Các nền tảng mới và cuộc đua "top trending"
Ở những thập niên trước, nói tới âm nhạc, chúng ta đơn giản chỉ nghĩ tới giai điệu, lời ca, hay là các nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công... Mức độ thành công thường được đánh giá qua những bảng xếp hạng, hoặc số lượng đĩa bán ra, mức độ thu hút của các buổi trình diễn (live concert).
Nhưng bước sang thập niên này, hay cụ thể hơn là khoảng 5 năm gần đây, với sự bùng nổ của mạng xã hội và các nền tảng nghe nhạc trực tuyến, cuộc chơi âm nhạc trở nên đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều. Hiện tại, thay vì cuộc chơi nghệ thuật đơn thuần, các nghệ sĩ trẻ tìm đến một cuộc chinh phục mới, là cuộc đua giành "top trending" (hay Việt hóa là "trở thành xu hướng").
Từ những năm 2014, 2015, thị trường âm nhạc Việt Nam gần như chia ra thành thế "kiềng ba chân", với cuộc đua của các kênh nhạc số như YouTube, Zing mp3, nhacso.vn, hay Soundcloud... Đối trọng với đó là các gameshow truyền hình như Vietnam Idol, The Voice… và "quyền lực thứ ba" là các bảng xếp hạng lâu đời như Làn Sóng Xanh, Mai Vàng, hay Giải Cống hiến. Thời kỳ ấy, các nghệ sĩ buộc phải có "chân tài thực học" ở một lĩnh vực nhằm tạo nên mức độ thu hút, hay khẳng định được mình trước những đánh giá khắt khe từ các nhà chuyên môn.
Sang đến năm 2018, TikTok "bước chân" vào thị trường Việt Nam và nhanh chóng chiếm thế "thượng phong", ngang hàng các "ông lớn" trước đó như YouTube, Spotitfy... Mức độ thu hút và "gây nghiện" của TikTok gần như lập tức làm thay đổi đáng kể diện mạo cũng như hành vi nghe nhạc chung của giới trẻ, với các video âm nhạc có định dạng ngắn và các thuật toán chia sẻ nhanh chóng. Mục đích giữ chân người dùng với mức độ cuốn hút "ngay lập tức" và "liên tục", các ca khúc trên TikTok được khai thác dưới hình thức các đoạn "video cut", kèm theo là những hình ảnh sinh động, cuốn hút, thường là các điệu nhảy bắt mắt.
Với các chiến lược nội dung ngày càng "nhanh" và "ngắn" ấy, các nền tảng nghe nhạc hiện nay dường như đang làm cho nhu cầu thưởng thức âm nhạc của một bộ phận khán giả cũng dần trở nên ngắn hạn hơn, với mục tiêu giải trí đơn thuần, nghĩa là dễ nghe-dễ thuộc-dễ quên.
Nối tiếp bước chân của TikTok, Facebook và Instagram giới thiệu Reels, Snapchat tạo Spotlight, và mới nhất YouTube ra mắt Youtube Short với các video định dạng 60 giây, 30 giây, hoặc thậm chí ngắn hơn nữa, 15 giây.
Ở phương diện tích cực, mức độ lan tỏa nhanh chóng của những "đoạn nhạc ngắn" trên TikTok hay những nền tảng tương tự trở thành công cụ hữu hiệu cho các nghệ sĩ lan tỏa các sản phẩm âm nhạc, không chỉ trong nước mà còn vươn ra quốc tế. Tiêu biểu, sản phẩm See Tình của Hoàng Thùy Linh (sáng tác của DTAP) đang trở thành trào lưu tại nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… với hàng chục triệu lượt nghe và chia sẻ. Trước đó, Ghen Cô Vy với "vũ điệu rửa tay" của Min, Erik, Khắc Hưng và Đăng Quang cũng đã liên tục được chú ý trên truyền thông quốc tế, hay loạt các nghệ sĩ Việt xuất hiện tại Quảng trường Thời đại (Mỹ) trong chiến dịch Equal của Spotify như Mỹ Tâm, Bích Phương, Mỹ Anh, Hoàng Thùy Linh, Su Boi… góp phần đưa các sản phẩm của nghệ sĩ Việt đến gần hơn với môi trường quốc tế.
Tuy nhiên, thị trường màu mỡ và những nguồn thu nhập "kếch xù" từ các hợp đồng quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến, sức hút của "trend" và các "xu hướng" dường như khiến thị trường của chúng ta thừa các influencer (nhà sáng tạo nội dung) "chạy theo trend", "ăn theo xu hướng", thậm chí là xuất hiện không ít những tác phẩm phá vỡ chuẩn mực của âm nhạc, tạo ra nhiều sản phẩm "nhái", "ăn theo", thậm chí là các nội dung "phản cảm", "rác"… hơn là những người tiên phong sáng tạo, hay một cá tính âm nhạc khác biệt.
"Điều nguy hiểm là chưa hoặc rất hiếm hoi các nghệ sĩ hiện nay có thói quen tìm tòi sự mới lạ, hay đặt mục tiêu xây dựng cá tính âm nhạc lên hàng đầu, mà chủ yếu chạy theo trào lưu ngắn hạn", nhạc sĩ Quốc Trung nhận định.
Giá trị cốt lõi và những thách thức mới
Tuy nhiên, mọi cuộc khủng hoảng đều có khả năng cũng như cơ hội dẫn đến những sự sắp xếp trong một trật tự mới. Âm nhạc cũng không ngoại lệ. Khi mọi cơn bão của xu hướng và trào lưu qua đi, thì những gì thuộc về giá trị bền vững nhất của nghệ thuật vẫn sẽ còn ở lại.
Giữa thời đại công nghệ và những không gian thực tế ảo, khán giả và công chúng dần dịch chuyển từ nhu cầu "nghe nhạc" sang "trải nghiệm âm nhạc", với những sản phẩm đòi hỏi đáp ứng được nhu cầu nghe, nhìn và những dấu ấn cảm xúc, thông điệp sâu sắc hơn. Đây là hướng đi mới đòi hỏi tư duy tổng thể, những cá tính nghệ thuật rõ nét hơn, nhưng cũng là một thách thức vô cùng lớn.
Năm 2022, liveshow "Tri Âm" của Mỹ Tâm kín vé hơn 30.000 chỗ ngồi tại Sân vận động Mỹ Đình. Ngày 24/2 vừa qua, "Chân trời rực rỡ" của Hà Anh Tuấn níu chân 20.000 khán giả tại Ninh Bình. Hay các sản phẩm âm nhạc đầy sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ độc lập như Ngọt, Vũ, Trang, Lê Cát Trọng Lý, Mỹ Anh… những tác phẩm mang màu sắc dân gian đương đại như album Hoàng hay Link của Hoàng Thùy Linh, hay Thị Mầu của Hòa Minzy… là những thí dụ điển hình cho việc dù ở thời đại nào, công chúng vẫn không bao giờ quay lưng lại với những nghệ sĩ có "tâm", có "tầm", luôn chăm chỉ lao động sáng tạo và chỉn chu, nghiêm túc với nghệ thuật.
Thực tế, các nghệ sĩ đương đại của chúng ta phần lớn chưa có nguồn thu nhập đủ lớn và ổn định, để có được một tâm thế làm nghệ thuật kiên định và bền vững so nhiều nước trên thế giới. Bởi vậy, con đường tìm nguồn thu chủ động từ các nền tảng trực tuyến là giải pháp gần như tất yếu trong giai đoạn này cho ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam. Bên cạnh đó, không gian online với hệ thống dữ liệu (data-driven) khổng lồ, với các thuật toán tối ưu hóa cho từng người dùng thật sự là công cụ hữu ích cho mỗi nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo. Đây cũng là con đường tất yếu để đưa sản phẩm âm nhạc nội địa bước ra thế giới.
Việc bùng nổ các nền tảng và công cụ nghe nhạc trực tuyến, giữa một thị trường âm nhạc còn đang non trẻ, ở một góc độ nào đó, cũng là một dạng "lửa thử vàng" để tìm ra những nhân tố mới, đòi hỏi nhiều hơn những sự lao động sáng tạo một cách nghiêm túc của nghệ sĩ, nhằm "chạm" đến trái tim người nghe bằng những cảm xúc chân thật và mỹ cảm âm nhạc chân chính.
Rõ ràng, ở mỗi thời đại, thị hiếu và cả nhu cầu thưởng thức của khán giả là khác nhau, đòi hỏi sự nhạy bén và thức thời của người làm sáng tạo. Trong bối cảnh ấy, nghệ sĩ không còn "được phép" chỉ cần "hồn nhiên" với âm nhạc, với kỹ thuật hay thẩm mỹ nghệ thuật…, mà còn phải luôn tự hoàn thiện phông văn hóa cũng như kiến thức về thị trường. Song, vấn đề đầu tiên, nói như nhạc sĩ Hà Lê: "Trước khi nghĩ việc chạm tới bảy tỷ người trên thế giới, hãy cố gắng để chạm được tới trái tim của hơn 100 triệu dân Việt Nam đã".