Chuyện làng, chuyện phố

Nói tiếng Việt

Có mấy cụ đang bàn về lời ăn tiếng nói hằng ngày thì thằng cu Tít ào vào nhà như một cơn lốc. Nó chào ông nội và các bạn của ông rồi hồ hởi khoe:

- Cháu vừa đi thăm quan về! Được một bữa tuyệt thực ông ạ!

Ông nội ngạc nhiên: 

- Sao, tuyệt thực? Cả một ngày mà nhà trường không cho các cháu ăn gì à? 

- Có chứ ạ! Bọn cháu được ăn một bữa tuyệt vời mà! 

Thằng bé khiến các ông đều bất ngờ bởi cách giải thích này. Một người bạn của ông nội Tít nói: 

- Thế thì cháu hiểu sai rồi! Tuyệt thực là không ăn chứ không phải là bữa ăn tuyệt vời đâu. Lại nữa, cháu nói thăm quan cũng chưa đúng. Phải nói là tham quan, tức là xem xét, quan sát, học hỏi. 

- Thế mà cháu lại hiểu tham quan là chỉ vào bọn quan tham mà người ta gọi là tham quan ô lại đấy ạ! 

Thằng bé trình bày một cách chân thành. Ông nội thằng Tít bấy giờ mới tranh thủ giảng thêm cho cháu: 

- Các ông không trách vì cháu hiểu chưa đúng đâu. Cái tiếng Việt của ta vẫn hay mượn một số từ nước ngoài, nhất là mượn của Trung Quốc, gọi là từ Hán Việt nên nhiều người quen nói mà không hiểu hết nghĩa. Các cháu muốn nói đúng cần phải đọc sách, cần nghe thầy cô giảng thì mới nói và viết đúng tiếng của nước mình.

Ông quay sang mấy người bạn: 

- Nhưng cũng đáng trách nhiều người, có cả nhà báo, nhà văn cũng dùng những từ thiếu chính xác các ông ạ! Buồn cười có lần đọc báo thấy nói có người nhảy sông chết là tự vẫn khi đúng ra phải viết là tự trầm! Có rất nhiều từ chỉ về cái sự tự chết, nào tự tử, tự sát, nào tự vẫn, tự trầm... nhưng quả là nhiều người chưa phân biệt được khiến trẻ nhỏ vận dụng cũng sai! 

Thằng Tít ngẩn tò te:

- Ô! Thế bây giờ cháu mới biết đấy ạ! 

Một ông bạn khác của ông nó bổ sung: 

- Đúng là lời nói chẳng mất tiền mua! Người ta không chỉ khó chịu bởi những lời nói nặng nề, mà cả những lời nói thiếu chính xác cũng khiến người nghe khó chấp nhận bởi nó gây ra cảm xúc chưa đẹp! 

Ông quay sang cu Tít: 

- Là người Việt, các cháu phải gắng học và nói, viết tiếng Việt cho trong sáng nhé! Tiếng Việt ta là tiếng nói ân tình đấy cháu à.