Sách giáo khoa giả, xử ngọn thả gốc?

Năm học mới 2021 - 2022 đã bắt đầu, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sách giáo khoa chậm đến với học sinh ở nhiều địa phương, sách giả càng có điều kiện thâm nhập vào các gia đình. Những vụ việc bị phát hiện gần đây, tuy nghiêm trọng nhưng mới chỉ xử lý được phần ngọn, không đủ sức răn đe, ngăn chặn tận gốc.

Kho sách giáo khoa giả.Ảnh: BỘ CÔNG AN
Kho sách giáo khoa giả.Ảnh: BỘ CÔNG AN

Mới đây, các lực lượng chức năng tại Hà Nội đã phát hiện và thu giữ hơn 3,2 triệu quyển sách giáo khoa giả các loại cùng nhiều tang vật liên quan, trong đó phần lớn là sách giả đội lốt sản phẩm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Số sách này đang chuẩn bị đưa đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Đây là chuyên án được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phối hợp truy quét tội phạm. Lực lượng chức năng đã khám xét khẩn cấp hơn 50 địa điểm của đường dây sản xuất và tiêu thụ các loại sách giáo khoa giả trên địa bàn các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa...

Mở rộng điều tra, ngày 23/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả” xảy ra tại Công ty cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát và các đơn vị có liên quan, khởi tố, bắt tạm giam, khám xét đối với bảy bị can. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng vụ án, triệt để thu hồi tài sản hưởng lợi bất chính.

Trước đó, vào tháng 9/2020, Đội Quản lý thị trường số 1 Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, qua kiểm tra một cơ sở in tại đường Nhuệ Giang, quận Nam Từ Liêm, cũng phát hiện gần 60 nghìn bộ sách giáo khoa giả. Còn trong năm 2019, các lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai phát hiện hơn 3.500 cuốn sách giáo khoa không rõ nguồn gốc tại cơ sở kinh doanh Lê Văn Trí và cơ sở kinh doanh Toàn tại TP Pleiku, cùng Siêu thị nhà sách Vĩ Yên ở huyện Chư Sê. Những cuốn sách giả sẽ được các chủ hàng, nhà sách xếp đan xen cùng sách thật trên giá, các phụ huynh, học sinh không dễ nhận ra đâu là giả, đâu là thật.

Có một thực tế là việc xử lý hoạt động bày bán sách giáo khoa giả trên thị trường gặp rất nhiều khó khăn. Về mẫu mã, các đối tượng ngày càng đầu tư in ấn đẹp mắt và sắc nét hơn, nên các lực lượng quản lý thị trường không dễ phân biệt thật giả. Thêm nữa, nếu có phát hiện sách giả bày bán ở một cửa hàng sách nào đó, cơ quan quản lý thị trường cũng chỉ có thể xử phạt hành chính với cơ sở kinh doanh. Việc xử phạt này coi như mới chỉ giải quyết được phần ngọn, muốn triệt để phải truy quét được các tổ chức in ấn phát hành sách giả-mà đây là vấn đề còn nhiều nan giải.

Sách giả đã trở thành nỗi lo của các nhà xuất bản trong nhiều năm qua. Sách giả đang có ở mọi nơi. Thời gian qua sách giả đã được tuồn dần về vùng sâu, vùng xa và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tiêu thụ, gây khó cho việc kiểm tra, phát hiện. Sách giả giờ đây không chỉ bày bán ở các cửa hàng sách mà lại có thêm một con đường để tiêu thụ đó chính là các sàn thương mại điện tử.

Theo thống kê, hiện có khoảng năm sàn thương mại điện tử lớn bán sách online như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo…, mỗi sàn này lại có hàng chục nghìn nhà bán hàng, trong đó có nhiều sản phẩm sách. Đã có nhiều cá nhân, tổ chức thuê những gian hàng điện tử này để tiêu thụ sản phẩm giả, nhái, khiến sách giả càng khó kiểm soát.

PGS,TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cho biết: Đơn vị đã đưa ra khuyến cáo giáo viên, phụ huynh và học sinh nên tìm mua sách tại các hệ thống phân phối chính thức của nhà xuất bản, các công ty sách, thiết bị trường học địa phương. Không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường để tránh mua phải hàng giả.

“Những cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo, sách bài tập giả hoặc bị in lậu có thể khiến sai lệch thông tin, nội dung, chất lượng; không thể kích hoạt mã để sử dụng nguồn tài nguyên hỗ trợ, gây ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh”, ông Tùng nhấn mạnh.

Theo một số chuyên gia khuyến cáo, những đặc điểm nhận biết sách giáo khoa thật với sách in lậu: Sách in lậu thường không có chữ dập nổi, bìa gập, bookmarks hoặc quà tặng đính kèm. Sách thật cầm nhẹ tay, mực in đều, nét, mầu ngả vàng, độ bám chữ cao. Gáy sách thật thường được khâu tay, đổ keo dày dặn nên rất chắc, khó có thể bung ra như sách lậu. Đặc biệt, với sách thật có tem chống hàng giả được nhà xuất bản in dán ngay trên sản phẩm.