Đi, khi còn trẻ

Đã bao giờ bạn phải cố chứng minh với một ai đó, rằng mình không phải một cái cây chưa? Còn tôi thì có. Bạn của tôi từng thách thức: "Cậu có phải cái cây không? Nếu không, tại sao ở mãi một chỗ thế? Hãy đi và trải nghiệm xem nào". Bằng tất cả lòng tự ái và hiếu thắng lúc bấy giờ, tôi lập tức đồng ý. Ngay hôm sau, tôi xách ba-lô lên và bắt đầu một hành trình khác thường.

Vẻ đẹp hoang sơ, yên bình của Nặm Chắn.
Vẻ đẹp hoang sơ, yên bình của Nặm Chắn.

Trên quãng đường dài hơn 250 km từ Hà Nội đến Lâm Thượng, Lục Yên, tôi dần cảm thấy hối hận. Cô bạn đưa ra lời thách thức vì biết tôi không thuộc "chủ nghĩa xê dịch", biết tôi hay ngại ngần khi phải di chuyển khỏi nơi sinh sống. Ngồi trên xe, tôi đã phải tự động viên bản thân rất nhiều. Rằng mình trì trệ thế nào, đã lãng phí bao nhiêu thời gian tuổi trẻ chỉ để ngồi yên một chỗ, trong khi bạn bè đồng trang lứa đã lưu dấu chân khắp mọi miền Tổ quốc. Để rồi sau đó gác lại mọi lo lắng, sợ hãi, hồi hộp… và tập trung vào chuyến đi.

Đích đến của tôi là thác Nặm Chắn. Đường đến đó quanh co, uốn khúc, thu vào tầm mắt một mầu xanh ngút ngàn của núi rừng và bản làng lấp ló xa xa. Để lên được điểm cuối thác phải cuốc bộ thêm chừng một cây số. Ở đây, "google maps" được thay thế bằng những tấm biển gỗ thô sơ chạy dọc quãng đường đi. Chỉ cần sơ sảy chút thôi, bạn đã có thể bị lạc đến một vạt rừng không dấu chân người.

Đường lên đỉnh thác thật sự là thách thức, nhất là với kẻ quen với cuộc sống bằng phẳng và dễ dàng. Lối mòn tạo thành từ những tảng đá rêu phong gồ ghề. Tôi phải bám chắc vào chúng để di chuyển, thậm chí còn phải đi chân trần để tránh trơn trượt. Cảm giác nhói đau liên tục dội lên từ gan bàn chân khiến tôi nhiều lần muốn bỏ cuộc. Nhưng nếu dừng lại, chẳng phải là tôi vứt tất cả mọi chặng đường đã qua xuống thác?

Trắc trở và khó khăn, nhưng đáng giá. Khoảnh khắc đặt chân đến Nặm Chắn, tôi bỗng phần nào hiểu được lý do các nhà hiền triết xưa hay chọn núi rừng để ở ẩn. Vắng những ồn ào, bon chen và ganh đua của cuộc sống ngoài kia. Không gian nơi đây hoang sơ, tĩnh tại vô cùng thích hợp với những ai yêu cảm giác bình yên. Suối Nặm Chắn xanh trong thấy đáy. Tôi ngâm mình trong dòng nước mát lành ấy, thấy cả người cả hồn phách như tan ra, nhẹ bỗng, lờ lững theo hơi nước bay lên chạm đến chân mây.

Chiều muộn, tôi tấp vào một chiếc lán nghỉ ngơi. Dân bản vừa nướng cá, vừa uống rượu, chuyện trò. Ánh lửa hắt lên, soi rõ nụ cười trên những gương mặt đã sạm đi vì sương gió. Vốn hướng nội, tôi lúc đầu còn ngần ngại. Tiếng Tày xen lẫn tiếng Việt có phần hỗn loạn. Nhưng rất nhanh thôi, đó chẳng còn là rào cản. Tôi hòa mình vào cuộc vui. Để tự nhủ: Sau này, mình sẽ phải vượt qua những con đường khó đi, sẽ phải giao tiếp với nhiều người, nhiều thứ ngôn ngữ hơn thế. Nhưng lần này, tôi cho phép mình được tự mãn một chút, khi đã bước qua bên kia giới hạn của bản thân.

Ở đây, mạng xã hội trở nên thừa thãi. Nhưng đêm muộn, tôi lại ngồi một góc, nhìn chiếc điện thoại đã sập nguồn. Hẳn rồi, chỉ ngày mai thôi, khi trở về thành phố, nó sẽ lại nổ tung bởi những tin nhắn và cuộc gọi. Như là một thế giới khác.  

Suy cho cùng, chẳng ai biến thành cái cây chỉ vì ở yên một chỗ. Nhưng mà, ở yên một chỗ thì đâu có thể biết được rằng mình thật sự rất thích trò chuyện với gió núi, và chạm vào mây ngàn…