Doanh nghiệp, người dân cùng nhập cuộc

Sau ba năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025", đã có những mô hình xã hội hóa thành công trong việc triển khai trồng và bảo vệ cây xanh, nhất là ở khu vực đô thị trên cả nước.
Người dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương tích cực trồng cây đô thị. Ảnh: Thu Thảo
Người dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương tích cực trồng cây đô thị. Ảnh: Thu Thảo

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư nguồn vốn lớn để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Chung tay đan dệt thêm nhiều khoảng xanh

Ở phía nam, tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương thực hiện tốt Đề án của Chính phủ. Đến nay doanh nghiệp và nhân dân đã trồng được hơn 69 nghìn cây xanh đô thị, hơn 14 nghìn cây tại khu vực nông thôn. Mới đây, tỉnh Bình Dương đã xây dựng "Đề án cây xanh đô thị" để tiếp tục thu hút nguồn lực, triển khai rộng rãi trên địa bàn.

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết "Đề án cây xanh đô thị" được triển khai với mục tiêu phát huy tính hiệu quả của các công viên cây xanh đô thị, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, tái tạo sức lao động của người dân. Đề án là kết quả tiếp theo, thể hiện tầm nhìn quản lý theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng đô thị...". Theo nội dung của Đề án, đến năm 2025, toàn tỉnh Bình Dương đạt chỉ tiêu bình quân diện tích đất cây xanh ở khu vực nội thành, nội thị là 6-8 m2/người (tương ứng với các thành phố Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một); ở các vùng đô thị còn lại đạt ≥ 8 m2/người.

Chung tay vì đô thị xanh, tháng 5/2024, Thành ủy Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã triển khai "Cuộc vận động phủ xanh đô thị, hướng đến xây dựng thành phố Xanh - thân thiện giai đoạn 2024-2030 và những năm tiếp theo". Trong đó phát động trồng và chăm sóc vườn cây chuyên đề "Doanh nghiệp hưởng ứng cuộc vận động phủ xanh đô thị Thủ Dầu Một". Năm 2024, thành phố Thủ Dầu Một lên kế hoạch trồng 360 nghìn cây phủ xanh đô thị. Các đô thị của tỉnh Bình Dương ngày càng được "xanh hóa" và đây là kết quả của sự nỗ lực, chung tay từ hàng trăm doanh nghiệp, hàng vạn người dân ủng hộ bằng tiền và sức người.

Nhiều địa phương khác trên cả nước đạt kết quả cao trong việc trồng cây xanh, như các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Long An, Gia Lai… Thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái đã thực hiện "Đề án quy hoạch, phát triển hệ thống cây xanh đô thị thành phố Yên Bái đến năm 2025", cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố giao các xã, phường chỉ tiêu trồng 10 nghìn cây xanh đô thị mỗi năm, đồng thời đặt chỉ tiêu diện tích đất dành cho cây xanh công cộng khu vực nội thành đạt từ 8,3 m2/người trở lên. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Yên Bái cũng tích cực kêu gọi đầu tư, xây dựng các chương trình, dự án về phát triển lâm nghiệp, các dự án trồng rừng, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư. Nhờ đó, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã trồng được gần năm triệu cây và 15,9 triệu cây xanh phân tán. Nguồn lực huy động để thực hiện lên tới 118 tỷ đồng; trong đó, vốn xã hội hóa là 73,6 tỷ đồng.

Thiết thực, không chạy theo phong trào

Đầu năm 2024, tại Hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025", đại diện Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực Đề án) cho biết: Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành kế hoạch, đề án hoặc văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị, để triển khai Đề án hiệu quả trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương rà soát, đánh giá kết quả đã thực hiện, tiến hành trồng bổ sung tại các khu vực có cây trồng bị thiệt hại, tại các diện tích còn trống cây xanh, theo đúng kế hoạch đã phê duyệt. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để mọi người hiểu biết lợi ích và tham gia hưởng ứng trồng cây xanh. Trong quá trình thực hiện, cần có sự linh hoạt, chủ động, lựa chọn các loại cây, kỹ thuật trồng và chăm sóc phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, khu vực, tránh chạy theo phong trào.