Mục tiêu đề ra trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” là doanh thu từ các ngành này trên cả nước đóng góp 7% GDP vào năm 2030.Tuy nhiên, còn nhiều rào cản thực tế, nhiều khó khăn cần được tháo gỡ để đường tới mục tiêu nói trên rộng mở.
Trông cậy vào du lịch và di sản là chủ yếu?
Trong số 48 tỉnh, thành phố có báo cáo về bước đầu triển khai công nghiệp văn hóa trên địa bàn, có tới 30 địa phương xếp du lịch vào vị trí đề cập đầu tiên. Báo cáo từ các tỉnh Kon Tum, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định thậm chí chỉ đề cập đến du lịch.
Cần phải nhắc lại, du lịch văn hóa mới là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa theo liệt kê trong nội dung Chiến lược kể trên chứ không phải du lịch nói chung. Theo khoản 17, Điều 3, Luật Du lịch 2017, du lịch văn hóa là loại hình được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại. Cũng theo Chiến lược này, mục tiêu tổng doanh thu của ngành du lịch văn hóa nước ta từ khách du lịch đến năm 2030 chiếm 10-15% tổng doanh thu, khoảng 18 -19 tỷ USD.
Tuy nhiên, cả 30 báo cáo kể trên đều không đề cập bất kỳ doanh thu nào từ du lịch văn hóa, mà chỉ có thống kê từ ngành du lịch. Mặc dầu vậy, điều dễ nhận thấy là hầu hết các địa phương đều nhấn mạnh vào sản phẩm du lịch khai thác từ di sản văn hóa đặc thù như các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, làng nghề truyền thống.
Có thể kể đến tỉnh Đồng Nai, với biểu đồ thể hiện số lượng du khách đến với các điểm di tích lịch sử cách mạng tăng dần theo thời gian (lần lượt là: 52.310; 70.710; 93.860; 95.000 và 120.000 lượt khách tương ứng với các dấu mốc năm 2017-2018-2019-2022 và 9 tháng đầu năm 2023).Tỉnh Nam Định đề cập khá chi tiết thế mạnh du lịch tâm linh, du lịch ẩm thực và du lịch làng nghề với đa dạng, phong phú các sản phẩm thủ công đạt tiêu chuẩn OCOP...
Quảng cáo là ngành được đề cập nhiều thứ hai, sau du lịch, bao gồm từ quảng cáo tấm lớn ngoài trời đến quảng cáo trên báo, từ đài phát thanh đến đài truyền hình địa phương và cả quảng cáo trực tuyến. Tuy không có địa phương nào đề cập thống kê đầy đủ tổng doanh thu từ ngành này nhưng ban đầu, một số địa phương đã đưa ra con số đơn lẻ, hoặc về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, hoặc doanh thu quảng cáo đơn lẻ từ báo, đài địa phương.
Điều đáng nói là 10 trong số 48 báo cáo nói trên còn không có thống kê hoạt động ban đầu của bất kỳ một ngành công nghiệp văn hóa nào. Thay vào đó là liệt kê theo thời gian hàng loạt các văn bản, như nghị quyết, kế hoạch hành động... liên quan công nghiệp văn hóa ở địa phương song không hề đưa thông tin về kết quả. Trong đó, báo cáo từ hai tỉnh Lâm Đồng - Quảng Nam chỉ đề cập duy nhất hai cái tên trên địa bàn là điểm sáng về công nghiệp văn hóa, lần lượt là Đà Lạt và Hội An.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất đã thực hiện thống kê đóng góp của công nghiệp văn hóa vào GRDP của thành phố trong một số năm. Theo đó, nếu như năm 2010, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa đạt hơn 36.094 tỷ đồng (chiếm 3,77% GRDP) thì đến năm 2019, con số này là hơn 84.123 tỷ đồng (chiếm 3,88% GRDP), năm 2020 là 77.135 tỷ đồng (do ảnh hưởng dịch Covid-19, chiếm 3,54% GRDP). Thành phố hiện có 17.670 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất-kinh doanh sản phẩm văn hóa (chiếm 7,74% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn, với khoảng 90 nghìn nhân sự, trong đó số lao động làm việc trong các ngành quảng cáo, triển lãm và du lịch văn hóa chiếm tỷ lệ cao nhất).
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng Monsoon 2023 vẫn diễn ra và thành công lớn nhất là loạt chương trình Phố Hàng Nhạc. Ảnh | Thanh viet Production |
Vậy là, ngoại trừ quảng cáo và du lịch (trong đó có du lịch văn hóa), hầu hết các lĩnh vực còn lại trong tổng số 12 ngành công nghiệp văn hóa tại các địa phương đều chưa có điều kiện phát triển, nói cách khác, từ ngữ ngắn gọn miêu tả thực trạng là “khó khăn và khó khăn”.
Ở các lĩnh vực giàu tiềm năng như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, triển lãm, hầu hết hoạt động được thống kê đều mang mục đích tuyên truyền, cổ động, lưu động, phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa hoàn toàn miễn phí. Đơn cử, theo ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, “du lịch được xem là dịch vụ văn hóa thế mạnh của địa phương, được xác định để xây dựng trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, với nhiều loại hình du lịch đã được khai thác, như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa-lịch sử... Ngoài du lịch thì những lĩnh vực dịch vụ văn hóa còn lại của địa phương chỉ mới phát triển ở mức thấp”.
Giải pháp nào cho trước mắt và lâu dài?
Bức tranh khá toàn cảnh về phát triển công nghiệp văn hóa tại các địa phương trên cả nước cho thấy đã đến lúc, chính quyền các cấp không thể chỉ đưa ra chủ trương chung chung mà cần hành động thực chất, căn cứ vào thế mạnh hiện có của từng địa phương.
Chẳng hạn như ở Hà Nội, cho đến nay, địa phương này chưa có được một địa điểm biểu diễn nào cố định và phù hợp cho những sự kiện nghệ thuật biểu diễn quy mô lớn như các lễ hội, sự kiện âm nhạc trong nước và quốc tế; đơn vị tổ chức đều phải thuê mượn địa điểm từ các di tích, công viên, quảng trường trong trung tâm thành phố. Việc này khiến họ không chỉ gặp rủi ro về thời gian biểu mà còn phần nào gây nhiều phiền nhiễu cuộc sống thường nhật của cư dân sở tại, trong đó có ô nhiễm tiếng ồn.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, người tạo dựng và duy trì sự kiện âm nhạc quốc tế định kỳ đầu tiên ở Việt Nam - Lễ hội âm nhạc Gió mùa (Monsoon Music Festival), địa điểm biểu diễn là Hoàng thành Thăng Long được chính quyền thành phố chủ trương đồng ý trong 5 năm liên tục, nhưng vẫn để ngỏ tình trạng có thể lấy lại bất cứ lúc nào, tùy vào tình hình thực tế của thành phố tại thời điểm diễn ra sự kiện (nếu có các sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng của quốc gia và Thủ đô).
Monsoon có thể góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa cho Hà Nội nhưng để thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước đến với thủ đô, bản thân sự kiện này cũng như các công ty lữ hành liên kết khai thác khách hàng tiềm năng cần sự ổn định về thời gian và địa điểm biểu diễn, ít nhất là trước một vài năm. “Nhưng điều đó là khó khả thi với Monsoon khi năm nào, chúng tôi cũng chỉ có giấy phép biểu diễn vỏn vẹn chỉ 4-5 ngày trước khai mạc”- ông Trung cho biết.
Ngoại trừ các sự kiện mang tính chất chính trị hoặc quảng bá nhãn hàng, tất cả các sự kiện âm nhạc lớn diễn ra ở Hà Nội theo mô hình kinh doanh của công nghiệp văn hóa đều do tư nhân tổ chức, và phần lớn không thể cân bằng thu-chi từ tiền bán vé. Chính vì vậy, việc đầu tư ban đầu cho hạ tầng cơ sở của công nghiệp biểu diễn từ chính quyền là vô cùng quan trọng, bao gồm ít nhất một địa điểm biểu diễn đáp ứng quy mô sự kiện có hàng chục nghìn người tham gia, một hành lang pháp lý đặc thù cho cấp phép sự kiện được xây dựng với sự tham vấn kỹ lưỡng từ tất cả các bên liên quan.
Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2023 được tổ chức hoàn toàn bằng ngân sách Nhà nước nhưng luôn thưa vắng người xem. Ảnh | An Trung |
Về lâu dài, các bộ, ngành chức năng liên quan phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam (từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông đến Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, cần có các bàn thảo cụ thể hơn nữa về việc chung trách nhiệm quản lý lĩnh vực này như thế nào. Ngay từ việc “định danh” và “định vị” các ngành công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế quốc dân hiện cũng chưa được đặt ra.
Thực tế này đã được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà chỉ rõ: “Chúng ta có 21 ngành kinh tế quốc dân, ngành công nghiệp văn hóa nằm rải rác đâu đó trong các ngành này. Chúng ta cũng cần có nghiên cứu xác định đây là ngành kinh tế mới, hoặc nếu nằm trong các ngành đã phân thì cũng nên có phân ngành kinh tế cụ thể”. Từ đó, ngành ngân hàng nếu muốn theo dõi hoạt động cho vay, cấp tín dụng hay hỗ trợ ngành công nghiệp văn hóa cũng biết được số liệu thống kê, nhằm đánh giá hiệu quả, tác động của chính sách để điều chỉnh, bổ sung phù hợp.