Páo dung - khát vọng của người Dao

Páo dung trong tiếng Dao nghĩa là ca hát. Qua những câu hát Páo dung giản dị, mộc mạc, nhiều thế hệ người Dao đã nối nhau truyền tải tâm tư, tình cảm, ước muốn và khát vọng của mình.

Các gia đình người Dao quan tâm truyền dạy làn điệu Páo dung cho con cháu.
Các gia đình người Dao quan tâm truyền dạy làn điệu Páo dung cho con cháu.

Páo dung ra đời trong lao động sản xuất, từ nhu cầu đời sống tinh thần và tín ngưỡng, được lưu truyền đến ngày nay như một nét văn hóa đặc sắc của người Dao. Páo dung có hai nhóm chính dùng trong nghi lễ tín ngưỡng và trong đời sống sinh hoạt.

Páo dung trong nghi lễ tín ngưỡng được sử dụng trong lễ cấp sắc, lễ cưới, cúng Bàn vương, cúng đầy tháng, cúng lên nương, cúng tra hạt… Đáng chú ý nhất là "Tôm dung" (làn điệu lớn) được coi là cuốn sách cổ, với 36 chương, được ghi chép bằng chữ Nôm Dao, nói về quá trình hình thành và phát triển của thần linh, tổ tiên, con cháu đồng bào dân tộc Dao. Sau "Tôm dung" là "Páo khía đáo" (hát giọng dài) và "Páo khía nính" (hát giọng ngắn). Nội dung là lời cảm tạ và cầu mong thần linh che chở, phù hộ cho người được cấp sắc sức khỏe dồi dào, thông minh khéo léo; dạy cho con, cho cháu biết được lối sống của người Dao, tránh xa cái ác; mong năm mới mưa thuận gió hòa. Ca từ của các bài hát trong nghi lễ tín ngưỡng tương đối khó, thường ít lời nhiều ý, do đó để học thuộc cần am hiểu văn hóa dân tộc và yêu những bài hát đó.

Nhóm Páo dung sinh hoạt gồm hát ru con và đối đáp giao duyên, với các làn điệu chủ yếu như hát đối đáp giữa trai gái về tình yêu đôi lứa, về cuộc sống, lao động sản xuất hằng ngày… Là lối hát dựa vào tài ứng tác của người hát, tùy theo hoàn cảnh mà mỗi chủ đề lại có những lời hát khác nhau, do đó ca từ thường giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ. Cũng nhờ sự thể hiện biến hóa, tài nghệ đối đáp linh hoạt của người hát, mà tạo nên không khí vui tươi...

Ngày nay số người biết hát Páo dung chủ yếu là người lớn tuổi nên các làn điệu dân ca của người Dao đang dần bị mai một. Từ việc mở các lớp chữ Nôm Dao, nhiều người đã quan tâm đến việc học chữ viết dân tộc kết hợp học hát những bài dân ca Dao. Đã có một số người am hiểu về các làn điệu Páo dung, chép và in ra để chia sẻ cho người dân trong bản cùng học.

Chị Lý Thị Hiền, cán bộ văn hóa xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, Sơn La cho biết: "Xã đã đưa các làn điệu Páo dung vào biểu diễn trong các dịp kỷ niệm, ngày hội của xã, bản; tổ chức Páo dung trên hệ thống loa truyền thanh của bản vào các dịp như Tết Nguyên đán, Tết thanh minh. Các bản cũng tự kết nối và hát giao lưu với bản khác… qua đó, tăng thêm tình đoàn kết và tạo phong trào học hát dân ca Dao tới thế hệ trẻ". Những làn điệu Páo dung đều chứa đựng giá trị văn hóa riêng, nhưng cốt lõi vẫn là định hướng giáo dục con người hiểu biết cội nguồn dân tộc.