Thâm Quyến được chọn làm đặc KKT đầu tiên của Trung Quốc do lợi thế nằm giáp Hồng Công (lúc đó còn thuộc Vương quốc Anh). Tính đến cuối năm 2015, từ một thị trấn ven biển nhỏ với chỉ hơn 30 nghìn dân, Thâm Quyến đã phát triển thành một siêu đô thị hiện đại, diện tích gần 2.000 km2, với hơn 18 triệu dân (trong đó hơn 11 triệu cư dân thường trú).
Những yếu tố ban đầu làm nên thành công của Thâm Quyến là vị trí địa lý thuận lợi (tiếp giáp với Hồng Công) với nhiều cảng (17 cảng, là TP nhiều cảng nhất Trung Quốc) và chính sách mở cửa ưu đãi thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đến tháng 3-1981, tổng FDI vào Thâm Quyến đã lên tới 400 triệu USD, vượt xa bất cứ địa phương nào khác ở Trung Quốc. Từ 1983-1985, FDI vào Thâm Quyến tăng 75%/năm. Với các quan hệ kinh tế quốc tế vốn có từ Hồng Công, Thâm Quyến thâm nhập các thị trường bên ngoài Trung Quốc bằng sản xuất chi phí thấp, giá đất và lao động rẻ, đường vận tải nguyên vật liệu và sản phẩm tới các thị trường quốc tế tiện lợi.
Nhưng những lợi thế đó của Thâm Quyến sớm phai nhạt. Đến năm 1984, Chính phủ Trung Quốc lập thêm 14 TP ven biển làm khu phát triển kinh tế, mỗi nơi đều trở thành nơi cạnh tranh với Thâm Quyến về thu hút FDI và tăng trưởng sản xuất. Mô hình tăng trưởng nhanh dựa vào chế xuất hàng giá rẻ cũng nhanh chóng bộc lộ những “nút thắt cổ chai” như quỹ đất hạn chế, thiếu năng lượng và nước, áp lực lao động và nhân khẩu, ô nhiễm môi trường… Thế nhưng, Thâm Quyến đã tiến hành cuộc “lột xác” lần thứ hai, chuyển đổi mô hình từ sản xuất công nghiệp truyền thống sang công nghệ cao, chú trọng phát triển năng lực thiết kế sản phẩm, thay vì chỉ chế tạo sản phẩm.
Tháng 6-2008, Chính phủ Trung Quốc phê chuẩn Thâm Quyến trở thành TP đầu tiên thí điểm làm trung tâm đổi mới sáng tạo. Với hơn 6.000 công ty thiết kế và 60 nghìn chuyên gia thiết kế, UNESCO đã tặng Thâm Quyến danh hiệu “Thành phố thiết kế” vào cuối 2008. Từ “đại công xưởng hàng nhái” trở thành trung tâm đổi mới công nghệ và là nơi sản xuất 90% thiết bị điện tử của thế giới.
Thâm Quyến trở thành “cái nôi” của nhiều công ty công nghệ cao thành công nhất Trung Quốc và cũng là “nhà” của 20% số tiến sĩ của Trung Quốc, là nơi có số người làm chủ DN cao nhất nước và có số tỷ phú cao hơn bất cứ đâu ở đất nước tỷ dân này.
Ngoài vốn và công nghệ, giải quyết vấn đề hàng triệu lao động nhập cư là thách thức lớn đối với tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững. Năm 2006, chính quyền Thâm Quyến đề ra chương trình bảo hiểm y tế cho lao động nhập cư, tăng đầu tư giáo dục cho con cái của người nhập cư. Năm 2008, chính quyền cấp “thẻ cư trú lâu dài” cho phép lao động nhập cư hưởng các phúc lợi xã hội như nhà ở, y tế, giáo dục và hưu trí như những người có hộ khẩu thường trú.
Thâm Quyến cũng là nơi đi đầu thí điểm các chính sách mới: đấu thầu xây dựng cơ bản; chế độ hợp đồng lao động; đấu giá quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng đất công. Thâm Quyến là nơi mở trung tâm giao dịch ngoại hối đầu tiên ở Trung Quốc. Đây cũng là nơi phát hành tấm cổ phiếu đầu tiên tại Trung Quốc, đi đầu trong việc phát triển DN cổ phần và thị trường vốn.
Để triển khai thành công các chính sách đột phá, chính quyền Thâm Quyến cũng không ngừng nâng cao năng lực hành chính quản trị công như: xác định lại và cơ cấu lại toàn diện chức năng chính quyền TP, chuyển từ người cầm quyền quản trị trở thành nhà cung cấp dịch vụ công. Năm 2008, chính quyền Thâm Quyến công bố kế hoạch tổ chức tranh cử người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, được tiến hành đầu tiên ở cấp quận.
Bài học kinh nghiệm lớn nhất trong thành công của Thâm Quyến là chiến lược phát triển mô hình phải được hoạch định “từ trên xuống”, và trở thành một bộ phận cấu thành trong chiến lược tổng thể phát triển của quốc gia.
Năm 2015, GDP của Thâm Quyến đạt 266 tỷ USD, bình quân đầu người 25 nghìn USD, bằng mức của một số nước phát triển thuộc nhóm Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).