Trên mỗi hành trình xuân...

Từ đầu tháng 12/2021, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Công điện về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội xuân năm 2022. Năm nay, nỗi lo của người dân không còn là tấm vé tàu, vé xe, mà hơn thế là làm sao để mỗi hành trình về quê vui xuân, đón Tết được bình an, nhất là khi dịch bệnh vẫn diễn biến vô cùng phức tạp.

Hành khách thực hiện khai báo y tế và được đo thân nhiệt trước lúc lên xe về quê dịp Tết. Ảnh: Thu Thảo
Hành khách thực hiện khai báo y tế và được đo thân nhiệt trước lúc lên xe về quê dịp Tết. Ảnh: Thu Thảo

Thích ứng an toàn, linh hoạt

"Mong về quê lắm! Nhưng dịch bệnh ở Hà Nội thế này..., chúng tôi chỉ cầu được an toàn trong quãng đường dài về nhà", như hàng vạn gia đình khác, vợ chồng anh Ngô Hữu An, quê ở Hương Khê (Hà Tĩnh) làm việc tại Gia Lâm (Hà Nội) thấp thỏm chia sẻ. Năm ngoái, chuyến về quê dịp Tết của gia đình gặp nhiều trở ngại do dịch Covid-19 và kinh tế khó khăn. Năm nay, vợ chồng anh và hai con nhỏ vẫn có nguyện vọng đoàn tụ với đại gia đình. Cả năm xa quê, chỉ có một dịp Tết...

Nhằm quản lý tốt hơn hoạt động giao thông, vận tải và vấn đề phục vụ đi lại của người dân, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ theo dõi diễn biến của dịch Covid-19 để có các giải pháp phù hợp, tuân thủ quy định phòng, chống dịch; kiểm tra, ngăn ngừa và xử lý nghiêm lái xe vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chở quá tải trọng, quá số người quy định, tăng giá vé trái quy định. Bộ cũng chỉ đạo Cục Hàng không chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trong thời gian tới để có phương án tổ chức vận tải hành khách tối ưu phục vụ nhân dân đi lại; điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến...

Thực hiện các biện pháp cấp bách, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị khai thác bến xe trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; thường xuyên, nhắc nhở trên hệ thống loa phát thanh và niêm yết tại các bảng tin của bến xe công tác bảo đảm an toàn giao thông, thực hiện các quy định về quản lý vận tải; tăng cường quầy bán vé bảo đảm giữ khoảng cách theo quy định các đơn vị vận tải hoạt động liên tỉnh, hợp đồng và du lịch; xây dựng phương án bố trí xe dự phòng, xe tăng cường để phục vụ kịp thời đáp ứng khi cần thiết. Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đào Việt Long cũng yêu cầu lực lượng thanh tra tăng cường kiểm tra, phát hiện các vi phạm về phòng, chống dịch để kịp thời xử lý.

Chia sẻ với Nhân Dân cuối tuần, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) cho biết: "Năm nay tâm lý người dân ngại di chuyển, cho nên có thể việc đi lại sẽ không đông như những năm trước. Song, công tác phòng, chống dịch vẫn được đặt lên hàng đầu, việc giải quyết các thủ tục, giải tỏa hành khách được làm nhanh chóng, tiện lợi tránh để tụ tập đông người. Đội tuyên truyền, nhắc nhở hành khách và hàng quán cũng phải hoạt động hiệu quả. Ngoài ra chúng tôi cũng chuẩn bị các phương án xử lý khi có F0 ở bến xe".

Các loại hình vận chuyển chủ động nhập cuộc

Những năm trước đi lại dịp Tết thường xảy ra nạn "chặt chém", nhồi nhét khách. Năm nay, nỗi lo tăng gấp nhiều lần, bởi trong khi di chuyển, nếu đông người rất dễ xảy ra lây nhiễm bệnh. Để chuẩn bị các phương án "giãn khách", nhiều tỉnh, thành phố, hãng vận tải đã xây dựng kế hoạch tăng cường xe, tăng chuyến.

Đơn cử, An Giang đã xây dựng kế hoạch vận tải phục vụ nhu cầu của người dân, theo đó sẽ đưa 1.785 xe, tương đương 40.639 ghế, chưa kể xe trung chuyển và taxi, khoảng 348 xe nữa vào hoạt động. Các phương tiện sẽ tập trung giải tỏa khách từ Bến xe Miền Tây (TP Hồ Chí Minh) và bến xe các tỉnh có khu công nghiệp về An Giang và ngược lại trước và sau Tết. Nhiều người dân ở An Giang mong mỏi được giải tỏa đi lại tại các bến khách ngang sông để tránh ùn tắc người và phương tiện như những năm trước.

Cơ quan chức năng các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh... cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phục vụ vận tải hành khách Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân Nhâm Dần 2022, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Cơ quan chức năng yêu cầu các doanh nghiệp vận tải cần kiểm tra chất lượng các phương tiện khi đưa vào khai thác bảo đảm an toàn; tuyên truyền, kiểm soát đối với lực lượng lái xe; thực hiện lắp đặt camera theo đúng tiêu chuẩn; tuyệt đối không để tình trạng hành khách không có phương tiện về quê và trở lại làm việc sau Tết…

Năm nay, ngành đường sắt hay các hãng hàng không cũng đã đưa ra nhiều phương án phục vụ hành khách, trong đó có nhiều mức giá khuyến mãi để thu hút người dân. Cục Hàng không Việt Nam cho biết, dự kiến dịp cao điểm Tết Nguyên đán sẽ tăng mạnh tần suất khai thác trên các đường bay nội địa từ ngày 29/12 đến hết ngày 16/2/2022 (chia làm hai giai đoạn: từ ngày 29/12 đến 18/1/2022 và từ ngày 19/1/2022 đến 16/2/2022). Việc bán vé tàu được thực hiện sớm hơn bán vé máy bay và hình thức trực tuyến được thực hiện nhiều để bảo đảm phòng, chống dịch.

Nhưng hơn hết, theo nhiều ý kiến, một trong những biện pháp đi lại an toàn chính là hành khách phải hợp tác, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch 5K để bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng.