Doanh nghiệp cộng sinh với cộng đồng

Kinh doanh bao trùm, kinh doanh tạo tác động xã hội không còn chỉ gói gọn trong phạm vi những gì doanh nghiệp "nên làm", mà đó là định hướng được Chính phủ quan tâm, khuyến khích phát triển. Ông Nguyễn Quang Vinh (trong ảnh), Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích về lý do mà kinh doanh bao trùm mới chỉ được thực hiện ở lĩnh vực nông nghiệp và cũng chỉ thu hút được số ít doanh nghiệp chuyển đổi.
0:00 / 0:00
0:00
"Ước tính cứ 13 doanh nghiệp nông nghiệp kinh doanh bao trùm sẽ mang lại việc làm cho 1,8 triệu nam giới và phụ nữ, con số này sẽ tiếp tục tăng lên 2,5 triệu người vào năm 2023".
"Ước tính cứ 13 doanh nghiệp nông nghiệp kinh doanh bao trùm sẽ mang lại việc làm cho 1,8 triệu nam giới và phụ nữ, con số này sẽ tiếp tục tăng lên 2,5 triệu người vào năm 2023".

- Thưa ông, vì sao kinh doanh bao trùm được nhìn nhận là xu thế tất yếu?

- Khái niệm kinh doanh bao trùm lần đầu được phát triển vào năm 2011 bởi Nhóm Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20). Từ đó đến nay, mô hình kinh doanh này ngày càng được nhân rộng trong cộng đồng doanh nghiệp. Việc thúc đẩy kinh doanh bao trùm cũng đang đạt được sự đồng thuận trên toàn cầu, góp phần hướng tới chuyển đổi thị trường sinh thái xã hội toàn cầu.

Tại Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 8/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025", mô hình kinh doanh bao trùm cũng được xác định là một trong những mô hình kinh doanh bền vững, cụ thể là "mô hình kinh doanh huy động người thu nhập thấp tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; trong đó, người thu nhập thấp có thể tham gia với vai trò là nhà cung ứng, là khách hàng, là nhà phân phối, hay có thể là người lao động tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo ra các giá trị chia sẻ".

Ở Việt Nam, mô hình kinh doanh bao trùm đóng góp tích cực vào nỗ lực giảm nghèo trên quy mô lớn một cách có hệ thống, với tác động định tính nhờ có thể tiếp cận nhiều phụ nữ và thanh niên, những nhóm yếu thế hơn, và góp phần tăng cường việc làm để phát triển kinh tế trên cơ sở tuần hoàn, đổi mới. Qua đó, doanh nghiệp cũng đạt được sự tăng trưởng bền vững khi gắn kết chặt chẽ sự phát triển của doanh nghiệp với cộng đồng. Và chính những động lực này đã đưa kinh doanh bao trùm trở thành một xu thế tất yếu.

- Có vẻ như kinh doanh bao trùm mới đang dừng lại là lựa chọn của những doanh nghiệp lớn. Phải chăng, phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng cho cuộc chuyển đổi?

- Trên thực tế, mô hình kinh doanh bao trùm không phải là một vấn đề mới ở Việt Nam và xu hướng này đang trở nên rõ nét hơn trong thời gian qua. Các doanh nghiệp tiêu biểu như Vinamilk, Greenfeed, Traphaco, PAN Group… đang triển khai rất tốt các mô hình sản xuất xanh sạch, đưa yếu tố tuần hoàn vào sâu trong chuỗi sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng yếu thế qua mô hình kinh doanh bao trùm…

Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế-Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UN ESCAP), mô hình kinh doanh bao trùm ở Việt Nam chủ yếu mới ở lĩnh vực nông nghiệp, giúp tạo ra nguồn thu nhập, sinh kế cho những người nông dân thu nhập thấp. Các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình bao trùm đều tạo ra tác động xã hội một cách tích cực. Theo đánh giá của tổ chức này, dự kiến doanh thu từ kinh doanh bao trùm sẽ tăng 65% trong giai đoạn từ năm 2018-2023. Con số này tăng hơn đáng kể so với mức dự kiến của các doanh nghiệp không áp dụng mô hình kinh doanh bao trùm, vốn chỉ có thể tăng doanh thu ở mức khoảng 38%.

Mặc dù vậy, mô hình kinh doanh bao trùm hiện chủ yếu được triển khai bởi những doanh nghiệp có nguồn lực mạnh, chưa thật sự lan tỏa rộng rãi trong khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Vậy đâu là những rào cản mà doanh nghiệp phải đương đầu khi triển khai kinh doanh bao trùm, thưa ông?

- Còn tồn tại khá nhiều thách thức, rào cản cho phát triển kinh doanh bao trùm. Có thể kể đến trở ngại đầu tiên là thiếu vốn đầu tư, thiếu thông tin kết nối, công cụ đo lường và hệ sinh thái kinh doanh bền vững. Việc đòi hỏi tiềm lực tài chính mạnh khiến cho tại Việt Nam, mô hình kinh doanh bao trùm mới chỉ đang được các doanh nghiệp lớn tiếp cận. Bên cạnh đó, chúng ta còn thiếu hệ sinh thái bền vững trong đó hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và khoa học, công nghệ số phục vụ công tác kiểm định, đo lường chất lượng sản phẩm, dịch vụ, truy xuất nguồn gốc vẫn còn sơ khai, chưa đảm nhiệm được vai trò xương sống liên kết các thành phần tham gia kinh doanh bao trùm nói riêng và kinh doanh bền vững nói chung.

- Theo góc nhìn của ông, chúng ta cần gói chính sách như thế nào để thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt nhịp xu thế tất yếu này?

- Để phát triển mô hình kinh doanh bao trùm, các doanh nghiệp cần nhiều sự hỗ trợ về mặt chính sách từ các cơ quan trung ương, các bộ, ngành và chính quyền địa phương, các tổ chức, hiệp hội.

Tại Quyết định số 167 nêu trên, Chính phủ cũng đã nêu rõ đối với các doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp kinh doanh bền vững, sẽ nhận được những hỗ trợ về đào tạo, tư vấn xây dựng chiến lược, thiết kế mô hình kinh doanh bền vững, quản trị nội bộ; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ triển khai chuyển đổi số; tiếp cận tài chính, vốn đầu tư; hỗ trợ về truyền thông, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, v.v. Đặc biệt, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ được hưởng mức hỗ trợ cao nhất. Đây là những định hướng rất đúng, rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, cần cụ thể, chi tiết và đặc biệt cần xác định đúng tiêu chí để công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững.

Xét về khía cạnh này, từ năm 2016, VCCI đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững theo chỉ đạo của Chính phủ. Hằng năm, Chương trình đánh giá mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp dựa t rên Bộ chỉ số CSI và biểu dương 100 doanh nghiệp bền vững trong lĩnh vực sản xuất và thương mại - dịch vụ. Chúng tôi hy vọng rằng đây sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho việc công nhận các doanh nghiệp kinh doanh bền vững.

- Xin cảm ơn ông!