫn bia rượu...

PGS, TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, nhiều người quan niệm, uống bia không hại như rượu, nên dù bị gan nhiễm mỡ, men gan tăng những vẫn hồn nhiên uống bia vì không cưỡng được sự hấp dẫn của cốc bia mát lạnh. Ngược lại, dù nồng độ cồn thấp, nhưng lượng bia uống vào thường nhiều hơn rượu, nên “cộng dồn” một chầu bia cũng không khác gì một bữa uống rượu “tới bến”. Trên thế giới, các nước dùng “đơn vị rượu” là một đơn vị đo lường dùng quy đổi các loại rượu bia với nhiều nồng độ khác nhau. “Đơn vị rượu” thường có từ 8 đến 14g rượu nguyên chất chứa trong dung dịch đó. Mỗi đơn vị tương đương 270ml bia, hoặc một chén rượu vang 125ml, hay một chén rượu mạnh 25ml. Theo đó, với nam giới không nên uống quá ba đơn vị rượu/ngày, tương đương là không quá 800ml bia mỗi ngày (không quá hai cốc bia hơi), không quá ba chén rượu mạnh, và không quá 375ml rượu vang... đối với nam. Còn với nữ giới, không nên uống quá hai đơn vị rượu/ngày.

Vì thế, dù hấp dẫn, nhưng vì sức khỏe, vì tính mạng bản thân, mọi người nên uống rượu bia ở lượng vừa đủ và lưu ý sử dụng các nhãn hiệu có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm.

Trước đây, bệnh xơ gan do rượu thường gặp ở những người có tuổi, nay độ tuổi đang trẻ dần.