Để nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn

Việt Nam có hơn 1 triệu km2 diện tích vùng biển nhưng diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt, chuyển hướng sang phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, để hình thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn cần phải có cơ chế chính sách khuyến khích đủ mạnh.

Tuy đạt được những kết quả nổi bật, nhưng nghề nuôi trồng thủy sản còn gặp không ít khó khăn. Ảnh: TRỌNG DUY
Tuy đạt được những kết quả nổi bật, nhưng nghề nuôi trồng thủy sản còn gặp không ít khó khăn. Ảnh: TRỌNG DUY

Thiếu hụt "hệ sinh thái"

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, do trữ lượng khai thác ngày càng giảm nên tại nhiều địa phương, trong những năm gần đây, có ngày càng nhiều bà con ngư dân chuyển sang hình thức nuôi trồng thủy sản và đạt hiệu quả kinh tế cao. Chỉ tính riêng năm 2021, tổng sản lượng nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn, con số này vượt cả sản lượng khai thác (3,92 triệu tấn). Những địa phương có diện tích và sản lượng nuôi lớn như: Bạc Liêu, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp…

Về nuôi trồng thủy sản trên biển, nhằm thực hiện chủ trương phát triển chuyển từ nuôi trồng theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành ngành nuôi biển công nghiệp. Theo đó, hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi, hạ tầng phụ trợ được đầu tư chuyên nghiệp, bài bản hơn.

Hiện nay, tại nhiều địa phương ven biển, một số doanh nghiệp đã đầu tư vào các trại nuôi biển theo phương thức công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao; nổi bật như: Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trấn Phú (Kiên Giang); Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam (Khánh Hòa),… Các doanh nghiệp này được kỳ vọng sẽ là "những cánh chim đầu đàn" để doanh nghiệp, cũng như người dân ở các địa phương có thế mạnh về nuôi biển vươn theo.

Nếu xét về tiềm năng, kỳ vọng về sự lớn mạnh của "những cánh chim đầu đàn" là có. Nhưng muốn bay được xa, muốn tạo nên một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, chúng ta lại vướng phải không ít khó khăn phần lớn xuất phát từ hạn chế trong hoạch định chính sách. Theo ông Trần Công Khôi - Phó Vụ trưởng Nuôi trồng Thủy sản, Tổng cục Thủy sản: Khó khăn lớn hiện nay xuất phát từ việc đầu tư hạ tầng-kỹ thuật phục vụ nuôi trồng thủy sản còn yếu và thiếu. Đặc biệt, hạ tầng phục vụ nuôi biển hiện nay còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ. Hệ thống phao tiêu, biển báo giao thông phục vụ riêng cho ngành nuôi biển chưa đáp ứng được nhu cầu và các bến đỗ tàu thuyền phục vụ nuôi biển ở nước ta hầu hết chưa được quan tâm đầu tư. Giống thủy sản tuy đã đạt được những kết quả nổi bật, nhưng một số giống bố mẹ vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ nước ngoài…

Cần sớm có cơ chế, chính sách đặc thù

Nhằm phát huy lợi thế kinh tế biển nói chung, Trung ương đã có Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (NQ 36). Để thể chế hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 11/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 339/QĐ-TTg về việc "Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Quyết định 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu chung của Đề án là phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng biển đảo của Tổ quốc. Mục tiêu từ nay đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng khoảng 850.000 tấn, xuất khẩu đạt từ 0,8-1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha với 12 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 1,8-2 tỷ USD.

Theo PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA), trong 10 năm tới, nếu không phát triển nuôi biển, chắc chắn sẽ không có được sự đột phá trong ngành thủy sản. Đồng thời, nuôi biển cũng mở ra cơ hội tái tạo lại nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học biển. Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển thủy sản và Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, trong quá trình thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế địa phương và kế hoạch sử dụng đất, diện tích mặt nước ven biển, xảy ra nhiều mâu thuẫn, xung đột lợi ích giữa người dân làm nghề nuôi trồng thủy sản ven biển với chính quyền các địa phương. Nhiều địa phương có chủ trương, kế hoạch sử dụng đất, diện tích mặt nước vào những mục đích khác như khai thác tài nguyên (cát) cũng như làm khu công nghiệp, du lịch… dẫn đến giảm diện tích nuôi trồng, ảnh hưởng không nhỏ sinh kế của người nông dân.

Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Đặng Xuân Trường cho rằng, tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát xảy ra khá phổ biến do rất nhiều nguyên nhân; trong đó, có cả do quy hoạch, trình độ kỹ thuật nuôi trồng của bà con còn hạn chế... Để đạt hiệu quả kinh tế bền vững, nông dân cần bảo đảm mật độ nuôi, tuân thủ khâu xử lý môi trường nước, hạn chế ảnh hưởng môi trường chung quanh.

Mới đây, tại Hội nghị "Bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển bền vững năm 2022" được tổ chức ở tỉnh Ninh Thuận, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu, Tổng cục Thủy sản khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có những chính sách phát triển nuôi biển, cùng với đó là tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng và nhu cầu hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nuôi biển, làm cơ sở đầu tư sản xuất. Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên biển như: giống, thức ăn, môi trường, nuôi thương phẩm, lồng nuôi, vùng nuôi…

Theo các chuyên gia, cơ quan chức năng cần tập trung nghiên cứu và hoàn thiện các quy định hiện hành để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tồn đọng; thống nhất hệ thống cơ quan quản lý thủy sản từ trung ương đến địa phương; có chính sách thu hút, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ kỹ thuật, ban quản trị các hợp tác xã và tổ hợp tác, doanh nghiệp, trang trại và các cơ sở nuôi để có khả năng tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ số trong nuôi trồng thủy sản.

Tạo dựng nên hệ sinh thái nuôi biển bền vững cả vùng khơi, vùng lộng và vùng bờ đồng thời khơi thông được nguồn lực đầu tư vào ngành thủy sản sẽ giúp thương hiệu thủy sản Việt Nam vươn xa và có vị thế xứng đáng trên thị trường quốc tế...

Tổng diện tích có tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000 ha, trong đó vùng bãi triều 153.300 ha; vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo 79.790 ha; vùng biển xa bờ gần 167.000 ha, diện tích còn lại là các phương thức nuôi khác.

Nguồn: Tổng cục Thủy sản