1. Năm 1942, trong nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, nhà mỹ học trẻ Nguyễn Ðình Thi đã gặp nhà cách mạng Trần Ðăng Ninh. Một lần, Trần Ðăng Ninh hỏi Nguyễn Ðình Thi: "Nghe nói nhà cậu ở Hải Phòng có cửa hàng bán đàn ghi-ta, chắc cậu biết nhạc? Nếu thế thì hãy sáng tác bài hát đánh phát xít đi, không cứ để tù nhân họ ô ố hát các bài hát của Nhật, nghe khó chịu lắm...". Không lâu sau, Nguyễn Ðình Thi sáng tác được ca khúc Diệt phát xít nổi tiếng.
Sau lần ở tù Hỏa Lò, Nguyễn Ðình Thi chính thức tham gia tổ chức Văn hóa cứu quốc. Do vậy, năm 1944, ông lại bị mật thám thực dân Pháp bắt giam tại Nam Ðịnh. Ðến mùa thu 1945, Văn hóa cứu quốc cử ông làm đại biểu chính thức tham gia Quốc dân Ðại hội tại Tân Trào. Sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Ðình Thi được bầu làm Tổng Thư ký Hội Văn hóa cứu quốc. Ông tham gia Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khóa I, trong Ban dự thảo Hiến pháp, và là Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội. Cuối năm 1945, Nguyễn Ðình Thi cùng một số văn nghệ sĩ trí thức cách mạng như Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Như Phong, Tô Hoài, Hải Triều... tập trung sức lực và tài năng làm Tạp chí Tiên Phong, của Hội văn hóa cứu quốc Việt Nam. Lúc này, bài hát Diệt phát xít của ông đã được dân chúng biết đến như là một bài ca của mình trong một thời đại mới.
Khi kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ trên quy mô toàn quốc. Cơ quan Hội Văn hóa cứu quốc chuyển về huyện Thanh Oai, Hà Ðông. Nguyễn Ðình Thi được bố trí ở nhờ một gia đình người Hà Nội tản cư. Họ có một cây đàn dương cầm cũ. Nhà chật, lại trong thời buổi chiến tranh, nên cây đàn bị để ngoài vườn như một thứ đồ cũ nát, bỏ đi cũng được. Nguyễn Ðình Thi với nỗi lòng ngóng vọng về Hà Nội, đã đưa tay lên phím đàn. Và thế là bài hát bất hủ Người Hà Nội ra đời: Ðây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Ðây lắng hồn núi sông ngàn năm...
2. Nguyễn Ðình Thi còn là một tài năng đặc sắc và phong phú trong trong văn học - lĩnh vực ông đeo đẳng suốt đời. Ông được đời sống văn nghệ ghi nhận là thành công cả về thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và văn học kịch. Những năm tuổi thanh xuân, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nguyễn Ðình Thi làm báo, viết văn xuôi và sáng tác thơ. Năm 1948, ông tham gia Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam, viết nhiều cho báo Văn Nghệ. Ngoài bút danh Nguyễn Ðình Thi, ông còn có bút danh Anh Nghĩa. Ông theo bộ đội đi nhiều chiến dịch, viết đều đặn những bài báo và truyện ngắn, rồi tiểu thuyết ngắn Xung kích, là những văn phẩm mang đậm hơi thở đời sống chiến đấu, phục vụ cuộc sống kháng chiến đương thời. Văn xuôi của ông có tính tiên phong trong dòng chủ lưu của nền văn chương cách mạng. Bên cạnh đó, Nguyễn Ðình Thi sáng tác thơ, dù không nhiều, nhưng với một nghệ thuật mới mẻ và khá sâu sắc. Năm 1949, tại Việt Bắc, Hội Văn nghệ Việt Nam đã tổ chức hội thảo về thơ Nguyễn Ðình Thi. Cho đến lúc đó, Nguyễn Ðình Thi mới có bốn bài thơ đăng trên Văn Nghệ (Không nói, Sáng mát trong như sáng năm xưa, Ðường núi và Ðêm mít tinh), nhưng đã được các văn nghệ sĩ tiêu biểu khi ấy quan tâm tranh luận, như một hiện tượng học thuật-thơ ca đặc biệt!
Năm 1955, khi hòa bình lập lại, Nguyễn Ðình Thi về công tác tại Hội Văn nghệ Việt Nam với cương vị Tổng Thư ký. Thời kỳ này ông viết nhiều thơ. Bài thơ Ðất nước của ông (gồm bài Sáng mát trong như sáng năm xưa được đưa vào làm khổ đầu và Ðêm mít tinh được lấy làm khổ giữa) đã khiến độc giả hết sức yêu mến. Trong tình hình chung thơ ca khi đó mang nặng tính "chân chân chân, thật thật thật" mà Xuân Diệu đề cao, những câu thơ giàu biểu cảm của Nguyễn Ðình Thi thật quyến rũ:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy...
Dư luận ghi nhận Ðất nước là thành tựu mới của thơ ca đương thời còn bởi những câu thơ có sức liên tưởng rất sâu xa:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.
Ngoài tập thơ Người chiến sĩ (năm 1956) và tập truyện ngắn Sông Lô (năm1957), Nguyễn Ðình Thi xuất bản hai tập tiểu luận là Mấy vấn đề văn học (năm 1956) và Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ hiện nay (năm 1957). Năm 1958, ông đảm nhiệm chức Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa I, rồi làm tiếp chức vụ đó các khóa II và III, đến năm 1989. Từ những năm sáu mươi, thế kỷ XX, ông viết nhiều về văn xuôi, và các nhà phê bình lý luận khi đó coi ông như một nhà tiểu thuyết hàng đầu của nền văn chương đương thời. Bộ tiểu thuyết Vỡ bờ, tập I (năm 1962) và tập II (năm 1970) được các nhà phê bình văn học viết khá nhiều bài ca ngợi. Rồi tiếp theo là các tiểu thuyết Vào lửa (năm 1966) và Mặt trận trên cao (năm 1967) cũng được giới phê bình văn học lúc đó đánh giá cao và coi Nguyễn Ðình Thi là nghệ sĩ đa tài của Việt Nam, mà dường như thành công nhất trong tiểu thuyết. Có thể nói, trong thời kỳ văn chương nước ta với dòng chủ lưu là biểu dương minh họa thì Nguyễn Ðình Thi là tác giả văn xuôi được đề cao bậc nhất!
3. Thế rồi, dư luận văn nghệ lại phải xôn xao về thành công của Nguyễn Ðình Thi trong kịch nói. Kịch bản của ông không cuốn hút người xem bằng hành động kịch, cao trào kịch, mà nó lay động người ta bằng ý tưởng văn chương sâu sắc. Xin nói rõ, gần bốn mươi tuổi trở đi ông mới viết kịch. Năm 1961, ông viết vở kịch nói Con nai đen, được giới quan tâm coi là một hiện tượng nghệ thuật sân khấu. Hơn mười năm sau, Nguyễn Ðình Thi đã gửi gắm thật nhiều tâm sự và nếm trải trường đời vào các vở kịch Hoa và Ngần, Giấc mơ, Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Ðông Quan... Có thể khẳng định, trong các tác gia kịch nói Việt Nam ta, không mấy ai viết kịch mà có ngôn ngữ văn chương hay như Nguyễn Ðình Thi.
4. Sau Ðại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ III vài năm, đến 1995, Nguyễn Ðình Thi về làm việc tại Ủy ban trung ương Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam với cương vị Chủ tịch. Ðã ngoài bảy mươi tuổi, thật lạ, ông lại quan tâm nhiều đến thơ, gửi gắm, thổ lộ nhiều trong thơ:
Tôi còn biết nói điều gì nữa
Trời đỏ chiều hôm lằng lặng buồn
Cánh chim xa vắng nào bay mãi
Ðường dài còn một khoảng hoàng hôn
Năm 2001, Nguyễn Ðình Thi xuất bản tập thơ Sóng reo. So với các tập thơ trước kia, như Người chiến sĩ (năm 1956), Bài thơ Hắc Hải (năm 1959), Dòng sông trong xanh (năm 1974) và Tia nắng (năm 1983), thì Sóng reo chất chứa nhiều hơn những nỗi niềm sâu kín và những bài học trường đời. Ông viết thật tâm huyết về Cách mạng:
Những nước mắt người mẹ
Làm người con đứng lên
Giọt máu người ngã xuống
Thành ngôi sao dẫn đường
Và lặng im cũng thành tiếng gọi.
Nguyễn Ðình Thi đã sống, đã yêu và đã nếm trải rất nhiều suốt mấy chục năm trường dốc lòng dốc sức xây dựng nền văn nghệ nước nhà, vậy mà ông còn thốt lên trong thơ: Tôi không nói được mình đã trải đời/ Không nói được mình đã hiểu người/ Không dám nói mình đã biết yêu/ Không dám nói mình đã biết sống (bài Tóc bạc). Và có lẽ, ông đã nhìn thấy sự giã biệt: Thoáng đời người tiếng cười khóc/ Bay vào vô tận sóng reo...
Và như thế, cuộc đời Nguyễn Ðình Thi đã thật sự để lại trong tác phẩm.
* Hồi ức của nhà văn Tô Hoài có đoạn: "Ngày ngày tôi liên hệ với Nguyễn Ðình Thi từ huyện lỵ Thanh Oai... Chúng tôi cũng dồn dập những công việc lấy tin và viết bài khẩn trương để kịp cho anh em liên lạc đem về tòa soạn và nhà in. Nhưng đêm ấy chúng tôi trú vào một ổ rơm ven đường cái. Trong ánh nến leo lắt, Nguyễn Ðình Thi đọc lời và hát cho chúng tôi nghe ca khúc Người Hà Nội mà anh đang chữa lại đoạn cuối cho trầm hùng hơn, theo gợi ý của Thép Mới...".
* Thơ Nguyễn Ðình Thi, nhất quán suốt đời, là sự hòa quyện giữa cảm xúc tươi trong và những ý tưởng sâu sắc qua kinh nghiệm trường đời. Ngôn ngữ thơ ông mới lạ, có cá tính độc đáo từ khi mới xuất hiện trên thi đàn. Hơn nửa thế kỷ sau, trong đời sống thơ ca ồn ào nhiều vẻ, thơ ông vẫn độc đáo và trầm sâu. Thơ ấy là của một tâm hồn không bao giờ già. Dẫu Nguyễn Ðình Thi đã qua đời ngày 18 tháng 4 năm 2003, nhưng vẫn để lại tâm hồn ấy cùng một trí tuệ mẫn tiệp cho cuộc đời này, nó ở trong âm nhạc, trong văn, trong kịch và trong thơ của ông!