Thời nay, khi công nghệ thông tin bùng nổ, chuyện yêu nhau qua mạng internet không còn mới lạ. Trong một lần lên trang mạng xã hội Facebook, cô NKMA, ở phố Khâm Thiên, Hà Nội đã gặp một Việt kiều. Sau khi làm quen, tự giới thiệu về gia cảnh của mỗi người, M.A đã nhận được lời tỏ tình của một Việt kiều đẹp trai, giàu có. Đối tượng này ngỏ ý muốn tặng M.A một nhẫn kim cương trị giá một triệu USD và yêu cầu M.A gửi tiền cước phí hải quan và bưu điện vào tài khoản riêng của hắn. Tin là thật, M.A đã gửi mỗi lần cả nghìn USD. Cho đến lúc nhận thấy số tiền gửi đã lên tới 50 nghìn USD vẫn chưa nhận được nhẫn kim cương, thấy nghi ngờ M.A đi báo công an, cũng là lúc gã Việt kiều kia mất dạng, không còn xuất hiện trên Facebook nữa.
Ở Việt Nam, có không ít cô gái mới lớn ham chơi điện tử, học kém, bị bố mẹ mắng, chán đời liền chơi thâu đêm tại quán internet. Hết tiền, bị chủ quán bắt nợ, được một số bạn chát quen trên mạng “cứu nét” rủ đi chơi, những cô gái này liền bỏ nhà đi hoang. Một số em gái chưa đến tuổi vị thành niên đã bị cả đám bạn không quen biết hiếp dâm, có trường hợp bị bán vào nhà nghỉ, hoặc bán ra nước ngoài.
Chuyện tội phạm sử dụng CNC lừa đảo thật ra không phải là mới. Tuy nhiên, vẫn có không ít người mắc lừa và trở thành nạn nhân là do đối tượng đã biết đánh vào tâm lý hám lợi của họ - Đại tá Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng Cục Phòng, chống tội phạm sử dụng CNC (C50) Bộ Công an khẳng định. Điều đau xót là tội phạm sử dụng CNC đã lợi dụng số người dân ở vùng sâu, vùng xa, các vùng thôn quê hẻo lánh ít hiểu biết về công nghệ thông tin (CNTT), để đánh vào lòng tham của họ. Sau khi các vụ lừa đảo Muaban24, Tâm mặt trời, Cộng đồng Việt... vỡ lở, mới biết, không ít bà con nông dân chỉ quen “chân lấm, tay bùn” chưa hề một lần được sờ tay, biết về máy vi tính, mạng internet hay thương mại điện tử... vậy mà họ đã bán trâu, bò, ruộng vườn... để mua vài chục gian hàng ảo trên mạng, dẫn đến việc bị mất hết tài sản. Qua việc cơ quan điều tra khám phá các vụ án dùng công nghệ cao lừa đảo cho thấy, mấu chốt của việc nhiều người bị lừa, chính là thứ lãi suất siêu “khủng”. Ở gian hàng Muaban24, người mua sẽ được tư vấn: Nếu mua một gian hàng thì phải bỏ ra khoản tiền ban đầu là 5,2 triệu đồng; nếu lôi kéo được thêm người mua thì sẽ được thưởng 1,5 triệu đồng/gian; nếu kéo được 99 gian thì sẽ được thưởng một khoản tiền là 100 triệu đồng. Nhờ chiêu trò lãi suất “khủng”, chỉ hơn một năm, Muaban24 đã phát triển được 120.000 gian hàng, có hơn 50 chi nhánh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước với số tiền nộp vào hệ thống khoảng 700 tỷ đồng. Tương tự như vậy, nhiều công ty khác như Cộng đồng Việt, Tâm mặt trời hay Diamond Holiday đã lừa đảo gần 300 nghìn người với số tiền gần hai nghìn tỷ đồng.
Vậy là, bằng mọi thủ đoạn, tội phạm CNC đã len lỏi, lôi kéo không ít người vào mọi chiêu trò của chúng. Trinh sát Nguyễn Xuân Trọng của Cục Phòng, chống tội phạm sử dụng CNC kể chúng tôi nghe vụ Công ty cổ phần Phần mềm Đế Vương lôi kéo một số đông người vào trò trơi trực tuyến game đánh bạc như: cờ tướng, cờ vua, cờ ca-rô, tiến lên miền bắc... thu lợi hơn 34 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến tháng 8-2012. Mặc dù trước đó, công ty này đã ba lần bị Bộ Thông tin và Truyền thông phạt về hành vi kinh doanh trái phép, theo Điều 159 của Bộ Luật Hình sự (lần một bị phạt 92 triệu đồng; lần hai, 40 triệu đồng; lần ba, 20 triệu đồng).
Có thể thấy, CNTT phát triển đang mang lại những tiện ích cho toàn cầu. Tại Việt Nam, internet được ứng dụng vào tất cả các lĩnh vực từ chính phủ điện tử, các bộ, ban, ngành và địa phương. Đặc biệt là các loại điện thoại di động đã thật sự giúp ích cho mỗi gia đình, mỗi người dân trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng đây cũng là kẽ hở để tội phạm CNC phát triển “nở rộ”. Ở Việt Nam, tội phạm sử dụng CNC đã tiến công cơ sở dữ liệu máy tính, mạng máy tính, tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình virus, đột nhập trái phép cơ sở dữ liệu máy tính, ăn cắp dữ liệu, thông tin hoặc tiến công khiến các máy chủ , sử dụng trái phép dữ liệu, đưa thông tin trái pháp luật lên mạng...
Theo Đại tá Nguyễn Thanh Hóa, việc phòng, chống tội phạm sử dụng CNC là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, mọi người phải nâng cao cảnh giác để tránh bị lừa, ngay cả khi gặp những tin nhắn “rác” trên điện thoại di động dạng: “Chúc mừng số điện thoại của quý khách trúng số...”, “Cơ hội đặc biệt gia hạn khuyến mại ngay hôm nay: trả 30 nghìn đồng nhận 180 nghìn đồng”... Không nên nhắn tin, gọi lại hay nạp tiền kẻo “tiền mất, tật mang”.