Nhu cầu thực tế và những vướng mắc

Dạy và học tiếng dân tộc thiểu số là một chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta. Việc thực hiện nhiệm vụ này, trong mấy chục năm qua, đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, đóng góp lớn vào lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số. Đồng thời, giúp những cán bộ, công chức đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc thuận lợi hơn trong công việc… Tuy vậy, thực tế vẫn luôn đòi hỏi những điều chỉnh linh hoạt, nhạy bén và kịp thời.

Tác giả Đặng Trọng Hộ - áo trắng - trong một chuyến điền dã tại vùng đồng bào Cơ Ho.
Tác giả Đặng Trọng Hộ - áo trắng - trong một chuyến điền dã tại vùng đồng bào Cơ Ho.

Với tư cách là người trong cuộc (tham gia biên soạn tài liệu, tập huấn nghiệp vụ dạy học, tham gia giảng dạy và kiểm tra đánh giá), tôi xin phân tích và đề xuất một số vấn đề, từ thực tế hoạt động tại Lâm Đồng.

Tiềm ẩn nguy cơ lệch hướng

Theo Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng, nhiệm vụ này được triển khai tại Lâm Đồng từ năm 2006 đến nay với ba thứ tiếng Cơ Ho, Mạ và Chu Ru và đã có 3.555 học viên được cấp chứng chỉ.

Tài liệu dạy học tiếng dân tộc thiểu số đã được Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng, biên soạn theo các quyết định ban hành về chương trình khung, chương trình chi tiết của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của UBND tỉnh Lâm Đồng từ năm 2006 (được hiệu chỉnh, bổ sung năm 2007 và năm 2010). Tuy nhiên, qua thực tế dạy học, các giáo viên nhiều lần đề xuất cần phải tiếp tục hiệu chỉnh, bổ sung tài liệu dạy học cho ba thứ tiếng dân tộc thiểu số trên, nhằm giúp học viên thuận lợi hơn trong việc mở rộng vốn từ theo các nhóm tộc người, cập nhật đời sống xã hội và tiếp cận rộng hơn, sâu hơn các nền văn hóa theo ngôn ngữ được học.

Trong số 18 giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số hiện nay ở Lâm Đồng, có hai người Kinh và 16 người đồng bào dân tộc thiểu số. Họ là những người có vốn ngôn ngữ và văn hóa dân tộc thiểu số tương đối sâu rộng. Điều đáng trân trọng nhất chính là việc những người thầy này đã biết chuyển hóa ngôn ngữ với tư cách là một công cụ, phương tiện giao tiếp thành chất liệu của tình yêu đối với con người, vùng đất và văn hóa Tây Nguyên. Dù vậy, vẫn cần thiết phải tổ chức thêm các đợt tập huấn ngắn hạn về hình thức tổ chức dạy học, hay các buổi tọa đàm về sự biến đổi của đời sống kinh tế-xã hội cũng như văn hóa cổ truyền của các dân tộc Tây Nguyên, nhằm giúp họ tiếp tục nâng cao năng lực.

Học viên theo học tiếng dân tộc thiểu số phần lớn đang công tác trong vùng đồng bào dân tộc. Qua nhiều năm công tác, tôi rút ra được ba đối tượng học viên gắn với ba động cơ học tập khác nhau: Học để lấy chứng chỉ ngoại ngữ; học để biết giao tiếp nhằm thuận lợi hơn cho công tác của mình; học để có vốn ngôn ngữ phục vụ nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, nhiều trong số các học viên học tiếng dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng phần lớn là để lấy chứng chỉ. Điều này không có gì sai. Nhưng rất tiếc, vì thế, họ ít đến lớp hơn. Họ giải thích cho sự thiếu chuyên cần này là do đi công tác, do đường xa, trời tối, mưa to, thậm chí là bận tiếp khách cho cơ quan… Thầy Păng Ting Uôk cho biết: Tại các lớp học ở Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề ở Lạc Dương và Đà Lạt, có khá nhiều buổi học chỉ có 30% số học viên có mặt. Chính vì vậy, một số lớp học tiếng dân tộc thiểu số ở Đam Rông, Lạc Dương, Bảo Lâm có 25% đến 30% học viên không đủ điều kiện để cấp chứng chỉ. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều biện pháp để tăng cường công tác quản lý đối với nhiệm vụ dạy và học tiếng dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở khâu kiểm tra đánh giá. Nhưng, vẫn tồn tại tình trạng học viên ít đi học vẫn được dự thi, vẫn lọt qua vòng kiểm tra đánh giá và cuối cùng vẫn lấy được chứng chỉ. Từ đó đặt ra vấn đề: Các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề cần làm gì để giải quyết mâu thuẫn giữa nguồn thu với chất lượng dạy và học?

Để tổ chức và triển khai được nhiệm vụ dạy tiếng dân tộc thiểu số, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, nhiều tổ chức chính trị-xã hội, nhiều nhà khoa học, nhiều trí thức dân tộc và cả những người thầy đã dành rất nhiều tâm huyết, công sức suốt gần 20 năm nay. Vì thế, đừng để một nhiệm vụ vừa mang tính chính trị vừa mang tính nhân văn bị lệch sang hướng "làm ăn" của các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề (mặc dù nguồn thu không lớn) và lợi dụng chính sách để lấy chứng chỉ ngoại ngữ phục vụ cho việc nâng ngạch, chuyển ngạch của cán bộ công chức.

Vướng mắc trong triển khai tại các cơ sở giáo dục phổ thông

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về nhiệm vụ dạy tiếng dân tộc thiểu số qua việc triển khai dạy tiếng dân tộc thiểu số (có chữ viết đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê chuẩn năm 2006) với ba thứ tiếng (Cơ Ho, Mạ và Chu Ru) cho cán bộ công chức đang công tác trong vùng dân tộc.

Lâm Đồng đang có một đội ngũ trí thức am hiểu về ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, có thể tham gia xây dựng chương trình, tài liệu, viết sách giáo khoa học tiếng dân tộc thiểu số. Lâm Đồng sử dụng đội ngũ giáo viên khá đông là người dân tộc Cơ Ho, Mạ và Chu Ru, có thể đào tạo để cấp văn bằng 2 hoặc bồi dưỡng cấp chứng chỉ giáo viên dạy tiếng dân tộc. Bên cạnh đó, nguyện vọng và nhu cầu cho con em được học tiếng dân tộc mình nhằm "xóa mù chữ tiếng mẹ đẻ" của đồng bào các dân tộc thiểu số hiện nay là rất bức thiết; cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục trên địa bàn Lâm Đồng hiện nay có thể nói là tốt nhất trong các tỉnh Tây Nguyên, cho nên việc phục vụ dạy tiếng dân tộc cho học sinh sẽ rất thuận lợi.

Tuy nhiên, Lâm Đồng hiện nay chưa có đội ngũ giáo viên được đào tạo theo chuyên ngành sư phạm dạy tiếng dân tộc. Chương trình, tài liệu đào tạo giáo viên và sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc thiểu số đã có nền tảng và có sự định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Đây là những khó khăn rất cần sự định hướng, tháo gỡ từ phía các cơ quan chức năng. Hy vọng lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và ngành giáo dục sẽ sớm có những bước đi cần thiết, các giải pháp cụ thể và hiệu quả để thúc đẩy hoạt động dạy và học tiếng dân tộc cho cán bộ, học sinh trên địa bàn, góp phần bảo tồn và phát huy một giá trị văn hóa tộc người đặc sắc.