Một kỷ nguyên đã khép lại

Cuối tháng 9/2021, theo Bloomberg, 17 tỉnh ở các vùng đông nam và miền bắc của Trung Quốc liên tục bị mất điện. Ngày 15/10, Tân hoa xã nhấn mạnh: Trung Quốc đang phải dốc toàn lực đương đầu với tình trạng thiếu điện này. Và khi "người khổng lồ kinh tế" ấy run rẩy, cả thế giới cũng rung chuyển.

 

Ðiện sinh hoạt ở Trung Quốc cũng phải tiết kiệm tối đa. Ảnh: Nikkei Asia
Ðiện sinh hoạt ở Trung Quốc cũng phải tiết kiệm tối đa. Ảnh: Nikkei Asia

Cuộc khủng hoảng được báo trước

Ðã từng có những thời điểm trong quá khứ, một số cơ sở sản xuất tại Trung Quốc buộc phải thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, thí dụ như cho công nhân tạm dừng lao động trong một thời gian ngắn. Song, chưa bao giờ mọi chuyện trở nên trầm trọng như những ngày này.

Trong nhiều tuần lễ, thậm chí cư dân ở một vài khu vực tại Thủ đô Bắc Kinh cũng được đề nghị không sử dụng thang máy, không bật điều hòa nhiệt độ, và các đường phố thì chìm trong bóng tối khi không còn đủ điện năng phục vụ chiếu sáng công cộng. Ở không ít thành phố khác, đến cả đèn tín hiệu giao thông cũng được "nghỉ luân phiên", nghĩa là "tiết kiệm được chút nào hay chút ấy".

Hệ quả của tình trạng thiếu hụt năng lượng này, đối với phát triển kinh tế là rất dễ hình dung. Thượng tuần tháng 10, ngân hàng Mỹ Morgan Stanley đánh giá: Khả năng sản lượng ngành công nghiệp xi-măng Trung Quốc giảm 29%, và của ngành công nghệ nhôm là 7%. Cùng đó, ngân hàng Nhật Bản Nomura giảm dự phóng tăng trưởng của Trung Quốc hơn một điểm trong quý III và quý IV/2021. Trong một báo cáo mới đây, Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cho năm 2021 từ 8,2% xuống 7,8%.

Và hơn thế, theo nhiều chuyên gia kinh tế thế giới, với tỷ trọng cực lớn về mọi mặt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chuyện guồng máy sản xuất ở Trung Quốc khựng lại cũng như chuyện nền kinh tế ấy "mất đà" chắc chắn cũng đã và đang khiến tốc độ tăng trưởng chung của thế giới chậm lại, khi các đơn hàng không thể được trả đúng hạn để bắt kịp nhu cầu của rất nhiều thị trường, và gây ra những đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Một cách hình tượng, tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc đang ảnh hưởng tiêu cực đến hầu như mọi sản phẩm của các tập đoàn quốc tế đang đặt cơ sở sản xuất tại đây, từ điện thoại iPhone đến các chế phẩm sữa, từ những chiếc xe Toyota đến các mặt hàng may mặc…

Tuy nhiên, thực tế, những lo ngại về tình trạng khan hiếm năng lượng tại "công xưởng của thế giới" cũng đã bắt đầu xuất hiện từ lâu. Ðó là năm 2011, khi một đợt hạn hán dài ngày làm tê liệt các nhà máy thủy điện Trung Quốc, khiến 10 tỉnh trên toàn quốc thiếu điện, trong đó có cả những trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu lớn nhất, như tỉnh Quảng Ðông.

Hiện tại, "cơn ác mộng" đó đã trở lại, và tạo nên những nguy cơ lớn gấp bội. Chính phủ Trung Quốc đã buộc phải họp khẩn cấp, để "ra mệnh lệnh" cho tất cả các ngành dầu khí, than đá, thủy điện… phải "bảo đảm nguồn cung trong mùa đông này bằng mọi giá!".

Phương trình hóc búa

Lý do hay được nhắc đến nhất trên bề mặt của vấn đề là sự phụ thuộc quá mức của Trung Quốc vào nguồn than đá nói riêng và các nhiên liệu hóa thạch nói chung. Hiện tại, sau một thời gian dài nỗ lực giảm sự phụ thuộc này, tỷ trọng nhiệt điện chỉ còn 56,7%, nhưng vẫn đóng góp cho tổng nguồn điện tại Trung Quốc tới 71,8%, trong khi công suất lắp đặt điện gió và điện mặt trời mặc dù chiếm 24% nhưng sản lượng điện chỉ chiếm khoảng 10%.

Câu chuyện trở nên trầm trọng hơn, khi xuất phát từ các vấn đề căng thẳng trên lĩnh vực ngoại giao song phương, Bắc Kinh quyết định không tiếp tục nhập khẩu than đá từ một nguồn cung hết sức dồi dào trong quá khứ: Australia. Trong khi đó, đến đầu tháng 10/2021, đã có 60 mỏ than của Trung Quốc phải tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của bão lũ. Không chỉ vậy, việc nhập khẩu than của Trung Quốc từ các thị trường khác cũng bị tác động do cuộc khủng hoảng nguyên nhiên liệu toàn cầu. Bối cảnh này dẫn đến một hiện trạng: "Dự trữ của sáu tập đoàn cung cấp than đá hàng đầu Trung Quốc chỉ đủ để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ toàn quốc trong vỏn vẹn 15 ngày", theo đánh giá của Cơ quan tư vấn đầu tư Sinolink Securities.

Lý do thứ hai cũng được đề cập song song, là quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong việc thực hiện các cam kết về cắt giảm khí thải, đặc biệt là trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc chống biến đổi khí hậu toàn cầu (COP26, sẽ diễn ra từ ngày 31/10 đến 12/11 tại Anh). Không những là nguồn khí thải gây ô nhiễm môi trường khi sử dụng, than đá còn có nguy cơ tạo nên những tai nạn hầm mỏ thương tâm. Và từ cuối tháng 9/2021, Trung Quốc đã tuyên bố chấm dứt đầu tư điện than ở nước ngoài. Một kỷ nguyên nhất thiết phải khép lại, vì cả mục tiêu chung là cứu "ngôi nhà của nhân loại", lẫn mục đích riêng: thể hiện rằng Trung Quốc là một cường quốc có trách nhiệm.

Nhưng, có lẽ nguyên nhân sâu xa nhất và mang tính quyết định lại không nằm ở cả điện than lẫn chương trình cắt giảm khí thải. Theo nhận xét của giới phân tích quốc tế, việc tập trung quá lớn tỷ trọng cung ứng điện năng từ một nguồn theo kiểu "để hết trứng vào một giỏ" -
hay nói cách khác là việc thiếu sự cân bằng cũng như những phương án dự phòng trong quy hoạch dài hạn dành cho ngành điện - đã khiến nền kinh tế số hai thế giới không thể bảo đảm được an ninh năng lượng cho chính mình.

Vào lúc này, mọi giải pháp có lẽ đều chỉ mang tính "chữa cháy" nhất thời, cho dù là ký gấp các hợp đồng nhập khẩu cả than đá lẫn điện từ Nga, là kiên quyết yêu cầu người dân sử dụng điện tiết kiệm hơn nữa, hay là mở cửa lại những mỏ than đáp ứng điều kiện. Tiến trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang "năng lượng xanh" là một xu thế tất yếu, song điều đó cần một lộ trình được quy hoạch kỹ lưỡng và cẩn trọng, nhằm bảo đảm sự an toàn cho trạng thái kinh tế - xã hội.

Ở khía cạnh này, những vấn đề mà Trung Quốc đối diện đã và đang thật sự trở thành những bài học đắt giá cho mọi nền kinh tế đang phát triển ■

ÐÔNG PHONG