Giải pháp "kéo-đẩy" kích hoạt thị trường

Đã thành lệ, các doanh nghiệp luôn e ngại thiếu hụt lao động vào thời điểm sau Tết Nguyên đán. Sang năm 2022, nền kinh tế có sớm lấy lại "thăng bằng" và tăng trưởng trở lại hay không, sẽ tùy thuộc một phần không nhỏ vào việc hàn gắn và hợp lý hóa thị trường, cấu trúc lao động vốn đã bị phá vỡ sau làn sóng dịch chuyển lao động do đại dịch Covid-19 gây ra.

Liên đoàn Lao động và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị ký kết bản thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp. Ảnh: TRẦN DIỄM
Liên đoàn Lao động và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị ký kết bản thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp. Ảnh: TRẦN DIỄM

Mặc dù Chính phủ đã có các chính sách vừa chủ động thích ứng linh hoạt trong phòng, chống Covid-19, vừa thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, nhưng tính chung cả năm 2021, thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp cao hơn năm trước, trong đó, khu vực thành thị vượt mốc 4%. Đó là nhận định nổi bật trong báo cáo "Tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2021" vừa được Tổng cục Thống kê công bố.

Mất cân đối thị trường lao động

Cũng theo báo cáo nói trên, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm qua là hơn 1,4 triệu người, tăng 203,7 nghìn người so năm trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54 điểm phần trăm so năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,42%, cao hơn 1,94 điểm phần trăm so khu vực nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15-24 tuổi) là 8,48%, tăng 0,52 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ này của thanh niên khu vực thành thị là 11,91%, tăng 1,33 điểm phần trăm so với năm trước.

Trước đó, khi khảo sát về thị trường lao động tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhìn nhận, sự thiếu hụt lao động mới diễn ra cục bộ, bởi hiện mới có khoảng 70-75% số doanh nghiệp hoạt động 100% công suất. Số lượng lao động huy động mới ở mức 50-60% so trạng thái bình thường. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp giữ được ổn định nguồn nhân lực vì có chính sách tốt giữ chân người lao động.

Tuy nhiên, sự thiếu hụt lao động có thể gia tăng trong tháng 1/2022, thời điểm các đơn hàng chạy Tết đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến độ. Thêm nữa, khoảng cuối quý I và quý II/2022, nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao khi các doanh nghiệp được dự kiến hoạt động trở lại với 100% công suất.

Dự kiến trong năm 2022, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 lao động, thấp hơn nhiều so các năm trước đó (khi chưa có dịch Covid-19). Lý giải điều này, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Khoa học Lao động xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, khi kinh tế tăng trưởng thấp, cầu lao động đương nhiên bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, con số tuyển dụng không nói lên "tổng cầu" mà chỉ phản ánh mức độ dao động của thị trường lao động. Năm nay, vì dịch nên rất nhiều công nhân ở lại ăn Tết mà không về quê. Do đó, hiện tượng nhảy việc sau Tết cũng hạn chế đi nhiều. "Muốn xác định "tổng cầu" thị trường phải dựa vào tổng nguồn nhân lực, rồi tỷ lệ tuyển dụng mới, tỷ lệ lao động bị sa thải..." - bà Hương lý giải.

Nhận định về tình hình lao động, thị trường việc làm trong ngắn hạn, nhiều chuyên gia cho rằng, kể từ quý II/2022 trở đi xu thế sẽ "ấm lên", khi tỷ lệ miễn dịch cộng đồng được tăng cao, các doanh nghiệp trở lại sản xuất bình thường.

Hóa giải những nghịch lý

Một trong những nội dung quan trọng mà kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV xem xét đó là dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế, phát triển kinh tế-xã hội có tổng quy mô hỗ trợ 340 nghìn tỷ đồng. Những giải pháp được thiết kế trong chương trình được trông đợi sẽ giúp khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng với mục tiêu bình quân 6,5%-7% một năm trong 5 năm tới.

Để bảo đảm nguồn nhân lực cho chuỗi sản xuất, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, khuyến nghị, doanh nghiệp cần có các chế độ an toàn phòng, chống dịch để người lao động yên tâm sản xuất. Đối với lao động ngừng việc do doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất hoặc có người lao động về quê, các doanh nghiệp nên thực hiện các biện pháp nhằm "giữ chân" lao động như chủ động giữ thông tin, liên lạc để sẵn sàng kêu gọi người lao động quay trở lại. Điều quan trọng, doanh nghiệp cần thực hiện các chế độ hỗ trợ, phúc lợi người lao động như trả lương ngừng việc, hỗ trợ bằng tiền đối với một số ngày nhất định khi tạm hoãn, nghỉ việc không lương, áp dụng các biện pháp ngừng việc có trả lương, hoặc tạm hoãn/nghỉ việc không lương thay cho việc chấm dứt hợp đồng lao động để "giữ chân" lao động…

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang dự thảo chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, với bảy nhóm giải pháp lớn gồm: hỗ trợ trực tiếp người lao động: giúp chi trả chi phí đi lại, nhu yếu phẩm, tiền điện, tiền nước, chi phí xét nghiệm; hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động; đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng người lao động, cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ kết nối cung cầu lao động; hoàn thiện bền vững thị trường lao động, hiện đại hóa thị trường, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động việc làm, có kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an; bảo đảm điều kiện về nơi sinh sống; xây dựng quan hệ người lao động hài hòa, tiến bộ.

Về phía doanh nghiệp cũng cần cải thiện năng lực sẵn sàng trong các tình huống khẩn cấp, nhưng như vậy chưa đủ! Nhìn nhận về giải pháp căn cơ giữ ổn định thị trường lao động, TS Ngô Quỳnh Anh (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng: "Chúng ta không chỉ dồn hết trách nhiệm cho doanh nghiệp vì một mình họ không đủ năng lực đảm đương việc phục hồi thị trường lao động và sản xuất. Theo tôi, phải có các quỹ hỗ trợ dự phòng để doanh nghiệp hỗ trợ, thu hút lao động hồi hương quay trở lại. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý nhà nước về lao động trên thị trường để có cơ sở dữ liệu hỗ trợ doanh nghiệp công cụ trong quá trình tuyển dụng và quản lý người lao động sau này. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay rất cần số hóa thị trường lao động, đây là giải pháp then chốt, cần đẩy nhanh gấp 5-10 lần so lộ trình đặt ra".

Một điểm mấu chốt nữa chính là hệ thống chính sách được thiết kế để tập trung nâng cao tay nghề cho người lao động, đào tạo ra nguồn lao động đáp ứng sự chuyển dịch trong thị trường lao động. Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, hiện có khoảng 48% số lao động cần đào tạo lại, 53% số doanh nghiệp trong nước không dự báo được tương lai, 68% số cơ sở đào tạo tại Việt Nam chưa sẵn sàng cho Cách mạng 4.0 và tác động của dịch bệnh. Đó là những con số biết nói cần phải được tiếp thu một cách có trách nhiệm.

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ THỦY

-PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN TƯ PHÁP CỦA QUỐC HỘI:

Cần hỗ trợ cả khối lao động phi chính thức

Kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp tư nhân với 43.000 lao động bị mất việc cho thấy, gần 50% trong số này có nguồn tích lũy chỉ đủ để duy trì cuộc sống trong một tháng, 37% chỉ đủ duy trì cuộc sống trong ba tháng, chỉ hơn 4% đủ duy trì cuộc sống hơn bốn tháng. Thực tế trên dẫn đến nghịch lý về cung cầu lao động. Số lao động tự do tăng cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây, chiếm tới 57% tổng số lao động có việc làm.

Do đó, dự thảo chính sách tài khóa cần thiết kế tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động, áp dụng với cả khu vực chính thức và phi chính thức. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ thỏa đáng cho việc xây nhà ở công nhân, tiền xét nghiệm, đi lại và tư vấn việc làm cho người lao động quay trở lại làm việc.

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NGUYỄN THANH PHƯƠNG

-PHÓ HIỆU TRƯỞNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ:

Tập trung cho đào tạo nghề

Gói an sinh xã hội, lao động, việc làm có tính đến chi đầu tư cho 21 trường cao đẳng nghề chất lượng cao của các bộ và 14 trường ở địa phương. Đó là việc làm hết sức có ý nghĩa. Đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ưu tiên đầu tư cho các trường ở đồng bằng sông Cửu Long, như Trường cao đẳng Long An, Trường cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi phục vụ nông nghiệp; hoặc đầu tư cho một trường cao đẳng chất lượng cao của Bộ tại vùng.

Hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 14% đến 15%, trong khi tỷ lệ di cư lao động tăng so với tỷ lệ tăng dân số tự nhiên (khoảng 1,1 triệu người giai đoạn 2009-2019). Vì vậy, đào tạo nghề ở đồng bằng sông Cửu Long không chỉ phục vụ trong vùng mà còn các khu vực lân cận.