Cơ hội từ thị trường khổng lồ

Nhiều doanh nghiệp lớn trên toàn thế giới đã thay đổi cuộc chơi nhờ cách vận hành, quản trị và đào tạo nguồn nhân lực qua ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ chuyển đổi số, phương thức giáo dục hỗn hợp (blended learning) đã được áp dụng giảng dạy. Ảnh: Thanh Tùng
Nhờ chuyển đổi số, phương thức giáo dục hỗn hợp (blended learning) đã được áp dụng giảng dạy. Ảnh: Thanh Tùng

"Phòng thí nghiệm" đặc biệt của Google

Google là thí dụ điển hình. Công nghệ phân tích dữ liệu về lực lượng lao động đã giúp gã khổng lồ nước Mỹ kinh doanh phát triển mạnh mẽ hằng năm. "The Pilab" có thể xem là hình mẫu nhỏ trong quá trình thu thập dữ liệu, phân tích và đưa ra giải pháp để tối ưu hóa nguồn nhân lực. Hiểu đơn giản, đây là "phòng thí nghiệm" giúp Google tạo ra môi trường khiến nhân viên hạnh phúc nhất, từ đó có động lực cống hiến.

Dữ liệu của Pilab đa dạng tới mức lượng calorie nhân viên nạp vào cơ thể thông qua các bữa ăn cũng được bóc tách. Giải pháp của Pilab khi ấy rất đơn giản: giảm kích thước đĩa để nhân viên ăn ít hơn, từ đó duy trì thể trạng tốt để làm việc.

Phong cách quản trị nhân sự nhờ phân tích dữ liệu như Google đang trở thành xu hướng trên toàn thế giới. Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp cũng chủ động đào tạo trực tuyến để nâng cao trình độ nhân lực trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến gần như toàn bộ các doanh nghiệp trên thế giới phải triển khai hình thức làm việc tại nhà.

Theo hãng nghiên cứu P&S Intelligence, nhu cầu của thị trường đào tạo này có thể xem là khổng lồ. Quy mô thị trường công nghệ giáo dục (edtech) toàn cầu dự kiến ​​đạt 998,4 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng kép là 17,3%.

Knowledgecity là start-up Mỹ theo đuổi lĩnh vực edtech từ năm 2012. Song chỉ đến khi Covid-19 bùng nổ và khiến nhân lực lao động bị giam tại nhà, tình hình kinh doanh của start-up có trụ sở tại California (Mỹ) này mới thay đổi chóng mặt.

Công ty cung cấp khóa học trực tuyến có chứng chỉ ở đa dạng lĩnh vực, từ tài chính, khoa học máy tính lẫn các kiến thức mềm như đương đầu với stress trong điều kiện làm việc nắng nóng hay cách thích nghi nhanh nhất với cấp quản lý khi trở lại công việc hậu đại dịch. Không chỉ vậy, Knowledgecity cũng cung cấp nền tảng để các doanh nghiệp sử dụng đào tạo nhân sự.

Quả ngọt từ tối ưu hóa quá trình đào tạo

Tại Việt Nam, không ít công ty đã áp dụng các hình mẫu từ Google để quản trị và đào tạo nhân sự. Ông Abhishek Mathur - Phó Chủ tịch, Giám đốc Quản trị nhân sự tại Công ty công nghệ VNG chia sẻ, qua thực tế công ty nhận ra, có những kỹ năng của con người mà máy tính không thay thế được. Điều này sẽ giúp ích nhiều trong khâu phân tích dữ liệu, quy trình nhân sự và tài chính.

Tuy nhiên, cũng giống nhiều công ty trên thế giới, quá trình đào tạo từ xa không phải lúc nào cũng đạt mục tiêu đề ra. Có không ít nhân sự Việt Nam làm việc từ xa cho công ty tại Mỹ từng chia sẻ, họ cảm thấy mệt mỏi vì chênh lệch múi giờ và thiếu động lực từ các khóa học từ xa. Dù là nhân sự cấp cao tại Mỹ đứng lớp, nhưng chia sẻ bài giảng dưới dạng video và tài liệu không bám sát thực tế là nguyên nhân của sự kém hiệu quả này.

Thách thức trong tối ưu hóa quá trình đào tạo là không dễ hóa giải, song nếu thành công, quả ngọt rất đáng kể. Nhờ chuyển đổi số, chi phí đào tạo sẽ giảm, phương thức giáo dục hỗn hợp (blended learning) thành hiện thực. Nếu thành công trong việc video hóa, số hóa được hệ thống bài giảng, các công ty Edtech sẽ có vô số cơ hội ngay ở thị trường Việt Nam cũng như hướng ra thế giới, như cách Knowledgecity phát triển mạnh mẽ tại Mỹ và vươn tầm toàn cầu. Bên cạnh đó, Giáo dục số ứng dụng (digital education application) cũng là một hướng đi khác trong quá trình chuyển đổi số vào đào tạo nhân sự của doanh nghiệp Việt Nam.

Về nguồn dữ liệu, hiểu rõ lịch sử từng nhân viên sẽ giúp doanh nghiệp quản trị và đào tạo tốt hơn. Blockchain - nền tảng phi tập trung có ứng dụng phân cấp quyền được sử dụng và quyền xem cho người dùng sẽ đáp ứng được điều này. Giáo sư Andrew R. Timming - Trường đại học RMIT cho rằng, công nghệ Blockchain sẽ giúp định hình và tối ưu hóa việc sắp xếp nhân sự ngay từ khi còn là ứng viên.

Ngoài Blockchain, các công nghệ khác như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thực tế ảo tăng cường và vũ trụ ảo (metaverse) cũng sẽ đóng vai trò to lớn trong việc tuyển dụng, đào tạo và quản trị con người trong doanh nghiệp. "Lý thuyết về nguồn nhân lực hiện nay sẽ trở nên lỗi thời và quy trình tuyển dụng hiện nay sẽ thay đổi hoàn toàn trong vài năm tới", Giáo sư Timming nhận định.