Ba cây chụm lại...

Với ước vọng kết nối những giá trị chắt lọc của quá khứ và hiện tại nhằm chia sẻ tới mọi người, nhiều chủ bảo tàng tư nhân ở nước ta đang không quản ngại gian khó nhưng đồng thời họ cũng mong nhận được nhiều hơn hỗ trợ, đóng góp tích cực của xã hội vào công việc ý nghĩa này.

Ông Vi Văn Phúc chia sẻ về những món đồ của người dân tộc Thái. Ảnh: VĂN HỌC
Ông Vi Văn Phúc chia sẻ về những món đồ của người dân tộc Thái. Ảnh: VĂN HỌC

Người sưu tầm vượt qua chính mình

Với hơn 30 năm sưu tầm, không gian bảo tồn tư nhân của ông Nguyễn Văn Trường, thôn Kiệu Sơn, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) mang lại cảm giác ngạc nhiên, thú vị cho du khách, khi được chiêm ngưỡng hơn 10 nghìn bát, đĩa và hàng tạ tiền xu cổ được gắn lên khắp tường nhà, cổng, không gian sân vườn. Ai hỏi, ông Trường đều vui vẻ trả lời: "Gắn lên, để tôi chỉ có thể giữ chứ không bao giờ bán được".

Vốn là thợ mộc, ông Nguyễn Văn Trường đam mê bát, đĩa cổ từ năm 1986. Để có tiền "nuôi" cổ vật, vợ chồng ông đã phải đấu thầu nhiều khu đất nông nghiệp để sản xuất, có thêm tiền phục vụ những chuyến "tìm ký ức". "Ai cũng phải mưu sinh, nhưng tôi tự hào là suốt những năm qua, tôi đã vượt qua chính mình, làm được những việc vượt qua khả năng của mình" - ông Trường nhấn mạnh.

Một địa chỉ thú vị khác là Bảo tàng Đồng quê (xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) của bà Ngô Thị Khiếu, tập trung trưng bày hơn 1.000 đồ vật gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Toàn bộ không gian bảo tàng được xây dựng trên khu đất 6.000m², với nhiều hạng mục công trình, lưu giữ, giới thiệu những phác họa về cuộc sống, nếp sinh hoạt của người nông dân. Độc đáo nhất có lẽ là các mô hình nhà bần nông, nhà trung nông, nhà địa chủ và nhà hiện đại thời kỳ bao cấp.

Bảo tàng tư nhân của ông Vi Văn Phúc, người con dân tộc Thái ở thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông (Nghệ An) lại tập trung lưu giữ, trưng bày những hiện vật gắn với cuộc sống sinh hoạt của người dân tộc Thái ở miền tây Nghệ An. Sau nhiều năm sưu tầm, đến nay, ông Phúc đã có gia tài là hơn 1.000 hiện vật. Trong đó, có chiếc guồng nước bằng tre từ thời ông nội mà ông Phúc giữ được, hay khung cửi, chiếc quay sợi mà cụ bà thân sinh ra ông từng sử dụng. Ông Phúc chia sẻ: "Tôi muốn giữ những hiện vật này để giáo dục con cháu về nề nếp văn hóa của dân tộc mình. Để chúng hiểu tổ tiên đã sống ra sao, làm việc thế nào. Thứ nữa là để con cháu cùng làm công tác bảo tồn, gìn giữ và tự hào về văn hóa dân tộc Thái".

Cần chính sách hỗ trợ phù hợp

Có thể nói, các bảo tàng, không gian bảo tồn tư nhân và hàng chục bộ sưu tầm cổ vật, kỷ vật có đóng góp rất lớn cho việc bảo tồn, chống "chảy máu cổ vật" và tạo dựng những không gian văn hóa ngay tại nhiều vùng dân cư.

Không ít cơ sở được tổ chức bài bản, thu hút lượng khách tham quan lớn, như Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long (tỉnh Thanh Hóa); Bảo tàng Cội nguồn (Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (tỉnh Hòa Bình), Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (Hà Nội)…

Nhiều chủ bảo tàng tư nhân tâm sự rằng, để có hiện vật quý, không gian trưng bày độc đáo, chủ nhân phải là người chịu chơi. "Chơi" - theo cách hiểu là chơi văn hóa, dám dấn thân, dám bỏ tiền bạc và thời gian theo đuổi đam mê. Tuy nhiên, phần lớn các bảo tàng, không gian bảo tồn này đều đang phải đối diện với khó khăn về kinh phí duy trì hoạt động, bao gồm từ việc sưu tập bổ sung đến bảo quản hiện vật, bảo vệ không gian. Cũng một phần bởi như vậy, nên những cơ sở này còn gặp khó khăn trong việc thiết kế và xây dựng một mô hình quản lý, vận hành theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa để tạo nên những trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.

Suốt thời gian dịch Covid-19 hoành hành vừa qua, Bảo tàng Đồng quê có lúc phải tạm đóng cửa, nhưng bà Khiếu vẫn trả lương đủ cho 10 nhân công. "Vợ chồng tôi rồi cũng già, không đủ sức để giữ bảo tàng, nên tương lai, muốn tặng lại công trình này cho địa phương. Nhưng ai sẽ là người đủ tâm huyết để giữ gìn và phát huy? Làm ở đây, ngoài tình yêu quê, hiểu văn hóa thôn quê thì cũng phải có kiến thức về bảo tàng nữa. Điều này tôi cũng đã kiến nghị với các cơ quan chức năng rồi. Tôi lo lắm!" - bà Khiếu bày tỏ. Người chủ tâm huyết của Bảo tàng Đồng quê cũng chia sẻ mong muốn mở rộng diện tích để khách tham quan có thêm các trải nghiệm, như cày cấy, trồng trọt theo lề lối xưa... nhưng hiện nay là không thể.

Để giúp các hiện vật không "ngủ yên", PGS, TS Ðặng Văn Bài (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) từng nêu ý kiến, rằng các bảo tàng tư nhân cần kết hợp với bảo tàng công lập để có những đợt trưng bày chuyên đề phục vụ công chúng, đồng thời, họ rất mong nhận được sự khích lệ lớn hơn từ các cơ quan chuyên môn. Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh đời sống kinh tế ở nhiều địa phương trong nước ta còn khó khăn, việc xuất hiện và duy trì được những mô hình bảo tàng tư nhân (có cấp phép hoạt động theo quy định) và không gian bảo tồn văn hóa tư nhân (cho dù là tự phát) cũng đều rất đáng quý. Chính vì thế, rất cần có sự vào cuộc hỗ trợ của chính quyền địa phương dành cho mô hình các bảo tàng, không gian bảo tồn văn hóa tư nhân; có thể bắt đầu bằng việc khảo sát, đánh giá hiệu quả hoạt động và chất lượng bộ sưu tập của họ để đưa ra những phương án hỗ trợ phù hợp. Khi các cá nhân có sự ủng hộ, hỗ trợ của chính quyền, cơ quan nhà nước, họ sẽ càng tâm huyết, nỗ lực cống hiến cho cộng đồng.