Đổi mới toàn diện, hài hòa lợi ích

Rất nhiều chuyên gia trăn trở về vấn đề đổi mới tổ chức, hoạt động Công đoàn các cấp. Nhân Dân cuối tuần nhận được chia sẻ của ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; PGS, TS Dương Văn Sao, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Công đoàn; ông Nguyễn Văn Quí, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An.
Một số doanh nghiệp tích cực tổ chức khám bệnh định kỳ cho công nhân. Ảnh: Trọng Hậu
Một số doanh nghiệp tích cực tổ chức khám bệnh định kỳ cho công nhân. Ảnh: Trọng Hậu

Phóng viên: Có thể nói, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta về đội ngũ công nhân, người lao động và tổ chức Công đoàn đã khá đầy đủ, nhưng khi đưa vào thực tiễn lại nảy sinh những khó khăn. Vì sao vậy, thưa ông?

Đổi mới toàn diện, hài hòa lợi ích ảnh 1

Ông Vũ Mạnh Tiêm: Đúng là có thực trạng, dù các tổ chức công đoàn có nhiều nỗ lực, song đời sống công nhân, người lao động chưa có được sự chuyển biến rõ nét. Nhiều chính sách chưa có giải pháp đột biến nên vẫn còn tồn tại bức xúc trong đời sống công đoàn viên, người lao động, nhất là ở các khu công nghiệp. Công tác chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Song, các ngành, địa phương chưa có những đề án, chương trình cụ thể để chăm lo cho công nhân, nhất là về nhà ở, nhà trẻ, đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt. Ở nhiều nơi, số lượng công nhân gia tăng lớn, trong khi hạ tầng chưa phát triển đồng bộ.

PGS, TS Dương Văn Sao: Dễ thấy, có đến hơn 97% doanh nghiệp của ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Do đó khả năng cạnh tranh để ổn định, phát triển không cao, số lượng đoàn viên ở các doanh nghiệp không đông, nên cán bộ công đoàn ở cơ sở hầu hết kiêm nhiệm. Họ vừa làm nhiệm vụ là người lao động của doanh nghiệp, vừa là đại diện cho công nhân, nên phát sinh nhiều áp lực, hạn chế. Hay tính ổn định về công việc của người lao động nước ta cũng chưa cao, nhiều người thất nghiệp, nhảy việc nên rất khó tham gia tổ chức Công đoàn. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh đòi hỏi người lao động phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, trong khi công nhân nước ta ít điều kiện, cơ hội để học tập nâng cao trình độ. Thêm nữa, công đoàn còn nhiều khó khăn, hạn chế về kinh phí, nên hoạt động khó khăn, nhất là tới đây kinh phí dành cho công đoàn sẽ phải chia sẻ, nên sẽ còn eo hẹp nữa, trong khi đòi hỏi chất lượng, hiệu quả của công việc ngày càng cao, áp lực bảo vệ quyền lợi cho người lao động ngày càng lớn.

Ông Nguyễn Văn Quí: Công đoàn tỉnh Long An gặp không ít khó khăn, thách thức trong hoạt động, nhất là về vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, cụ thể: Thu nhập của người lao động giảm, do một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Một số doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm... Thứ nữa, công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Cuối cùng, cán bộ công đoàn cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm nên sự am hiểu về pháp luật còn hạn chế, chưa có nhiều kỹ năng trong việc giải quyết các tình huống phát sinh; hưởng lương từ doanh nghiệp, nên vẫn e dè trong việc đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Phóng viên: Vậy cần phải có những giải pháp gì để giải quyết tình trạng trên và điều quan trọng không kém là để Công đoàn đáp ứng được những đòi hỏi đặt ra trong bối cảnh hội nhập quốc tế?

Ông Vũ Mạnh Tiêm: Công đoàn các cấp phải xác định đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, tạo cảm hứng lan tỏa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giai cấp công nhân; phát hiện, biểu dương hơn nữa những tấm gương tốt, có sáng tạo, cống hiến. Cụ thể, Công đoàn các cấp đã tổ chức Chương trình "Giờ thứ 9", Giải bóng đá, các hoạt động trong Tháng Công nhân… đã tạo sân chơi rất bổ ích cho công nhân… Trên thực tế, việc chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động đã được thực hiện từ lâu, nhưng công tác này cần phải được làm tốt hơn nữa, thiết thực hơn nữa.

Ở đây, việc đổi mới về tổ chức là vô cùng quan trọng. Ta phải đổi mới từ việc nâng cao trình độ cán bộ công đoàn, xây dựng chính sách, thi đua khen thưởng, phát huy và nhân rộng những tấm gương điển hình đến việc đổi mới các phong trào thi đua yêu nước; đổi mới công tác quản lý thu chi, hiệu quả, tiết kiệm để có nguồn lực chăm lo tốt cho người lao động.

Đổi mới toàn diện, hài hòa lợi ích ảnh 2

PGS, TS Dương Văn Sao: Công đoàn đang vừa là tổ chức đại diện của giới công nhân, vừa thực hiện những nhiệm vụ chính trị được giao. Vậy nên, thứ nhất, phải tập trung đổi mới mô hình tổ chức của công đoàn theo hướng gọn mà phải tinh. Do đặc thù của tổ chức Công đoàn Việt Nam, nên mô hình tổ chức của công đoàn vừa theo ngành nghề, vừa theo lãnh thổ, dẫn đến còn chồng chéo, chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao. Do vậy, cần nghiên cứu quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp, từ đó bố trí đội ngũ cán bộ cho phù hợp và để có cơ sở đánh giá mức độ hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của từng cấp.

Thứ hai, phải xây dựng đội ngũ cán bộ đủ số lượng, chất lượng, đồng bộ về cơ cấu. Hiện nay, cán bộ công đoàn chuyên trách của ta là quá ít, chỉ khoảng 8.000 người, nhưng có tới 12 triệu đoàn viên công đoàn, thuộc 110.000 công đoàn cơ sở.

Thứ ba, cần nghiên cứu xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của công đoàn, để hạn chế tình trạng chồng chéo và hành chính hóa trong tổ chức hoạt động công đoàn. Bên cạnh đó, cần giải quyết mâu thuẫn: Cán bộ công đoàn phải đáp ứng tiêu chuẩn trưởng thành từ phong trào công nhân, được chính đoàn viên tín nhiệm bầu ra, nhưng hiện nay, cán bộ công đoàn chuyên trách là công chức, họ phải tuân thủ các quy định của công chức, thí dụ phải thi tuyển. Như vậy, người trưởng thành từ phong trào công nhân, được công nhân tín nhiệm bầu ra, rất khó có cơ hội để trở thành cán bộ công đoàn chuyên trách, bởi họ không được đào tạo có hệ thống, trong khi một số người được đào tạo có hệ thống, thậm chí có bằng thạc sĩ, tiến sĩ nhưng chưa qua thực tiễn, lại thi đỗ để trở thành cán bộ công đoàn chuyên trách.

Ông Nguyễn Văn Quí: Chúng ta phải xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, trong đó, ưu tiên nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động.

Phóng viên:Hẳn nhiên, việc nắm bắt tình hình doanh nghiệp để đồng hành, chia sẻ; giám sát việc thực hiện chính sách, bảo đảm quyền lợi cho người lao động cũng phải được đổi mới?

Ông Vũ Mạnh Tiêm: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn nỗ lực để hiểu được thực trạng sức khỏe của doanh nghiệp, điều kiện của doanh nghiệp. Trong lúc khó khăn, với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động, đồng thời luôn hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, Công đoàn cần tăng cường nắm bắt tình hình quan hệ lao động, việc trả lương, thưởng, chế độ chính sách đối với người lao động. Đặc biệt, Công đoàn phải tăng cường giám sát, theo dõi tình hình đơn hàng, việc giảm giờ làm, cắt giảm lao động, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp... để báo cáo về Công đoàn cấp trên, kịp thời phối hợp giải quyết khi có vấn đề phát sinh về quan hệ lao động.

PGS, TS Dương Văn Sao: Người lao động và doanh nghiệp vừa có quan hệ phụ thuộc, vừa có quan hệ mâu thuẫn. Mâu thuẫn ở chỗ: Người lao động muốn làm việc với cường độ vừa phải, lương cao, được thực hiện đầy đủ các chính sách, còn doanh nghiệp luôn đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên, do đó, yêu cầu người lao động phải tăng cường độ làm việc, giảm chi phí, kể cả tiền lương thưởng và các chế độ khác. Còn quan hệ phụ thuộc là, nếu doanh nghiệp "sống khỏe" thì công nhân có việc làm ổn định, được trả lương đều. Vậy nên, để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động, đòi hỏi Nhà nước phải bằng chính sách, pháp luật, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp thực hiện chính sách, pháp luật và xử lý nghiêm việc vi phạm chính sách pháp luật.

Đổi mới toàn diện, hài hòa lợi ích ảnh 3

Ông Nguyễn Văn Quí: Công đoàn phải tham gia thương lượng với người sử dụng lao động nâng chất lượng bữa ăn ca, lương, thưởng của người lao động. Thêm nữa, cũng cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đoàn viên, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. Để từ đó, đề xuất cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời.

- Xin trân trọng cảm ơn các ông!