Để không xa rời thực tiễn

Nhu cầu tuyển dụng nhân tài công nghệ thông tin là một trong những mối quan tâm chính của các nhà quản lý và chủ doanh nghiệp. Do đó, các cơ sở giáo dục đại học cũng liên tục phải cải thiện chất lượng dạy học để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Đức Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển Ứng dụng đa phương tiện, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, xoay quanh chủ đề này.
0:00 / 0:00
0:00
TS Nguyễn Đức Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển Ứng dụng đa phương tiện, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
TS Nguyễn Đức Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển Ứng dụng đa phương tiện, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

- Trước tiên, hiện tồn tại những khó khăn gì trong quá trình đào tạo sinh viên công nghệ thông tin ở nước ta, thưa ông?

- Công tác đào tạo ở các trường đại học giờ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Song, ngay từ câu chuyện nguồn lực đào tạo, việc học chay dạy chay vẫn còn. Hệ thống phòng lab thực hành tiên tiến còn ít. Chương trình đào tạo cũng chưa có nhiều cơ hội quan sát thực tế cho sinh viên trước khi ra trường. Hình thức đào tạo theo dự án thật, có định hướng thực tiễn cùng doanh nghiệp cũng mới chỉ thực hiện ở một số trường đại học top đầu.

Thêm nữa, nhiều đơn vị quá nóng vội tham gia thị trường đào tạo, trong khi thiếu nguồn lực để đuổi theo thực tế, như chưa đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu, bài giảng, cơ sở vật chất, phòng lab... Thậm chí, nhiều đơn vị đi thuê phòng học bên ngoài, sinh viên phải di chuyển liên tục giữa các cơ sở đào tạo. Khi chất lượng đào tạo tăng trưởng từ nội tại, có yêu cầu đầu ra cao, chất lượng sinh viên mới có thể tiến triển.

- Theo ông, làm thế nào để nâng cao chất lượng và trình độ của sinh viên nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp?

- Việc kết hợp giữa đào tạo và doanh nghiệp từ lâu đã được xác định là mô hình đáp ứng rốt ráo nhất, đặc biệt với đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Một mặt nhân sự sẽ được đào tạo đúng chuyên môn, mặt khác sẽ được bảo đảm đầu ra khi đã đáp ứng đúng xu hướng thị trường và thực tiễn doanh nghiệp.

Hiện nay, Viettel, VNPT hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông… nhằm đào tạo những nhân sự chất lượng cao hằng năm. Hay như Samsung Việt Nam đã kết hợp với các trường đại học trong nước để đào tạo kỹ sư chất lượng cao nhằm triển khai các chuyên ngành như Robot, Big Data, AI… Các sinh viên sau quá trình đào tạo kết hợp sẽ có cơ hội làm việc cho chính Tập đoàn Samsung tại Việt Nam.

PGS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Ðại học Bách khoa Hà Nội

Nhà trường đã nỗ lực cải thiện môi trường giảng dạy và học tập, như 15 phòng thí nghiệm nghiên cứu các chuyên ngành từ dự án SAHEP theo nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới đã được đưa vào sử dụng từ học kỳ 2 năm học 2022-2023, bên cạnh nhiều phòng thí nghiệm chuyên ngành cũng đã được hoàn thiện từ kinh phí của Đại học và tài trợ của các đối tác, tập đoàn, doanh nghiệp.

Công tác kiểm định chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn quốc tế cũng được đẩy mạnh và đạt kết quả tốt: tám chương trình đào tạo đã nhận được kết quả đạt kiểm định theo chuẩn AUN-QA, hai chương trình đào tạo đạt kết quả tái kiểm định theo tiêu chuẩn CTI và 16 chương trình đào tạo đạt kiểm định theo chuẩn ASIIN (châu Âu), đưa tỷ lệ chương trình đào tạo đại học được kiểm định quốc tế đạt 64%. Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá và thực hiện tái kiểm định Đại học theo các tiêu chuẩn của tổ chức HCERES (Pháp).

Ở các chương trình kết hợp giữa đại học và doanh nghiệp, người đi dạy không chỉ là giảng viên mà nhiều khi là các chuyên gia của tập đoàn. Thí dụ điển hình là Chương trình Công nghệ thông tin HEDSPI tại Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo các kỹ sư có trình độ tương đương đội ngũ được đào tạo tại các trường đại học ở Nhật Bản. Từ năm 2006 tới nay, đây là chương trình giúp sinh viên ra trường hưởng mức lương trung bình cao nhất trong các ngành đào tạo liên quan đến công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Việc đào tạo kết hợp cùng doanh nghiệp có sự khác biệt rất lớn, giảng viên cần phối hợp công ty để đưa ra đề tài. Điều này tạo nên trải nghiệm học thực tiễn và có tính thách thức. Ngoài ra, kết quả dự án cũng chính là cơ sở để doanh nghiệp hiểu và trao cơ hội việc làm cho sinh viên.

Bên cạnh đó, việc học hỏi các điểm hay, những giá trị gia tăng trong cách thiết kế chương trình quốc tế là điều nên cởi mở. Để tránh lỗi thời, lạc hậu, các bài toán nên được nhà trường cập nhật để làm giàu trải nghiệm thực tiễn của sinh viên. Tuy nhiên, cần làm rõ việc nâng cao chất lượng đầu ra không có nghĩa trường đại học cố gắng dạy nghề. Công nghệ thông tin là ngành có tính chất công việc thay đổi liên tục, quy trình làm việc cũng khác nhau giữa các công ty.

Sinh viên được đào tạo với mục tiêu cao nhất là nắm vững kiến thức nền tảng để có thể tự học, tự nghiên cứu và làm việc chuyên sâu khi tham gia doanh nghiệp chứ không chạy theo những tình huống cụ thể của một vài doanh nghiệp. Do vậy, các chương trình đào tạo dù cải tiến, kết hợp hay cập nhật cũng cần có vai trò hài hòa giữa kiến thức căn bản và môi trường học tập thực tiễn.

- Việc kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo đóng vai trò như thế nào?

- Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo cũng quan trọng không kém. Thực tế, nhiều cơ sở đào tạo chưa thật sự nghiêm túc nghiên cứu chuẩn hóa chất lượng đào tạo.

Ở các trường đại học top đầu, việc kiểm định chương trình đào tạo, giảng viên và hệ thống cơ sở vật chất diễn ra một cách chặt chẽ, thường xuyên. Công tác sát hạch kiểm tra năng lực sinh viên được làm nghiêm túc. Nhiều sinh viên phải trả nợ môn đến năm thứ sáu mới ra được trường, hay chuyện các thầy cô bị mang tiếng vì đánh trượt sinh viên nhiều quá, tất cả cũng chỉ vì nhiệm vụ giữ vững tiêu chuẩn chất lượng đào tạo.

Công tác bảo đảm chất lượng dạy và học đòi hỏi rất nhiều ở mục tiêu và định hướng của đội ngũ giảng viên, lãnh đạo các đơn vị đào tạo. Tuy gian nan nhưng chính cách làm này giúp sinh viên nâng cao năng lực, giữ vững phong độ dễ dàng thích ứng với thị trường lao động. Không phải tự nhiên phần lớn sinh viên ở các trường top đầu đều đáp ứng tốt nhu cầu đầu vào của doanh nghiệp. Thậm chí, các công ty còn đặt hàng đào tạo số lượng lớn nhân sự tương lai.

PGS, TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Ðại học Ðà Nẵng

Nhà trường cần thay đổi quan điểm nhận thức, chuyển từ thụ động sang chủ động hợp tác với doanh nghiệp, xem đây là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Sắp tới, Đại học Đà Nẵng có hai trọng tâm.

Đầu tiên là xây dựng học kỳ doanh nghiệp, thiết kế lại chương trình đào tạo. Trước đây, chương trình thực tập phục vụ cho tốt nghiệp, thì bây giờ thiết kế một học kỳ, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tại doanh nghiệp. Thứ hai là chương trình đào tạo ngắn hạn bổ sung, có cấp chứng chỉ, được đào tạo bởi chính doanh nghiệp và các chuyên gia hàng đầu để cung cấp những kiến thức thực tiễn.

- Về chế độ đãi ngộ và điều kiện làm việc, cần cơ chế, chính sách ưu đãi như thế nào để thu hút các chuyên gia đầu ngành, thưa ông?

- Chính sách đãi ngộ về lương thưởng là yếu tố hàng đầu. Các trường đều khuyến khích trọng thưởng người tài, nhưng vẫn còn phải phụ thuộc bài toán tài chính. Điều này dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám rất nhiều. Những giảng viên chuyên môn cao, đặc biệt với những ngành như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, máy học… luôn được các doanh nghiệp tư nhân săn đón, trả lương gấp nhiều lần so các trường đại học.

Nhiều chuyên gia quản lý giáo dục đã đề cập tới việc cơ sở đào tạo phải tự đứng trên "đôi chân". Chủ động tạo nguồn thu thay vì đơn thuần trông chờ hay dựa vào Nhà nước hoặc Bộ chủ quản. Nhưng cái còn thiếu chính là hành lang pháp lý rõ ràng và đóng vai trò giám sát. Muốn nhân tài đến làm việc, nhất định phải trả lương cao, tương xứng với trình độ và sức lan tỏa của họ.

Đào tạo đại học rất cần những nhà khoa học, giảng viên chuyên môn cao để dẫn dắt đề tài nghiên cứu, xây dựng lứa thế hệ kế cận. Họ giống như cây cổ thụ, với sự xuất hiện của các nhân tài, quá trình giảng dạy và nghiên cứu sẽ trở thành phong trào, kéo theo chất lượng đào tạo của trường phát triển.

Nhiều chuyên gia, tiến sĩ, giáo sư khi quyết định gắn bó với các trường, ngoài các điều kiện ưu đãi về phúc lợi, mối quan tâm lớn nhất chính là môi trường học thuật, nghiên cứu có thể giúp họ khai phá và phát triển hết khả năng hay không. Không phải trường nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư phòng thực hành hay phòng lab riêng cho chuyên ngành của công nghệ thông tin. Yếu tố này đóng vai trò lớn trong quá trình lựa chọn.

- Xin cảm ơn ông!

Để không xa rời thực tiễn ảnh 1
Sinh viên tham dự cuộc thi "Lập trình Robot năm 2023" do Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức. Ảnh: PTIT