Tiêu điểm

Công nghiệp không khói 4.0

Để thúc đẩy phát triển du lịch trong bối cảnh mới, đặc biệt tại các vùng miền có tiềm năng nhưng còn đang hết sức khó khăn, việc ứng dụng và chuyển đổi số cần được nhân rộng. Các địa phương, doanh nghiệp cần phát huy sự chủ động kết nối tạo nên hệ sinh thái với những sản phẩm du lịch thông minh.

Hội An Metaverse là sản phẩm truyền thông ứng dụng công nghệ thực tế ảo thu hút được rất nhiều sự chú ý.
Hội An Metaverse là sản phẩm truyền thông ứng dụng công nghệ thực tế ảo thu hút được rất nhiều sự chú ý.

Tạo nên những nền tảng số

Mới đây, Quốc hội đã thông qua chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có bố trí ngân sách cho du lịch, tập trung vào chuyển đổi số, xúc tiến quảng bá và hỗ trợ doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, lĩnh vực du lịch được xác định phát triển theo hướng cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch trước và trong chuyến đi.

Trong Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng được giao chủ trì các nhiệm vụ thời gian tới gồm: xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng dữ liệu số du lịch; xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng du lịch số, quản trị và kinh doanh du lịch; xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng mô hình hóa đa chiều phục vụ phát triển bảo tàng số, du lịch số; tổ chức triển khai đào tạo chuyên ngành về du lịch thông minh, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học ngành du lịch. Đây là cơ hội, điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hơn nữa, tạo bước đột phá cho quá trình chuyển đổi số du lịch, góp phần quan trọng giúp ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững.

Cũng trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội 2022 hồi đầu tháng 4 vừa qua, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đã chủ trì phối hợp Tập đoàn công nghệ VIETSENS tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi số trong ngành du lịch". Khách tham dự hội thảo được giới thiệu và thực hiện trải nghiệm thực tế những sản phẩm công nghệ đã được thực tế chứng minh tính hữu dụng như hệ thống Dashboard-thông tin điều hành du lịch, cơ sở dữ liệu ngành du lịch dành cho cơ quan quản lý; Trang vàng Du lịch Việt Nam dành cho các doanh nghiệp; thẻ du lịch thông minh dành cho khách du lịch; hệ thống quản lý và bán vé điện tử dành cho các điểm tham quan,…

Hút khách từ sản phẩm theo chủ đề

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Du lịch cho biết: Số hóa vừa là một yêu cầu cấp thiết vừa là một xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch trong tương lai. Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm được Tổng cục Du lịch đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây và định hướng đến năm 2025 bao gồm: Xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch Việt Nam; thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp thông qua phần mềm chế độ báo cáo thống kê tổng hợp theo quy định; ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch như ứng dụng hướng dẫn du lịch ảo tại điểm đến.

Tuy nhiên, để việc ứng dụng và chuyển đổi số trong du lịch nhanh chóng đạt hiệu quả, cần xác định được các sản phẩm, dịch vụ du lịch số mà người tiêu dùng quan tâm, tiếp theo là thiết kế sản phẩm mang lại sự thuận tiện cho người dùng, kết nối và kiên trì triển khai; hình thành nên hệ sinh thái với những sản phẩm du lịch thông minh. Các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần chủ động kết nối với các ứng dụng, nền tảng số của Tổng cục Du lịch, ứng dụng công nghệ hỗ trợ hoạt động kinh doanh du lịch, đẩy nhanh quá trình phục hồi trong điều kiện bình thường mới. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch. Triển khai chiến dịch truyền thông tái khởi động du lịch nội địa "Du lịch an toàn, hấp dẫn"...

Bên cạnh đó, các địa phương cần đa dạng sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường. Cần phát triển các sản phẩm du lịch mới cũng như làm mới các sản phẩm du lịch hiện có phù hợp nhu cầu đã thay đổi do tác động của Covid-19; phát triển các loại hình, hoạt động kinh tế đêm, góp phần tăng chi tiêu,…

Về phía các doanh nghiệp du lịch, cũng cần chủ động kiểm tra, rà soát chất lượng và đầu tư cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách, đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn hiện hành; chủ động tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách; triển khai các hoạt động xây dựng sản phẩm, quảng bá, truyền thông, kích cầu du lịch nội địa và quốc tế, kết nối điểm đến, phát triển sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Có như vậy mới tạo nên sức hấp dẫn du khách đến lưu trú và trở lại.

Để thu hút được nhiều du khách, mỗi địa phương cần xác định đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch theo chủ đề. Trên cơ sở thế mạnh, tiềm năng sẵn có, tạo ra sản phẩm mang tính khác biệt, giúp hình thành mạng lưới các sản phẩm đa dạng, bổ trợ cho nhau giữa các vùng miền.