Chuyện người Dao giữ rừng ở Bản Lọt

Nhiều năm nay, đồng bào dân tộc Dao ở thôn Bản Lọt, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) nhận chăm sóc, bảo vệ hơn 200ha rừng phòng hộ theo hình thức cộng đồng, tự nguyện quyên góp chi trả. Bằng trách nhiệm và tình yêu rừng, bà con ở đây đã giữ rừng xanh tốt, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống của chính mình.
0:00 / 0:00
0:00
Trưởng thôn Đặng Văn Quang (ngoài cùng, bên phải) và cán bộ kiểm lâm địa bàn đi thăm rừng cộng đồng Bản Lọt.
Trưởng thôn Đặng Văn Quang (ngoài cùng, bên phải) và cán bộ kiểm lâm địa bàn đi thăm rừng cộng đồng Bản Lọt.

ĐI trên Quốc lộ 70, từ xa, đã nhìn thấy khu rừng phòng hộ của cộng đồng người Dao ở thôn Bản Lọt ken dày thân cây gỗ, thẫm xanh tầng lá phủ kín đất. Chạm đất Bản Lọt là thấy ngay rừng xanh tốt sát bên những ngôi nhà sàn của đồng bào, rừng ngay trước mặt, sau lưng nhà, vây quanh bản làng thanh bình, mát rượi mùa hè.

Già làng ở đây kể rằng, khởi thủy, Bản Lọt là nơi sinh sống của hơn 40 hộ người Dao. Nhưng sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979, Bản Lọt xanh tươi rừng già tự nhiên đã bị cháy rụi, xác xơ, trơ mầu đất đỏ nhức mắt. Trưởng thôn Đặng Văn Quang nhớ lại những ngày đầu dẫn bà con trở về Bản Lọt, nhìn rừng cháy tan hoang, xót xa như cứa vào lòng. Ông vận động bà con vừa dựng lại nhà cửa, vừa khai hoang ruộng nước, trồng sắn khoai, vừa gạn lọc khoanh nuôi rừng tái sinh còn sót lại và tìm kiếm cây giống trồng lại rừng mới. Cứ thế, người của Bản Lọt giữ và nuôi từng mầm cây, bụi nứa, khóm tre. Rừng dần hồi sinh trở lại. Tiếp đó, cùng với sự "trợ sức" của các dự án 327, dự án 661, dự án rừng phòng hộ của Nhà nước, những cánh rừng ở Bản Lọt càng thêm xanh và được người dân bảo vệ nghiêm ngặt.

Để bảo vệ và phát triển hơn 200ha rừng cộng đồng, theo hương ước được thôn xây dựng, mọi người trong thôn có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ và phát triển rừng cấm, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng. Bất kể dù to hay nhỏ, nhiều hay ít, cây rừng cũng như nguồn lợi khác từ rừng, ai xâm phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của thôn bằng vật chất (gạo, thịt lợn, rượu) hoặc nộp tiền vào quỹ Bảo vệ rừng của thôn. Thôn định ra mỗi năm, mở cửa rừng một hoặc hai lần vào ngày nhất định; mỗi hộ cử hai người được phép vào khu rừng cộng đồng (không phải rừng cấm) để thu hái củi làm chất đốt phục vụ sinh hoạt, và chỉ được khai thác cành đã khô hoặc cây chết tự nhiên.

Thôn Bản Lọt còn tự nguyện lập ra bốn tổ tự quản bảo vệ rừng, với 23 thành viên, gồm những người có sức khỏe và có tinh thần trách nhiệm cao. Tổ tự quản phân bổ thành viên đều khắp các vị trí, khu vực trọng yếu của khu rừng cộng đồng, nhờ vậy, mọi biến động từ rừng đều được nắm bắt và xử lý, ngăn chặn kịp thời. Ngay cả người nhà của thành viên tổ tự quản cũng có ý thức bảo vệ, nếu đi làm nương, thấy có người chặt phá rừng lấy củi... đều có trách nhiệm về báo với tổ. Hằng tháng, hằng quý, các tổ tự quản bảo vệ rừng thực hiện tuần tra chéo nhằm nắm kỹ, rõ tình trạng rừng và có biện pháp bảo vệ phù hợp.

Trưởng thôn Đặng Văn Quang cho biết, nếu gia đình nào làm nhà hoặc cần một vài cây gỗ để sửa sang lại nhà, bếp thì báo cáo với thôn và tổ tự quản. Thôn và tổ tự quản đồng ý sẽ được vào rừng lấy gỗ về làm. Trước kia, rừng có nhiều nứa, hằng năm cứ đến mùa măng, người dân trong thôn lại thi nhau vào rừng lấy măng về bán, có năm, cả thôn thu được mấy chục tấn măng khô. Giờ đây, nhiều cây gỗ rừng tái sinh, diện tích cây nứa không còn nhiều nữa nên thôn quy ước chỉ cho phép người dân được vào rừng lấy cành củi khô về đun, không lấy củi để bán. Nhà nào có việc cưới, việc tang thì được vào rừng lấy măng, nhưng cũng chỉ được lấy đủ để làm cỗ mà thôi. Nhờ vậy, rừng Bản Lọt được bảo vệ và ngày càng xanh tốt, ken dày, che chở làng, bản và cuộc sống của cư dân nơi đây.

Dáng người thấp đậm, vững chắc như cây nghiến rừng, đã ngoài 70 tuổi nhưng trưởng thôn Đặng Văn Quang vẫn phăm phăm dẫn chúng tôi ngược dốc đến thăm khu rừng ken dày thân cây gỗ lớn và thảm thực vật phong phú. Thuộc lòng từng mét đất ở khu rừng, thuộc từng loại cây trong rừng, biết nó lớn nhanh đến đâu, lớn ra sao, ông Quang lúc nào cũng trăn trở về sự tồn sinh của những cánh rừng.

Điều mà ông Quang và đồng bào Dao nơi đây mong muốn là có thêm những giống cây mới, đa mục đích, phù hợp trồng xen ở một số diện tích đất rừng còn trống... để rừng Bản Lọt mãi xanh tốt. Đồng thời, cũng từ đó mà người dân trồng rừng sẽ có thu nhập và sống được bằng nghề rừng.