“Ðộc mã” ở Bảy Núi
Vùng Bảy Núi hay còn gọi Thất Sơn là miền đất “bán sơn địa” thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn của tỉnh An Giang. Ðây là vùng đất giáp với nước bạn Campuchia. Sự đa dạng và giao thoa văn hóa của các dân tộc đã tạo nên nền văn hóa Bảy Núi hết sức đặc sắc. Một trong những yếu tố tạo nên sự đặc sắc ấy là nghề À-tís nghề xe ngựa.
Theo những Nesk-bo (lái xe ngựa) cao niên ở vùng Bảy Núi, xe ngựa xuất hiện ở đây từ rất lâu đời. Có thể do tính chất các phum sóc của người Khmer ở sâu trong các giồng cát. Xe ngựa với đặc tính cơ động hơn xe trâu và xe bò vì có thể đi đường núi, leo dốc đèo dốc dễ dàng nên được nhiều người chọn lựa. Dần dần, lái xe ngựa trở thành một nghề và phát triển sôi động.
Ngày xưa, ngựa để kéo xe có nguồn gốc từ loài ngựa hoang từ vùng rừng núi Thất Sơn, được con người thuần dưỡng. Sau này giống ngựa bản địa dần ít đi, người ta thường sang Campuchia mua ngựa cỏ về kéo xe. Ngựa cỏ có dáng nhỏ nhưng dẻo dai và bền sức, đi được ở địa hình đồi núi lẫn địa hình bằng phẳng. Ngựa con nuôi đến khoảng bốn tuổi thì có thể tập kéo xe.
Nhiều người lớn tuổi cho biết, trước đây xe ngựa có bánh gỗ, đi trên đường núi lắc lư. Sau chuyển sang dùng bánh hơi nên xe đi êm hơn. Khác với xe ngựa Bình Dương và Ðà Lạt có thùng, mui và chỗ dựa chắc chắn; xe ngựa Bảy Núi rất đơn giản, chỉ đóng mui trần, không tay vịn. Xe được làm từ gỗ cây sao - loại cây có nhiều ở vùng núi Thất Sơn, với kích thước dài 1,5 - 2 m, rộng 0,5 - 1 m tùy thể trạng ngựa. Xe ngựa Bảy Núi không cầu kỳ nên rất gọn nhẹ và cơ động. Tuy nhiên, vẫn có đặc thù một số thùng xe được thiết kế với nhiều họa tiết sinh động, đeo cho ngựa nhiều dây cà tha (dây đeo có lục lạc) để khi ngựa chạy sẽ vang lên tiếng leng keng làm tín hiệu và nghe rất êm tai. Những loại xe ngựa này thường dùng để “trẩy hội” trong những dịp tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Dolta, lễ cưới…
Xe ngựa ở Bảy Núi là loại xe “độc mã”, tức là xe chỉ dùng một con ngựa để kéo. Tuy nhiên mỗi xe có thể chở từ 0,5 - 0,8 tấn hàng hóa cùng hai đến ba người. Bình quân mỗi ngày, các lái xe sẽ thu về được tiền công từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng. Những mùa cao điểm như lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam hoặc các dịp lễ, Tết, mỗi ngày cũng có thể kiếm được từ 500.000 đến một triệu đồng. Thi thoảng cũng có những đám cưới mướn xe ngựa để rước dâu. Ngoài ra, một số tour trải nghiệm cũng mướn xe ngựa đi một vòng núi khoảng 30 phút với giá mỗi chuyến 200.000 - 300.000 đồng.
Nét văn hóa riêng có
Ông Chau Khol, người có nhiều năm đánh xe ngựa ở xã Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên) cho biết, giá thành một chiếc xe ngựa dao động từ 16 - 20 triệu đồng, trong đó giá mỗi con ngựa trưởng thành từ 13-15 triệu đồng, chi phí đóng xe gỗ khoảng 3-5 triệu đồng. Thức ăn của ngựa chủ yếu là cỏ, ven đường Bảy Núi vẫn còn nhiều trảng cỏ bỏ không, chỉ cần thả ngựa cho ăn là được. Tính ra đánh xe khoảng nửa năm là có thể thu hồi vốn.
Những năm 70 của thế kỷ trước, toàn vùng Bảy Núi có khoảng 300 chiếc xe ngựa. Tuy nhiên theo thống kê hiện nay, toàn vùng chỉ còn khoảng 60 cỗ xe, tập trung tại các xã: Tân Lợi, Vĩnh Trung, An Cư, Văn Giáo, (Tịnh Biên), An Tức, Ô Lâm (Tri Tôn). Cứ 5-6 giờ sáng, xe ngựa tập trung tại bến xe Vĩnh Trung, ai muốn thuê chở hàng hóa thì đến tìm và chọn xe. Thông thường xe ngựa vào các phum sóc chở nông sản, thốt nốt ra chợ bán, sau đó lại chở hàng nhu yếu phẩm về lại phum sóc. Cứ mỗi chuyến xe từ 10-15 km, người đánh xe sẽ được trả từ 50.000 - 80.000 đồng. Từ lâu xe ngựa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là nét đặc trưng văn hóa của vùng Bảy Núi - An Giang. Những người dân miệt mài chở những chuyến hàng ngược xuôi khắp các nẻo đường, để lại sau lưng tiếng nhạc ngựa thân quen như “cái hồn” của vùng đất bán sơn địa nhiều nắng gió.
Ông Chau Khol cũng cho biết, ngựa Bảy Núi ít bị bệnh tật, bên cạnh đó người Khmer có những bài thuốc bí truyền từ những loài cây lá ở vùng rừng núi Thất Sơn, giúp ngựa khỏe và đề kháng tốt. Mỗi năm, ngựa có thể đẻ một lứa với một con. Sau khi nuôi lớn chừng một năm là có thể bán được với giá từ 10 - 15 triệu đồng tùy vào thể trạng và vóc dáng.
Người nuôi ngựa thường rất chú trọng trong khâu lựa chọn ngựa giống về nuôi. Một con ngựa tốt phải có các yếu tố cần thiết như phải có xoáy cương từ phần dưới bắp chân sau lên đến lưng thật dài. Bên cạnh đó, người ta còn chú ý đến xoáy lông ở trán ngựa. Xoáy phải ở giữa trán, không chọn ngựa có xoáy bị lệch sang một bên, vì những con có xoáy trán lệch rất hay trở chứng, hung hăng. Những con ngựa có nhiều điểm tốt và sức khỏe dẻo dai thường được các hộ nuôi ngựa chuyển từ nuôi để kéo xe sang nuôi lấy giống.
Xe ngựa không chỉ tồn tại trong đời sống mà từ lâu đã đi vào trong tâm thức và văn hóa của cư dân bản địa. Chính vì sự gần gũi và gắn bó mật thiết với đời sống hằng ngày nên phần lớn người Khmer nuôi ngựa, rất hiếm ai ăn thịt ngựa. Người nuôi coi ngựa như bầu bạn, như người thân trong gia đình nên chăm sóc rất kỹ lưỡng từ nơi ăn ngủ cho đến chải chuốt cho bờm ngựa thiệt đẹp. Có khi còn sắm cho vòng đeo cổ đắt tiền để đeo trong những dịp đi diễu hành lễ, Tết. Ngoài ra xe ngựa còn đi vào văn học, nhiều tác phẩm viết về Bảy Núi, nhắc đến xe ngựa như một điểm nhấn văn hóa đặc trưng như: truyện ngắn “Dốc chiều hôm” của nhà văn Trúc Phương, tập truyện “Chuyến xe ngựa về Bảy Núi” của nhà văn Trần Tùng Chinh, bài thơ “Chuyến xe về núi” của nhà thơ Hồ Thanh Ðiền, ca khúc “Mặn nồng lý tình ta” của nhạc sĩ Trương Quang Tuấn…
Ngày nay, nhờ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đường sá đã được xây dựng đến tận phum sóc. Các phương tiện cơ giới chuyên chở tiện dụng ra đời. Tuy nhiên xe ngựa vẫn là một thực thể không thể thiếu của văn hóa và sinh hoạt của vùng Bảy Núi. Bên cạnh việc nuôi ngựa để phát triển kinh tế, nhiều hộ nuôi bởi “nghĩa tình” và sự quý mến loài vật thiết thân, đã nhiều đời gắn bó đời sống và vùng đất này. Tuy đã có sụt giảm nhiều về số lượng so những năm trước đây, nhưng ngày nay vùng Bảy Núi - An Giang vẫn là nơi có số lượng xe nhiều và thông dụng nhất Tây Nam Bộ.