Tiêu điểm

Gạn đục, khơi trong

Để giúp các chủ nhân tương lai của đất nước tạo được nền tảng kiến thức về lịch sử, văn hóa dân tộc, rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

Một buổi diễn của Nhóm Chèo 48H-Tôi chèo về quê hương.
Một buổi diễn của Nhóm Chèo 48H-Tôi chèo về quê hương.

Những cách làm sáng tạo, hiệu quả

Thời đại 4.0, một bản nhạc, một điệu nhảy, một kiểu thời trang mới… có thể lan truyền khắp thế giới, đạt hàng triệu lượt "view" chỉ sau vài giờ. Khi công nghệ xóa nhòa khoảng cách về không gian, giới trẻ càng dễ bị cuốn vào vòng xoáy của văn hóa nước ngoài một cách nhanh chóng hơn so với giai đoạn đầu Việt Nam mở cửa hội nhập với thế giới. Việc nhiều bạn trẻ hâm mộ xu hướng âm nhạc, chạy theo phong cách thời trang, trang điểm, lối sống của các "sao" Hàn Quốc là một thí dụ điển hình. Trong khi đó, ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhiều năm qua, các em học sinh luôn "sợ" môn Lịch sử, hàng loạt bài thi môn này bị rơi vào điểm liệt…

Để nâng cao nhận thức, ý thức của giới trẻ đối với lịch sử, văn hóa dân tộc, vai trò của nhà trường là hết sức quan trọng. Việc đổi mới các môn học, nhất là môn Lịch sử là hết sức cần thiết. Nhiều trường học đã có mô hình câu lạc bộ theo sở thích của học sinh, trong đó có câu lạc bộ lịch sử. Những buổi sinh hoạt về các chủ đề lịch sử đã góp phần làm "mềm hóa" kiến thức sách vở, kiến thức học đường được chuyển vào nội dung của những câu chuyện, vở kịch, giúp các em tiếp nhận một cách dễ dàng hơn.

Giáo dục nhận thức, ý thức của giới trẻ là một quá trình lâu dài; đòi hỏi sự chung tay, phối hợp của xã hội chứ không giới hạn trong những tiết học ở trường. Điều này đã và đang được một số cơ quan, đơn vị trong ngành văn hóa chú trọng quan tâm, thể hiện qua việc xây dựng nhiều mô hình "chơi mà học" để đưa kiến thức lịch sử, văn hóa đến học sinh. Điển hình như Bảo tàng Lịch sử quốc gia có mô hình câu lạc bộ "Em yêu lịch sử", Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) cho ra đời chương trình "Em tập làm thuyết minh viên", chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội và một số bảo tàng địa phương… Tham gia các hoạt động này, học sinh được chơi những trò chơi có tính tương tác, qua đó, giải mã nhiều câu chuyện, bài học lịch sử liên quan. Khác với những tiết học trong nhà trường, hầu hết các em đều tỏ ra thích thú khi được tiếp cận những mô hình này. Để cách giáo dục lịch sử theo kiểu "học mà chơi-chơi mà học" hiệu quả, bản thân các phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, tạo điều kiện để con em có thể tham gia một cách tốt nhất. Một số địa phương như Bắc Ninh, Phú Thọ… đã đưa vào chương trình học chính khóa trong nhà trường các nội dung về di sản văn hóa phi vật thể đặc thù tại địa phương như quan họ, hát xoan. Hoạt động này vừa giúp các em gắn bó với di sản, vừa góp phần bảo tồn di sản bền vững.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rõ thực tế những mô hình này còn mang tính nhỏ lẻ, những biện pháp đổi mới trong giáo dục lịch sử-văn hóa ở nhà trường chưa được triển khai rộng rãi.

Gợi mở, khuyến khích nỗ lực cá nhân

Thời đại công nghệ đặt ra những thách thức, nhưng cũng đem tới nhiều cơ hội. Chưa bao giờ những diễn đàn lịch sử-văn hóa nở rộ trên các nền tảng mạng xã hội như hiện nay, nhất là trên các mạng xã hội.

Điều đáng mừng là bên cạnh fanpage do các cơ quan hữu quan lập ra để tương tác với cộng đồng, lượng trang mạng xã hội do các nhóm bạn trẻ có chung đam mê tự nguyện lập ra để tuyên truyền, chia sẻ, trao đổi kiến thức chiếm số lượng áp đảo. Về văn hóa, phong tục, tín ngưỡng, có thể kể đến một số diễn đàn nổi bật như: Làng Việt xưa và nay, Di sản Việt, Đình làng Việt, Đạo Mẫu Việt Nam, Chùa Việt, Kiến trúc truyền thống Việt Nam… Các trang chuyên về văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số cũng khá phong phú, có thể kể đến Hội Giao lưu Văn hóa Chăm, Dân tộc Thái Việt Nam, Cộng đồng dân tộc Tày… Có cả những diễn đàn mang tính chuyên sâu về cổ phục, cổ vật Việt Nam… Về lịch sử, những fanpage được đông đảo cộng đồng tham gia như: Lịch sử Việt Nam, Tìm hiểu lịch sử, Câu lạc bộ Tuyên truyền văn hóa-lịch sử… Trong đó, có những diễn đàn thu hút đến vài chục nghìn thành viên, thậm chí, lên đến cả trăm nghìn; mỗi ngày, có hàng chục bài đăng, với hàng nghìn lượt tương tác. Thành viên trên các diễn đàn này sưu tầm, công bố những hình ảnh, tư liệu về lịch sử, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ẩm thực, trang phục Việt; đồng thời, cũng có không ít bài viết thể hiện quan điểm riêng về những vấn đề được xã hội quan tâm như: Tết cổ truyền, tục đốt vàng mã, phong tục tang ma, cưới hỏi trong đời sống, kiến trúc đình chùa cổ truyền, việc du nhập văn hóa ngoại lai vào kiến trúc truyền thống...

Hoạt động của những diễn đàn này cho thấy, một bộ phận không nhỏ giới trẻ đã và đang dành nhiều tâm huyết với văn hóa Việt. Các bạn trẻ đã năng động trong ứng dụng công nghệ để gìn giữ, phổ biến các giá trị lịch sử-văn hóa truyền thống. Việc nâng cao nhận thức, ý thức của giới trẻ đối với lịch sử-văn hóa phải căn cứ vào chính diễn biến thực tế của đời sống, cần nỗ lực trong việc gợi mở thảo luận những vấn đề kích thích sự say mê, tìm tòi của các bạn trẻ; khuyến khích các hoạt động trong thế giới "thực", song song với thế giới "ảo", đồng thời, cần có những hoạt động định hướng để người trẻ nhận thức đúng về lịch sử, văn hóa dân tộc.