Chung cư bỏ hoang, đất vàng lãng phí

Có một nghịch lý đang diễn ra ở Hà Nội là nhiều chung cư, nhà cao tầng tái định cư xây xong rồi bỏ hoang, trong khi đó hàng vạn người nghèo vẫn khát một chốn dung thân. Tình trạng đã kéo dài nhiều năm nay, song các cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm biện pháp xử lý.
0:00 / 0:00
0:00
Cụm tòa nhà tái định cư mặt đường Tân Mai xây dựng nhiều năm vẫn chưa có người ở.
Cụm tòa nhà tái định cư mặt đường Tân Mai xây dựng nhiều năm vẫn chưa có người ở.

Người dân quay lưng với nhà tái định cư

Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) đang phát triển, cư dân đông đúc. Song ba tòa nhà tái định cư sáu tầng tại đây thuộc quản lý của Công ty Hanco3 lại lạc lõng, xập xệ, hoang tàn. Trên địa bàn quận Hoàng Mai, ba tòa nhà tái định cư hơn 10 tầng ngay mặt đường Tân Mai, "view" hồ Đền Lừ, khu nhà sinh viên tại Pháp Vân cũng bị bỏ trống. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại tòa A14 Nam Trung Yên và Tòa N01-D17 Duy Tân (quận Cầu Giấy), thành phố Giao lưu (quận Bắc Từ Liêm), Nhà tái định cư 4A Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng)… Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sở dĩ các khu nhà tái định cư được xây dựng xong nhưng chưa bố trí người dân đến ở là do chưa hoàn thành nghiệm thu theo quy định.

Cũng trên địa bàn Hà Nội còn xảy ra tình trạng, nhiều tòa nhà dù có người ở nhưng xuống cấp trầm trọng, không có kinh phí sửa chữa. Tại các khu chung cư tái định cư Đồng Tàu, Đền Lừ, Cánh Đồng Mơ…, nhiều tòa nhà bong tróc, sụt lún, không ít hộ dân buộc phải khóa cửa, mua căn hộ khác để ở. Chỉ còn lác đác số hộ không có điều kiện phải bám trụ lại. Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhìn nhận: "Cứ nhìn tình trạng xuống cấp tại các nhà tái định cư đang có người ở, sẽ tìm thấy câu trả lời cho việc người dân quay lưng với nhà tái định cư".

Góp thêm góc nhìn lý giải tình trạng này, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, bày tỏ: "Trước đây, việc bố trí xây dựng nhà tái định cư có nhiều bất cập. Thứ nhất, nhà tái định cư không người ở do không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người dân; chất lượng xây dựng nhà tái định cư kém so tiêu chuẩn, quy chuẩn, khi xây dựng không tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư; thứ hai, khâu đền bù không thỏa đáng, người dân không chấp nhận dẫn đến hậu quả là nhà tái định cư bị bỏ hoang. Đây là sự lãng phí khủng khiếp, khi còn rất nhiều người thiếu nhà ở".

Sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng nhà tái định cư bỏ hoang?

Người viết đã từng làm việc với Công ty TNHH Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị, đơn vị chịu trách nhiệm về nhiều tòa nhà tái định cư, tuy nhiên, chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Mới đây, đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Công ty TNHH Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chủ động nghiên cứu đề xuất cơ chế quản lý, vận hành các tòa nhà tái định cư bảo đảm theo các quy định về quản lý nhà chung cư, trong đó bao gồm công tác thực hiện cải tạo, sửa chữa nếu cần thiết. Đoàn giám sát cũng yêu cầu khẩn trương rà soát các phương án bố trí tái định cư đã duyệt để đẩy nhanh tiến độ đưa dân vào sử dụng các quỹ nhà trống; xây dựng cơ chế bố trí quỹ nhà tái định cư bảo đảm sử dụng hiệu quả, tránh xuống cấp, lãng phí; đẩy nhanh tiến độ lập và trình phê duyệt phương án đấu giá quyền thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại tầng một các chung cư tái định cư.

Nhiều chuyên gia có khuyến nghị, nhà tái định cư chưa sử dụng có thể tạm thời cho người dân thuê ở, làm văn phòng, dùng tiền thu được để duy tu chính các nhà tái định cư đó. Cũng có thể bán cho những người dân có thu nhập thấp nhằm ổn định đời sống cho người dân, xóa dần các khu ổ chuột, nhà tập thể xập xệ... Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, rất nhiều tòa nhà tái định cư được xây dựng trên đất vàng, nếu không có người ở nên sớm tiến hành thu hồi và tổ chức đấu giá, tạo lập nhà ở thương mại để bán cho người cần. Một phương án khác, có thể chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng cần bảo đảm minh bạch, tránh thất thoát nguồn lực nhà nước. Bà Hoàng Thúy Vân, thuê nhà ở quận Hoàng Mai, thốt lên: "Nhìn dự án nhà 4A Tạ Quang Bửu bỏ hoang cả chục năm mà xót ruột. Những dự án nằm trên con phố sầm uất, đông đúc như vậy mà không có người ở thì quả là rất lãng phí. Các cơ quan chức năng cần tìm ra giải pháp, giúp những người nghèo như chúng tôi được tiếp cận nhà ở".

Để không xảy ra tình trạng lãng phí như đã xảy ra hơn chục năm qua, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, trước khi tiến hành xây dựng nhà tái định cư, cần nghiên cứu xem dự án có đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân hay không. Nhà tái định cư phải gắn liền các chính sách an sinh xã hội như đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm tốt hơn, hoặc phục hồi thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân sau khi di dời.

Mới đây, Bộ Xây dựng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư, tổng hợp các dự án, số lượng nhà ở tái định cư không còn nhu cầu sử dụng để bố trí tái định cư và có nhu cầu chuyển đổi quỹ nhà này sang làm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại hoặc mục đích khác. Rõ ràng, công tác tái định cư cần phải được đổi mới, bắt đầu từ những phân tích, dự báo nhu cầu một cách chính xác để cân đối với khả năng đáp ứng từ các nguồn nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại. Khi quỹ nhà tái định cư được phân bổ hợp lý, thuận lòng dân, nghịch lý chung cư bỏ hoang nói trên mới được hóa giải tận gốc.