Làm sao tối ưu giá thành sản xuất điện?

Hệ thống lưới điện truyền tải rất phụ thuộc vào quy hoạch nguồn điện, do đó, cần phát triển lưới điện truyền tải trên quan điểm tối ưu giá thành sản xuất điện. Cũng vì mục tiêu này, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo cần được xem xét để sử dụng tại chỗ, thay vì đưa lên đường dây 500 kV bắc - nam.

Quy hoạch điện hướng đến huy động đa dạng nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển điện lực.
Quy hoạch điện hướng đến huy động đa dạng nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển điện lực.

Khai thác tối đa khả năng hiện có

Quan điểm mới tại Quy hoạch điện (QHÐ) VIII là "tự cân đối nội vùng và nội miền, tránh truyền tải xa; khai thác tối đa khả năng truyền tải hiện có và không xây dựng thêm các đường dây truyền tải điện liên miền trong giai đoạn 2021 - 2030 (trừ những công trình đang trong quá trình xây dựng và/hoặc đang chuẩn bị đầu tư xây dựng); hạn chế tối đa việc xây dựng mới các đường dây truyền tải điện liên miền giai đoạn 2031 - 2045".

Thực tế triển khai QHÐ VII và VII điều chỉnh cho thấy, các nguồn nhiệt điện than, khí LNG trong QHÐ VIII cũng như các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) còn nhiều rủi ro về cơ chế phát triển, huy động vốn, nguồn cung nhiên liệu, cơ sở hạ tầng,... dẫn đến nhu cầu truyền tải có thể tăng cao hơn so dự kiến. Với quỹ đất hạn chế, đặc biệt là những khu vực có chiều rộng nhỏ từ Quảng Bình, Quảng Trị tới Thừa Thiên Huế rất khó có thể xây dựng các tuyến đường dây 500 kV liên miền mới. Do đó, bên cạnh việc sử dụng các đường dây có tiết diện lớn hơn/phân pha nhiều hơn, cần sớm triển khai đầu tư công nghệ truyền tải điện một chiều (HVDC) với số mạch ít hơn và năng lực truyền tải tốt hơn, tiết kiệm được quỹ đất và có thể so sánh được về kinh tế.

Cũng cần phải tính đến thực tế, việc đấu nối quá nhiều nguồn điện, đặc biệt là các nhà máy điện do tư nhân, các công ty ngoài nhà nước đầu tư, như: Ðấu nối các TBA 500 kV Ea Soup, Ea Nam, Kon Rẫy, Mang Yang, điện gió Ðắk Lắk 1, Ðắk Lắk 2, điện gió Ðắk Nông,… sẽ gây ảnh hưởng an ninh cung cấp điện quốc gia.

Với kịch bản phát triển nguồn nhiệt điện trong quy hoạch, trên hệ thống sẽ xuất hiện các khu vực tập trung nguồn điện rất lớn, do đó cần phải có phương án đấu nối tổng thể, tối ưu để bảo đảm khả năng giải tỏa cũng như hiệu quả đầu tư.

Cần một kế hoạch tổng thể

Trong thời gian vừa qua, nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc khá bị động, nguyên nhân chính là tốc độ tăng trưởng phụ tải không như dự kiến (ảnh hưởng của dịch Covid-19), tiến độ nhiều công trình nguồn, lưới điện bên phía Việt Nam chậm so với kế hoạch, các chủ đầu tư bên Lào đề xuất riêng lẻ các nhà máy thủy điện bán điện về phía Việt Nam mà không có kế hoạch tổng thể. Những điều này vẫn có thể tiếp tục xảy ra trong thời gian tới. Do đó, để tăng tính chủ động trong công tác đầu tư xây dựng các công trình lưới điện phục vụ công tác xuất/nhập khẩu điện, QHÐ VIII cần phải đưa ra được danh mục các công trình lưới điện kèm theo điều kiện xây dựng. Trong đó, đối với nhập khẩu Lào, chủ trương thu gom các nhà máy điện bên Lào và đấu nối qua các đường trục về phía Việt Nam, tại các điểm có khả năng tiếp nhận được công suất và thuận tiện trong công tác đầu tư xây dựng các công trình lưới điện tiếp nhận công suất.

Xem xét định hướng liên kết qua các đường dây truyền tải điện một chiều để phù hợp xu hướng phát triển các lưới điện liên kết khu vực ASEAN trong tương lai trong khi vẫn bảo đảm vận hành ổn định và an toàn lưới điện quốc gia cũng cần được đặt ra. Ðối với nhập khẩu điện của Trung Quốc, cần xem xét liên kết lưới điện ở cấp điện áp cao (500 kV) với công nghệ truyền tải điện thích hợp, nhưng có xét đến điều kiện là tiến độ các nguồn điện bên Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu và chi phí mua điện Trung Quốc hợp lý để nâng cao độ an toàn cung cấp điện.

Ðiều quan trọng, do tốc độ tăng trưởng phụ tải được dự báo ở mức cao 9,1%/năm giai đoạn 2021 - 2025 và 8%/năm 2026 - 2030, khối lượng đầu tư mới vào nguồn điện và lưới điện là rất lớn. Quan điểm quy hoạch là chỉ phân bổ công suất phát điện theo vùng miền mà không cụ thể về vị trí các nguồn điện mới sẽ dẫn đến kế hoạch phát triển lưới điện không tối ưu. Ðó là chưa kể đến việc bị động và rất chậm trễ trong triển khai thực hiện (đây là bài học về việc phát triển điện gió, mặt trời trong thời gian vừa qua chỉ được quy hoạch trên phạm vi một khu vực lân cận ở địa điểm phát triển các dự án đơn lẻ mà không  có quy hoạch tổng thể hệ thống). 

Quy hoạch điện VIII mang tính mở, độ linh hoạt cao. Tuy nhiên, hệ thống lưới điện truyền tải cần phải được xây dựng trên quan điểm bảo đảm đáp ứng yêu cầu vận hành an toàn, ổn định, có khả năng tích hợp tỷ lệ các nguồn NLTT cao, truyền tải điện năng từ các trung tâm điện lực lớn về trung tâm phụ tải. Thêm nữa, cần bảo đảm sự liên kết các hệ thống điện miền và khu vực, đồng thời, từng bước hình thành lưới điện truyền tải thông minh ■

Các dự án lưới điện truyền tải 500 kV đang triển khai có thể đáp ứng nhu cầu truyền tải liên miền đến năm 2045, song quy hoạch mới vẫn định hướng phát triển giao diện Bắc Trung Bộ - Bắc Bộ gồm: sáu mạch đường dây 500 kV đến năm 2030; 10 mạch đường dây 500 kV đến 2045. Với Nam Trung Bộ - Nam Bộ là bảy mạch đường dây 500 kV đến 2030; 11 mạch đường dây 500 kV đến năm 2045.

QUANG MINH