- Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST Việt Nam 2021 lần thứ 7 sắp sửa khép lại. Ông nhìn nhận thế nào về tác động của sự kiện thường niên lớn nhất dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm nay?
- Sự kiện TECHFEST Việt Nam 2021 do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, cũng đã tạo ra sân chơi với nhiều cơ hội quảng bá thúc đẩy giải pháp công nghệ 4.0 cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Sự kiện đã tổ chức chuỗi hoạt động với gần 90 sự kiện, thu hút sự tham gia của 16 làng công nghệ (có sự góp mặt của các làng công nghệ mới thuộc các lĩnh vực là xu hướng tiềm năng) nhằm trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề về kinh tế-xã hội: công nghệ đột phá thay đổi thị trường bất động sản; logistics Việt Nam-hướng tới chuyển đổi số; giải pháp công nghệ hỗ trợ nâng cao sức khỏe trong thời kỳ Covid-19; thách thức và khó khăn của ngành ngân hàng-tài chính trong an toàn không gian mạng,... Đặc biệt, TECHFEST Việt Nam 2021 vừa qua đã tổ chức thành công vòng sơ kết Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia với 20 doanh nghiệp xuất sắc ở hai bảng. Điểm mới trong TECHFEST năm nay là sự có mặt của TECHFEST 247 (https://techfest247.com/)-nền tảng số hóa các hoạt động của TECHFEST kết hợp với triển lãm thực tế ảo, nhằm quảng bá các giải pháp công nghệ trong nước và quốc tế, hỗ trợ startup chia sẻ, thuyết trình trực tuyến, xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư.
- Ông có thể nói kỹ hơn về sứ mệnh "kiến tạo tương lai" của các startup?
- Với chủ đề "Đổi mới sáng tạo-Kiến tạo tương lai", TECHFEST năm nay hướng tới thúc đẩy giải pháp công nghệ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các nền tảng đổi mới sáng tạo "mở" để khởi nghiệp sáng tạo có thể tham gia giải quyết vấn đề của doanh nghiệp, thách thức của xã hội trong bối cảnh Covid-19 và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Các lĩnh vực sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới là hỗ trợ làm việc từ xa, giảm các công đoạn trung gian, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như thương mại điện tử, giáo dục, y tế, thanh toán trực tuyến,… Ngay sáu tháng cuối năm 2021, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp gọi vốn lớn như: Tiki-258 triệu USD, Loship-50 triệu USD, Telio-22 triệu USD trong lĩnh vực thương mại điện tử; VNLife-250 triệu USD trong lĩnh vực tài chính; Doctor Anywhere-65,7 triệu USD trong lĩnh vực y tế,...
- Thưa ông, các startup Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới?
- Mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn còn là thách thức trên toàn cầu, nhưng lượng vốn đầu tư thu hút cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia lại tăng cao nhất từ trước tới nay. Hơn 1,3 tỷ USD đã được đầu tư vào các startup Việt Nam năm nay, cho thấy tiềm năng của hệ sinh thái nước ta. Con số này cũng khẳng định, những mô hình đổi mới sáng tạo, khai thác sức mạnh công nghệ, trí tuệ sẽ là nền tảng để phát triển kinh tế, xã hội. Đây là khoảng thời gian thử thách để chứng minh năng lực của các startup với công nghệ mới ứng phó đại dịch, tiêu biểu là những mô hình, sáng kiến thích ứng với bối cảnh mới và giải quyết vấn đề xã hội, đóng góp tích cực cho quá trình chuyển đổi số nền kinh tế.
Các startup Việt cần tập trung vào công nghệ lõi và mô hình kinh doanh hiện đại hơn. Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần tập trung phát triển công nghệ có lợi thế dẫn dắt thay vì tạo ra mô hình mua bán đơn thuần. Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào thế hệ doanh nhân trẻ giỏi công nghệ và nhạy bén, năng động trong tìm kiếm, ứng dụng mô hình kinh doanh sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ tiềm năng.
- Triển vọng rất tích cực, tuy nhiên để hiện thực hóa, không thể thiếu vai trò của "bà đỡ" chính sách, thưa ông?
- Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học-công nghệ, với nhiều chính sách ưu đãi như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi tín dụng; bổ sung về thẩm quyền công nhận doanh nghiệp khoa học-công nghệ, để tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian chứng nhận cho doanh nghiệp. Đồng thời, thông qua Nghị định số 13/2019/NĐ-CP, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đủ thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học-công nghệ trong một số trường hợp đặc biệt như: các kết quả khoa học và công nghệ thuộc bí mật quốc gia hoặc có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh; môi trường; tính mạng, sức khỏe con người; doanh nghiệp được thành lập từ việc chuyển đổi tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
Theo Quyết định 188/QĐ-TTg ngày 9/2/2021 sửa đổi Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, một nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là cần hình thành hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo hỗ trợ nghiên cứu phát triển với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so khu vực và quốc tế; phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại ba thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh) và các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các bộ, ngành, địa phương, cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức có tiềm năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là nhiệm vụ xây dựng và phát triển mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, thu hút và gắn kết các nguồn lực trí tuệ, tri thức từ khu vực nước ngoài và trong nước, tạo ra nguồn lực "mềm" cho các trung tâm phát triển. Đồng thời, Quyết định 188/QĐ-TTg nói trên cũng đưa ra định hướng phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo mở, thúc đẩy và khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo của mọi tầng lớp trong xã hội, tăng cường liên kết để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Theo đó các doanh nghiệp, tập đoàn, cơ quan quản lý, tổ chức chính trị, xã hội-nghề nghiệp có thể trở thành khách hàng đầu tiên của khởi nghiệp sáng tạo khi chủ động đưa ra đề bài để các bạn trẻ khởi nghiệp sáng tạo cùng các vườn ươm, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo cùng nhau tìm cách giải quyết.
Chính phủ của nhiều quốc gia đã và đang triển khai cách tiếp cận hệ thống đổi mới sáng tạo mở rất thành công. Theo đó, một số chính sách mở đường cho khởi nghiệp sáng tạo, như chính sách mua sắm công, chính sách gọi vốn cộng đồng, sàn giao dịch vốn, chính sách visa khởi nghiệp cần được ưu tiên triển khai để tạo điều kiện phát triển thị trường công nghệ và sản phẩm công nghệ mới, thị trường vốn và thị trường lao động chất lượng cao cho khởi nghiệp sáng tạo.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Năm 2021, Việt Nam xếp hạng 59/100 quốc gia trong Bảng xếp hạng Hệ sinh thái khởi nghiệp, tiếp tục duy trì thứ hạng so với năm 2020. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh tăng 46 bậc, lên vị trí 179; còn Hà Nội tăng năm bậc lên vị trí 191. Cả hai thành phố đều vào top 200 các thành phố khởi nghiệp toàn cầu.