Tranh gương và đời sống tâm linh của người Huế

Với vị trí lịch sử đặc biệt, Huế từng là nơi hội tụ hàng trăm nghề, làng nghề qua nhiều thế kỷ. Trong số đó, có một nghề vẫn còn duy trì cho đến ngày nay, đó là nghề vẽ tranh trên gương. Qua hệ thống chủ đề của tranh gương Huế, có thể thấy phần nào đời sống tâm linh của người dân cố đô.

Tranh gương và đời sống tâm linh của người Huế

Tranh gương vẽ ngược

Khác với tranh gương/tranh kính ghép mảnh có nguồn gốc phương Tây, xuất hiện chủ yếu trong các nhà thờ Cơ đốc giáo, tranh gương truyền thống Huế là dạng tranh vẽ ngược được người Quảng Đông (Trung Quốc) du nhập vào Việt Nam khoảng thế kỷ 20, được ghi nhận ở các vùng như Gò Công (Tiền Giang), Chợ Mới (An Giang), Chợ Lớn (TP Hồ Chí Minh), Huế (Thừa Thiên Huế).

Điểm làm nên nét đặc biệt của dòng tranh này chính là cách mà các họa công dùng bút lông mèo để phóng nét các thức (tranh mẫu) theo phương thức ngược (dạng âm bản như kỹ thuật ván khắc gỗ trong công nghệ in cổ truyền). Sau khi có được các nét cơ bản, người thợ bắt đầu tách nét - kỹ thuật dùng bút có đầu nhọn để chi tiết hóa các đường nét (như hoa văn trên các tĩnh vật, các đường nét trên gương mặt...). Sau đó, từ năm mầu cơ bản, hàng chục sắc mầu được tạo ra và vô mầu theo bí quyết, kinh nghiệm của người thợ. Công đoạn cuối cùng là lộng nền - dùng sơn đen và sơn mầu xanh nhạt để phủ nền tranh. Riêng tranh gương ở vùng Bao Vinh (Thừa Thiên Huế) còn có kỹ thuật cẩn xà cừ, tạo nên những mảnh lấp lánh, tăng giá trị cho bức tranh.

Cùng với chúc tụngtrang trí thì một thể loại khá nổi bật của tranh gương Huế chính là tranh tôn giáo, tín ngưỡng. Đầu tiên phải kể đến tranh thờ Phật, vẽ chân dung Phật Bà, Phật Tổ, Thập bát La Hán... Ngoài ra còn có các bộ tranh về sự tích Phật giáo (Phật tổ sinh ra đời, Phật bay qua sông, Phật cởi (cưỡi) ngựa ra khỏi kinh thành…).

Loại hình thứ hai là tranh thờ cúng tổ tiên với hai dạng thức: hoành phitranh cảnh dựng (thường đặt ngay trung tâm của bàn thờ gia tiên. Hình ảnh trên tranh cảnh dựng phổ biến là tùng lộc, mai điểu, long ngư - biểu tượng cho ước vọng trường thọ, bền vững, may mắn).

Loại hình thứ ba là tranh thờ gia thần (tranh vẽ Võ vương Hành khiển, ông Tử Vi, Ngũ công Phật, Tranh thờ bếp, Tranh Tiên sư - Thổ công - Táo quân). Đặc biệt hơn cả là Tranh thờ trang Bà: theo tín ngưỡng dân gian Huế, bé gái trong gia đình khi 13 tuổi thì được lập một trang thờ bà, gọi là trang Bà. Có ít nhất 36 dạng biến thể khác nhau của tranh thờ trang Bà.

Có thể nói rằng, các chủ đề của tranh gương Huế như một thấu kính, qua đó phản ánh đời sống tâm linh của người Huế. Ở đó, có sự pha trộn của Phật giáo, Đạo giáo với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu… Mặc dù là dòng tranh ngoại lai, song, trong quá trình phát triển của mình, tranh gương Huế đã điều chỉnh, thích ứng để phù hợp với phong tục, tập quán địa phương, ghi dấu ấn riêng của mình, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân cố đô. Trong bối cảnh hiện nay, tranh gương Huế vẫn tồn tại và phát triển nhờ lòng yêu nghề, yêu vốn cũ cha ông để lại của những họa công tranh gương Huế.