Thay đổi để bình an

"Tết này bạn ở lại thành phố hay về quê?", là câu hỏi gây nhiều tranh cãi vào dịp Tết Nguyên đán 2022, bởi Tết đã đến rất gần nhưng diễn biến dịch vẫn rất khó đoán. Nhiều người bày tỏ quan điểm: Tết là dịp gia đình đoàn viên bên nhau, nên vẫn hồi hộp theo dõi sát tình hình dịch ở quê nhà để có kế hoạch sum họp bên gia đình.

Người dân Hà Nội đi chơi dịp nghỉ Tết Dương lịch 2022. Ảnh: Thanh Trúc
Người dân Hà Nội đi chơi dịp nghỉ Tết Dương lịch 2022. Ảnh: Thanh Trúc

"Ở lại, hay về quê?"

Dịp Tết Nguyên đán năm nay dự kiến nghỉ kéo dài chín ngày, gồm năm ngày chính thức và bốn ngày cuối tuần, từ 27 tháng Chạp năm Tân Sửu đến hết mồng 6 tháng Giêng năm Nhâm Dần, tức ngày 29/1/2022 đến 6/2/2022.

Tới thời điểm này, có một số địa phương đã đưa ra thông điệp, không hạn chế người dân về quê đón Tết. Như tại Nghệ An, lãnh đạo địa phương làm rõ: Người dân không nên quá lo lắng đến mức không dám về quê ăn Tết, song cần thực hiện nghiêm túc 5K.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng không hạn chế người dân về quê đón Tết, nhằm đáp ứng linh hoạt mọi công việc và hoạt động của người dân trong bối cảnh thích ứng trạng thái bình thường mới. Lãnh đạo tỉnh xác định: "Quyền đi lại là của người dân, cần phải tạo điều kiện". Tuy nhiên, do xuất hiện biến chủng Omicron, Hà Tĩnh mong mọi người nâng cao ý thức cộng đồng, khai báo y tế đầy đủ để thuận lợi cho việc giám sát. Với những người về từ các vùng dịch ở cấp độ 3 và 4, chính quyền sẽ áp dụng các biện pháp cách ly phù hợp theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế.

Nhưng cũng có tỉnh lại đưa ra khuyến cáo cẩn trọng hơn. Như tại Quảng Nam, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị các địa phương vận động người thân đang sinh sống, làm việc ở nơi có dịch không trở về tỉnh khi không thật sự cần thiết. Động thái này nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác phòng, chống dịch, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tỉnh đề nghị các cấp kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu người từ vùng đang có dịch trở về địa phương phải thực hiện nghiêm việc khai báo, theo dõi y tế, cách ly theo quy định. Các hoạt động lễ hội, vui xuân, đón Tết cũng cần phải tăng cường kiểm soát.

Bài toán khó với chính quyền địa phương

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký ban hành Chỉ thị số 35 của Thủ tướng về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Chỉ thị giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128 về ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", chủ động các phương án đáp ứng với các cấp độ dịch Covid-19. Trong khi đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư được yêu cầu tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần; dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tăng cường giám sát dịch bệnh tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao; tổ chức lực lượng phòng, chống dịch bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.

Các địa phương đang gấp rút triển khai Chỉ thị số 35. Tại Quảng Trị, xác định trong thời gian tới, người dân ở các tỉnh về quê ăn Tết sẽ tăng, nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất lớn, tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành tập trung triển khai giải pháp linh hoạt để phòng, chống Covid-19 hiệu quả. Các địa phương xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho người dân vui Tết
đón xuân theo bốn cấp độ tùy vào diễn biến của dịch bệnh, tránh máy móc, rập khuôn.

Ở Quảng Ninh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh phải đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Để đạt được mục tiêu này, phải nâng cao năng lực thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 từ mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi xã phường. Hằng tuần, cấp huyện, cấp xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải đánh giá nguy cơ tiềm ẩn, nguy cơ hiện hữu để có giải pháp cho tuần tiếp theo, đặc biệt là tuân thủ nghiêm tầm soát ngẫu nhiên, chủ động sớm phát hiện ca F0 để có giải pháp xử trí kịp thời.

Với mỗi người dân thói quen lễ, Tết cũng cần thay đổi để "thích ứng an toàn" và có hành xử thích nghi với điều kiện bình thường mới. Trong đó, bao gồm cả việc tự thay đổi, điều chỉnh thói quen, tác phong sinh hoạt, làm việc... để thích ứng, "sống chung" với Covid-19. 

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông cảnh báo nguy cơ dịch bệnh tới người dân. Cũng như cần quản lý chặt chẽ các trường hợp đi về địa bàn, thông tin tới từng gia đình về việc không được tụ tập đông người, hạn chế việc đi lại chúc tụng, thăm hỏi dịp Tết.