Vào các dịp lễ hội truyền thống của người Khmer tại Sóc Trăng, tất cả mọi người tham gia múa hát rom vong thật vui nhộn. Mọi người có thể múa tại nhà, sân chùa, ngoài đồng ruộng và không giới hạn người tham gia. Khi nhịp trống và giọng hát say sưa vang lên theo điệu rom vong thì từng người một hoặc từng đôi trai gái, già trẻ cùng uyển chuyển hòa mình vào điệu múa tập thể rất mềm mại và duyên dáng. Múa rom vong có nghĩa là múa vòng tròn, các đôi trai gái vừa múa vừa quay lại nhìn nhau tình tứ, quấn quýt. Các động tác nữ dịu dàng, kín đáo múa lượn hai cánh tay trước ngực trong khi các động tác nam khỏe khoắn, giang rộng vòng tay hơn như thể che chắn, bảo vệ người nữ kết hợp với chân, chân nào phía trước thì tay ở đó dưới thấp và ngược lại, lòng bàn tay trái ngửa thì lòng bàn tay phải úp và ngược lại.
Các động tác múa rom vong rất mềm mại, mỗi động tác hình thành nên từng điệu múa với những cái tên cụ thể. Động tác chip mang ý nghĩa cây có chồi non tươi đẹp thể hiện khát vọng đi lên, người múa đưa lòng bàn tay ngửa lên trên chỉ dùng ngón tay cái và ngón trỏ áp sát vào nhau, ba ngón kia hướng ngược lại. Động tác khuôn mang ý nghĩa hoa đã kết trái tươi tốt, lòng bàn tay người múa hướng về phía trước theo hướng đứng, ngón giữa cong áp sát ngón cái trở thành một vòng tròn. Ngoài ra còn động tác rôn (nghĩa là che), phong cách chon-ol (nghĩa là động tác chỉ), phong cách thồ-thuôl (đón và nhận lấy), động tác vong, động tác sêk (dáng đi của con két)… Múa rom vong phải theo một số quy tắc như người ít tuổi, địa vị thấp ra múa trước sau đó mới tiến đến mời các quan khách, người cao tuổi ra múa giao lưu. Đội hình múa càng di chuyển nhiều vòng càng vui. Người Khmer cùng khách mời người Kinh, người Hoa… hòa chung điệu múa theo nhịp trống. Khi trống ngừng mọi người cùng dừng chắp tay chào nhau rồi về vị trí cũ.
Điệu múa dân gian rom vong đã trở thành một nét văn hóa gắn bó mật thiết và in dấu sâu đậm trong tâm thức, đời sống sinh hoạt của mỗi người Khmer. Nhiều tình cảm tốt đẹp nảy sinh, nhiều cặp đôi trai gái yêu nhau qua những cử chỉ, ánh mắt trao nhau và nụ cười khi biểu diễn múa. Nhờ những giá trị tiêu biểu, năm 2019, loại hình nghệ thuật múa rom vong của người Khmer tỉnh Sóc Trăng đã được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.