Được để mắt và giữ chân quỹ đầu tư, đường còn xa!

Năm 2021 dù vẫn vô cùng khó khăn, đặc biệt với các startup và doanh nghiệp trẻ, nhưng cũng mở ra vô vàn cơ hội thúc đẩy các đơn vị đưa ra sản phẩm, dịch vụ mới. Nhiều startup đã thu hút được số tiền đầu tư cao hơn hẳn các năm trước. Thậm chí, kỷ lục mới trong gọi vốn đã được thiết lập.

Dòng vốn đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021. Nguồn: Báo cáo e-Conomy SEA 2021
Dòng vốn đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021. Nguồn: Báo cáo e-Conomy SEA 2021

Dòng tiền tăng đột biến

Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2021 (Nền kinh tế số Đông Nam Á-Tiếng gầm thập niên 20: Thập niên Kỹ thuật số Đông Nam Á) do Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố, dòng vốn đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021, đạt mức cao kỷ lục 1,368 tỷ USD, vượt xa các khoản đầu tư cả năm trong những năm gần đây. Nguồn vốn toàn cầu đều đặn chảy vào nước ta nhờ các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng vững chắc và hệ sinh thái kỹ thuật số đang phát triển. Việt Nam tiếp tục là trung tâm sáng tạo hấp dẫn với số lượng vườn ươm doanh nghiệp, chương trình phát triển và phòng nghiên cứu nhiều hơn đa số các nước khác trong khu vực.

Mới nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn viện trợ và đầu tư. Dự kiến, có khoảng 20 dự án được thử nghiệm ở Hợp phần Thử nghiệm công nghệ (ADB Ventures Lab) và khoảng 10 doanh nghiệp tại Việt Nam nhận được khoản tài trợ trong Hợp phần Hỗ trợ kỹ thuật hạt giống (ADB Ventures SEED). Thông qua khoản tài trợ, các doanh nghiệp sẽ phát triển những giải pháp công nghệ mới.

Nếu trước đây, các startup phần lớn phải chủ động tiếp cận các quỹ, gọi đầu tư thì nay việc tiếp cận dòng vốn đã không còn là vấn đề quá khó khăn. Hiện tại, với số lượng quỹ đầu tư lớn, chỉ cần sở hữu mô hình kinh doanh và đội ngũ thực thi triển vọng, các quỹ sẽ chủ động tìm đến. Tuy nhiên, giờ đây các quỹ cũng thận trọng hơn trong câu chuyện rót vốn nên thay vì đầu tư sớm, họ sẽ lựa chọn những mô hình, ý tưởng tốt, được cụ thể hóa bằng doanh thu và lợi nhuận rõ ràng. Việc đầu tư chủ yếu nhằm thúc đẩy những dự án này phát triển nhanh hơn nữa.

Dẫu vậy, không phải tất cả các startup đều biết cách chớp thời cơ để gọi vốn thành công. Chứng kiến sự thất bại của nhiều startup, ông Bùi Thành Đô - Nhà sáng lập và điều hành Think Zone Ventures nhận định, nguyên nhân chính thường đến từ sự thiếu hiểu biết trong vận hành công ty cũng như phương pháp sử dụng nguồn lực tài chính chưa hợp lý. Những nhà sáng lập cần phải biết cách giữ được nguồn vốn tốt hơn, biết dùng vốn vào việc gì, khi nào cần gọi vốn và kêu gọi bao nhiêu trong từng giai đoạn. Thí dụ: Giai đoạn đầu khi chưa có nhiều khách hàng chỉ nên gọi số tiền vừa đủ để thăm dò và tránh việc mất quá nhiều cổ phần nếu công ty có tiềm năng phát triển mạnh. Sau nửa năm vận hành, số lượng khách hàng tăng, sản phẩm hoàn thiện hơn, công ty có thể đẩy định giá lên cao hơn để gọi vốn cho giai đoạn tiếp theo. Từng sự chặt chẽ và tính toán kỹ càng sẽ tác động trực tiếp tới sự phát triển của mỗi dự án.

Nhà đầu tư thay đổi "khẩu vị"

Làm thế nào để startup Việt thành công trong việc gọi vốn hàng triệu USD trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó? Câu trả lời nằm ở khả năng có thể giải quyết được những bài toán thực tế của thị trường hay không?

CEO Raghu Rai của Jio Health-startup trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe số tại Việt Nam chia sẻ: "Thách thức lớn nhất ở Việt Nam cho doanh nghiệp khởi nghiệp là tìm nguồn vốn. Nhưng để tìm được, cần phải có đội ngũ phù hợp định hướng và quan trọng hơn hết vẫn là sản phẩm. Sau khi vượt qua giai đoạn non trẻ ban đầu thì hãy tập trung vào tìm nguồn vốn để phát triển, mở rộng quy mô. Việc cân đối giữa vốn và công nghệ hay nguồn lực phụ thuộc vào từng giai đoạn khác nhau của startup. Hiện tại, doanh nghiệp ít phải đối mặt các rào cản khi tiếp cận nguồn vốn. Thay vì quá lo lắng cho vấn đề này, cần dành nhiều thời gian để làm việc với khách hàng, khẳng định giá trị của mình và lắng nghe thị trường".

Nhiều doanh nghiệp thường nghĩ đơn giản cứ gọi vốn, mở rộng quy mô là mọi chuyện đều sẽ tốt đẹp. Tuy nhiên, tư duy này thường dẫn đến rủi ro nếu tỷ lệ nắm giữ của họ không đủ quyết định doanh nghiệp. Nhìn vào bài học của WeFit hay một số doanh nghiệp lựa chọn chiến lược "tăng trưởng bằng mọi giá", có thể thấy, lựa chọn sai sẽ khiến doanh nghiệp phải gục ngã. Hơn thế nữa, nếu kinh doanh không thể sinh ra lợi nhuận, hoặc chứng minh tiềm năng tạo ra lợi nhuận thì sớm muộn các quỹ cũng nói lời chia tay. Chỉ khi hội tụ đầy đủ các yếu tố như sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường cùng một đội ngũ tâm huyết để phát triển lâu dài, startup mới đủ sức gọi vốn và giữ chân nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, các quỹ cũng có khẩu vị khác nhau. Thay vì tìm kiếm các nhà đầu tư không phù hợp, các startup cần phải tập trung mục tiêu chính là phát triển sản phẩm cũng như giải quyết bài toán đặt ra để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Ngoài câu chuyện gọi vốn đơn thuần, hợp tác cùng các quỹ phù hợp cũng mang đến cho startup kiến thức, kinh nghiệm và những sự định hướng xác đáng của các chuyên gia nhằm giúp cho sự phát triển của công ty trong tương lai.

"Nguồn vốn tất nhiên là một yếu tố quan trọng cho các công ty, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp về công nghệ, nhưng chúng tôi giúp đỡ họ còn nhiều hơn như vậy. Chúng tôi làm việc liên tục cùng chủ doanh nghiệp, với các chương trình đánh giá, hỗ trợ, thúc đẩy giúp mang lại cho họ những kiến thức, kỹ năng và sự tự tin cần thiết, để không chỉ có thể tồn tại trong thời khắc khó khăn của dịch Covid-19 mà còn thật sự vươn lên, phát triển thành công", ông Eddie Thái, đồng sáng lập Quỹ Ascend Vietnam Ventures và Quỹ 500 Startups Vietnam nhận định.