"Hung thần" tàu giã cào

Những năm gần đây, nỗi lo mang tên tàu giã cào, hay còn gọi là tàu lưới kéo luôn ám ảnh ngư dân nghề biển lộng ở Hà Tĩnh trong mỗi chuyến ra khơi. Ngoài việc khiến nguồn lợi thủy sản suy giảm một cách nhanh chóng, tàu giã cào còn gây thiệt hại, hư hỏng ngư cụ, tài sản của ngư dân địa phương.

Lực lượng chức năng Hà Tĩnh xử lý tàu giã cào vi phạm.
Lực lượng chức năng Hà Tĩnh xử lý tàu giã cào vi phạm.

Cơn ác mộng của ngư dân vùng lộng

Hàng chục năm gắn bó với nghề đánh bắt hải sản ven bờ, và cũng đã hơn một năm trôi qua, tuy nhiên ông Mai Văn Thính ở xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn chưa thôi thảng thốt khi nhớ về lần thuyền của mình bị tàu giã cào đâm chìm trên biển. Ông Thính nhớ lại: "Hôm ấy, thuyền của tôi đánh lưới cá trích cách đất liền khoảng ba hải lý. Khi vừa buông lưới xong thì một tàu lớn từ xa lù lù tiến lại. Dù đã cảnh báo nhiều cách nhưng chiếc tàu đó vẫn thẳng tiến, đâm chìm thuyền tôi. Trong đêm tối mịt mù, biển cả bao la, tôi vừa bơi vừa kêu cứu". Rất may có thuyền đánh cá gần đó phát hiện và kịp đưa ông Thính lên thuyền.

Nghiêm trọng hơn, một số chủ tàu giã cào ngoại tỉnh còn hành hung ngư dân địa phương. Khoảng một tháng trước, trong một chuyến ra khơi hành nghề câu mực, anh Nguyễn Kính ở xã Thạch Lạc (huyện Thạch Hà) bị nhóm người trên tàu giã cào ngoại tỉnh hành hung, phải nhập viện để điều trị. Anh Kính nhớ lại: "Thuyền cách bờ biển hơn một hải lý, chuẩn bị lên đèn để câu mực thì gặp hai cặp giã cào đánh bắt gần đó tiến sát, tôi lên đèn báo hiệu, một cặp giã cào quay đầu ra khơi. Tưởng rằng mọi việc đã xong, bất ngờ cặp giã cào thứ hai tiến sát và đâm thẳng vào hướng thuyền tôi… Họ còn ném đá tấn công tàu và thủy thủ…".

Ông Nguyễn Văn Bê, Tổ trưởng tổ đồng quản lý nghề cá xã Xuân Liên cho biết: tàu giã cào (đơn hoặc đôi) là loại tàu có công suất máy lớn (từ 90 - 1.000 CV), sử dụng lưới có chiều dài từ 500 - 1.500m, mắt lưới kích thước từ 10 - 15 cm để đánh bắt các loại cá to ngoài khơi. Tuy nhiên, các tàu giã cào khai thác gần bờ ở vùng biển Hà Tĩnh lại sử dụng loại lưới mắt dày dưới 5 cm, nhiều lớp, nhiều chì để giăng bắt cá từ đáy bùn đến mặt nước. Từ cá lớn đến cá bé đều không có cơ hội chạy thoát, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi hải sản. Vì thế, đời sống của ngư dân vùng lộng vốn đã khó nay càng khó khăn hơn.

Bờ biển Hà Tĩnh khá dồi dào các loại hải sản như: cá nục, trích, bạc má, mực…, đáy biển khá bằng phẳng, ít rạn đá (không gây hỏng lưới và ngư cụ) nên trở thành ngư trường ưa thích của tàu cá giã cào ngoại tỉnh. Nói về thực trạng này, Phó Chi cục trưởng Thủy sản Hà Tĩnh, Nguyễn Tông Thắng cho biết: Trong tổng số hơn 3.500 tàu thuyền đánh bắt hải sản hiện nay của địa phương, chỉ có 136 tàu có chiều dài trên 15m chuyên nghề đánh bắt xa bờ, còn lại là tàu dưới 24 CV nên khi khai thác trên cùng một vị trí, ngư cụ của ngư dân địa phương dễ bị "thổi bay" trước hệ thống lưới của tàu giã cào ngoại tỉnh.

Nghiêm trọng hơn, Trung tá Nguyễn Vũ Phong - Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Cửa Sót (Lộc Hà), Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết, ban ngày, tàu giã cào ngoại tỉnh rong ruổi hoặc neo đậu ở khu vực ngoài khơi, đêm xuống mới tiến vào vùng biển gần bờ để hành nghề. Khi bị phát hiện, các tàu lập tức thả lưới giã xuống biển (đã định vị vị trí) rồi tăng tốc bỏ chạy khiến việc truy đuổi của lực lượng chức năng không dễ dàng gì. Chưa kể không ít tàu còn chống đối, đâm thẳng vào tàu của lực lượng chức năng để tẩu thoát.

Thiếu quyết liệt trong thực thi

Hà Tĩnh là một trong số những tỉnh không bảo đảm lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) theo quy định. Theo lý giải của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, mặc dù tỉnh đã có chính sách hỗ trợ 70% kinh phí lắp đặt thiết bị VMS, cũng như đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc chỉ đạo quyết liệt, nhưng vẫn còn 40 tàu có chiều dài từ 15m trở lên chưa thực hiện việc lắp đặt thiết bị này. Về cấp, đổi giấy phép khai thác thủy sản còn đạt tỷ lệ thấp, mới chỉ có 713 tàu cá (đạt tỷ lệ 19,3%) có giấy phép khai thác thủy sản theo đúng quy định.

Ðể phát triển một cách bền vững việc khai thác nguồn lợi thủy sản ở Hà Tĩnh, đã đến lúc các cấp chính quyền phải có nhận thức đúng mức, phải thật sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, cần chú trọng vào công tác tuyên truyền, vận động một cách đồng bộ, tạo mối liên kết, phối hợp giữa chính quyền và các lực lượng chức năng trên địa bàn để tăng cường năng lực thực thi pháp luật. Ðối với những tàu cá nằm bờ dài ngày, không hoạt động, các chủ tàu chưa có ý thức chấp hành quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cần phải có chế tài nghiêm minh để mang tính răn đe.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng ở Hà Tĩnh đã phát hiện, truy bắt và xử lý 40 tàu cá làm nghề giã cào vi phạm quy định khai thác tại các vùng biển ven bờ địa phương, xử phạt hành chính 550 triệu đồng. Các tàu giã cào chủ yếu là của ngư dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi.