Tổ hợp tác thanh niên Ea Tam và thương hiệu 3S

Quyết tâm vươn lên làm giàu, một nhóm thanh niên người dân tộc thiểu số ở xã vùng sâu Ea Tam, huyện Krông Năng (Ðắk Lắk) cùng chung chí hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã thành lập Tổ hợp tác thanh niên Ea Tam. Các mô hình sản xuất thuận theo tự nhiên không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên, mà còn giúp người dân địa phương học tập làm theo, vươn lên làm giàu trên quê hương.

Tổ hợp tác thanh niên Ea Tam và thương hiệu 3S

Anh Triệu Trung Hưng (trong ảnh), dân tộc Tày, một thành viên của Tổ cho biết, phần lớn người dân trên địa bàn là đồng bào dân tộc Dao, Tày, Nùng… từ các tỉnh miền núi phía bắc vào sinh sống từ hơn 20 năm nay. Với mong muốn thoát nghèo, năm 2016, "Nhóm Thanh niên nghèo vượt khó" được thành lập, nhằm hỗ trợ, giúp nhau làm kinh tế. Ðến năm 2019, nhóm đổi tên thành "Tổ hợp tác thanh niên Ea Tam". Các thành viên cùng nhau nghiên cứu, trao đổi kiến thức, kỹ thuật phát triển nông nghiệp hữu cơ và thực hành trên chính khu vườn của gia đình. Ðiều thuận lợi là trong số 10 thành viên của Tổ thì bảy người có trình độ đại học, hai cao đẳng và một thành viên tốt nghiệp THPT. Trên diện tích hơn 42 ha chủ yếu trồng các loại cây chủ lực như: cà-phê, tiêu, sầu riêng, bơ, mắc-ca… sản xuất hữu cơ thuận theo tự nhiên, hằng năm mỗi thành viên có thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Trên diện tích ba héc-ta của gia đình mình, anh Triệu Trung Hưng vừa kết hợp trồng cây ăn trái vừa làm hệ thống chuồng trại chăn nuôi: bò, lợn, giun quế và đào ao nuôi cá rộng 600 m2. Ðặc biệt, đối với diện tích trồng cà-phê và các loại cây ăn trái, anh chỉ áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ thuận theo tự nhiên. Ngoài việc giữ thảm thực vật trong vườn, anh Hưng còn tận dụng chất thải chăn nuôi giun quế; phân bò, heo trộn với vỏ cà-phê ủ lên men làm phân vi sinh bón cho cây trồng thay vì sử dụng phân bón hóa học. Năm 2020, tổng thu nhập của gia đình anh từ vườn cây trồng đạt hơn 300 triệu đồng, trong khi chi phí sản xuất giảm khoảng 40% so sản xuất truyền thống.

Với hiệu quả mang lại từ các mô hình sản xuất, năm 2020, Tổ hợp tác thanh niên xã Ea Tam đã tham gia cuộc thi khởi nghiệp kinh doanh của tỉnh Ðắk Lắk với dự án "Nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch" và lọt vào vòng chung kết, đồng thời dự án cũng đại diện cho tỉnh Ðắk Lắk đi dự "Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp năm 2020 cùng đất nước vượt qua thách thức" tại Hà Nội.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, Tổ đang xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mang tên "3S" (không thuốc bảo vệ thực vật, không phân bón và không độc hại môi trường). Ðồng thời, Tổ còn tích cực hỗ trợ kỹ thuật sản xuất hữu cơ cho hàng trăm hộ dân trong vùng cùng vươn lên làm giàu trên quê hương mới ■

Bài và ảnh: CÔNG LÝ