Cũng dễ hiểu khi bộ phim Argo đã đề cập đến một vấn đề còn rất nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Iran, cho dù nó đã xảy ra từ nhiều thập kỷ trước. Năm 1979, những người Iran nổi dậy đã xông vào tòa nhà sứ quán Mỹ ở Thủ đô Tehran, bắt giữ các nhân viên ở đây làm con tin. Tuy nhiên, có sáu nhà ngoại giao Mỹ đã kịp trốn vào nhà riêng của đại sứ Canada. Bộ phim kể về chiến dịch mật của CIA, tổ chức một nhóm làm phim giả để đưa các nhân viên ngoại giao Mỹ thoát khỏi Iran trong khi các nhân viên an ninh Iran cũng theo sát gót...
Việc bộ phim Argo đoạt giải Oscar cùng với phản ứng dữ dội từ phía truyền thông Iran chỉ là một nét chấm phá trên bức tranh ảm đạm của mối quan hệ vô cùng rắc rối giữa Iran với Mỹ, rộng hơn là với phương Tây, trong nhiều thập kỷ qua.
Mối quan hệ này đã từng có một bước ngoặt bi thảm từ hồi thập niên 50 của thế kỷ trước, khi CIA (vùng với tình báo MI6 của Anh) đã thực chiện chiến dịch mang mật danh Ajax, tổ chức vụ đảo chính chống Thủ tướng Mohammed Mossadegh, người đã tiến hành quốc hữu hóa các mỏ dầu của đất nước. Từ đó, trong con mắt của nhiều người Iran, Mỹ cùng phương Tây được coi như những nhân tố luôn can thiệp vào công việc nội bộ của Iran, hạn chế những quyền mà người Iran đáng được hưởng.
Kiềm chế và phong tỏa
Cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 tiếp tục đào sâu cái hố ngăn cách giữa Iran với phương Tây. Kể từ đó, quan hệ ngoại giao Mỹ-Iran chấm dứt và tòa đại sứ Thụy Sỹ đại diện cho các quyền lợi của Mỹ ở Iran.
Là một cường quốc khu vực, Iran có một tầm quan trọng chiến lược về địa chính trị với Mỹ cũng như phương Tây. Tuy nhiên, với cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, chỉ trong một thời gian ngắn, Iran đã tuột ra ngoài vòng kiểm soát của Mỹ, dần trở thành một căn bệnh nhức đầu kinh niên đối với nhiều nhà lãnh đạo Mỹ.
Lập trường triệt để chống Israel - đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông - mới chỉ là một trong vô số những điều khó chịu mà Iran gây ra cho các nhà lãnh đạo Mỹ. Giữa Iran và Mỹ cùng các nước phương Tây đang đối đầu với nhau trên hàng loạt các vấn đề quốc tế và ngay cả khi chiến tranh lạnh giữa phương Tây với khối XHCN Đông Âu đã chấm dứt, chúng vẫn không hề mất đi.
Lý do bởi phương Tây cũng như Mỹ vẫn luôn xác định Iran là một kẻ thù. Nguy hại hơn nữa là kẻ thù này lại tập hợp quanh mình những đồng minh chung chí hướng và do đó, góp phần cản trở một cách đáng kể việc các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, mở rộng không gian ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông sau chiến tranh lạnh.
Chiến lược được Mỹ và phương Tây áp dụng: bằng mọi giá phải kiềm chế, phong tỏa ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Tầm quan trọng của mục tiêu này lớn đến nỗi trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, lợi dụng việc Iraq đưa quân vào Kuweit, Mỹ cùng liên quân hơn 30 nước đã lần lượt mở các chiến dịch Lá chắn sa mạc và Bão táp sa mạc, đẩy quân Iraq ra khỏi Kuweit; trên đà tiến công thắng lợi, khó có cách giải thích nào thuyết phục việc Mỹ bỗng dưng ngừng lại các chiến dịch mà không dứt điểm chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein, ngoài lý do “để” Iraq lại để làm đối trọng với Iran (do hai nước đã có cuộc chiến tranh hao người tốn của kéo dài tám năm trước đó).
Điều đó có nghĩa là mối lo ngại của Mỹ cũng như phương Tây về khả năng Iran tranh thủ mở rộng ảnh hưởng một khi xuất hiện khoảng trống quyền lực trong khu vực nếu Iraq sụp đổ, còn lớn hơn bản thân mối lo ngại về chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein ở Iraq khi đó.
Một hồ sơ gây tranh cãi
Nhưng cuộc đối đầu giữa Iran với Mỹ và phương Tây chỉ thực sự nóng lên khi xuất hiện một hồ sơ gây tranh cãi: chương trình hạt nhân của Iran.
Kể từ khi chương trình phát triển hạt nhân của Iran lọt vào tầm ngắm của Mỹ và phương Tây với tư cách là một mối đe dọa, Iran đã không chỉ một lần khẳng định rằng họ chỉ phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Dù là nhà cung cấp dầu mỏ lớn vào hàng thứ tư trên thế giới nhưng Iran cũng là một nhà tiêu thụ năng lượng khổng lồ. Số liệu của đảng Xanh tại Iran đưa ra từ hồi năm 2000 đánh giá Iran là nhà tiêu thụ xăng dầu lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ.
Do vậy, theo các nhà lãnh đạo Iran, họ rất cần phát triển hạt nhân để tìm nguồn năng lượng cần thiết để phát triển đất nước. Vũ khí hạt nhân không phải là mục tiêu mà chương trình phát triển hạt nhân của Iran muốn hướng tới. Thậm chí, tháng 9 năm 2005, lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, ông Ayatollah Khamene đã ban hành sắc dụ (fatwa) chống vũ khí hạt nhân, coi việc sở hữu vũ khí hạt nhân là “tội lỗi”.
Mỹ và phương Tây không tin vào điều này.
Nhân tố Israel
Còn một nhân tố chủ chốt khác cũng tác động mạnh mẽ đến quan điểm của Mỹ cũng như phương Tây về chương trình hạt nhân của Iran: Israel.
Cũng dễ hiểu thôi bởi giữa Israel và Iran có mối quan hệ thân hữu như giữa chuột và mèo vậy! Báo chí phương Tây đã từng đưa phát biểu của một nhà lãnh đạo Iran rằng “cần phải xóa bỏ Israel khỏi bản đồ”, một diễn dịch mà Iran cho là sai lầm về dịch thuật. Bởi thế, không chỉ một lần, Israel đánh tiếng đòi phải thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa, không loại trừ lựa chọn đánh đòn phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
Bất chấp việc đã trở thành một thành viên không tuyên bố của “câu lạc bộ hạt nhân”, mối lo ngại lớn nhất của Israel vẫn là việc những đối thủ tiềm tàng trong khu vực, trước đây là Iraq, sau là Syrie và Iran, sở hữu những loại vũ khí có sức hủy diệt lớn.
Đã có một tiền lệ khi năm 1981, Israel đã tiến hành chiến dịch Babylon, bất ngờ không kích phá hủy lò hạt nhân Osirak đang được Iraq xây dựng ở gần thủ đô Baddagh. Thành công của chiến dịch này làm cho Israel tự tin rằng có thể tiến hành những chiến dịch tương tự đối với Iran để ngăn ngừa nguy cơ đối với nhà nước Do Thái.
Tuy nhiên, tương quan lực lượng cho thấy một mình Israel khó có thể đơn thương độc mã tiến hành một chiến dịch như vậy, đặc biệt là nếu có các đòn phản kích từ phía Iran, nếu không có sự hỗ trợ của ông bạn đồng minh bên kia Đại Tây Dương. Do vậy, Israel đã tìm mọi cách để lôi kéo Mỹ vào một “cuộc chiến” giả tưởng có thể có với Iran.
Thậm chí trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái, Israel còn tung ra đòn gió sẽ tiến công Iran để gây “ép phê” với các ứng cử viên Tổng thống Mỹ!
Nhưng chính sách Trung Đông của Mỹ dưới thời Tổng thống B.Obama đã có sự thay đổi đáng kể so với những người tiền nhiệm. Cần phải nhớ rằng ông B.Obama đi thăm Israel từ khi ông còn đang tranh cử Tổng thống vào năm 2008 và kể từ đó, chưa quay lại Israel lần nào. Chuyến thăm Israel thứ hai của ông sẽ chỉ diễn ra vào mùa xuân tới. Tổng thống B.Obama đã tuyên bố chính sách đặt trọng tâm chiến lược vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương và điều này cho thấy Trung Đông, trong đó có Israel, chưa phải là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược địa chính trị của Mỹ những năm trước mắt.
Việc ông B.Obama đề cử rồi sau đó được thông qua, dù với không ít trắc trở, ông Chuck Hagel, một người có quan điểm “lạnh nhạt” với Israel trong khi lại khá ôn hòa với Iran, vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, là một tín hiệu nữa cho thấy các nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel tại Mỹ sẽ còn phải làm việc rất nhiều thì mới có thể xoay chuyển được tình hình sang hướng có lợi cho Israel.
Trong tình thế đó, Israel chỉ có cách thỉnh thoảng lại tung ra những đòn hỏa mù cân não, chẳng hạn như truyền thông Israel đưa tin “cửa sổ cơ hội” cho một cuộc tiến công của Mỹ vào Iran sẽ diễn ra vào tháng 6 tới!
Vừa dọa vừa đàm!
Nhưng về phần Tổng thống B.Obama, không ra mặt ủng hộ quyết liệt đối với Israel không có nghĩa là ông sẽ không nỗ lực để giải quyết hồ sơ hạt nhân Iran trong nhiệm kỳ hai này. Ông cũng bắt buộc phải có “chiến dịch Argo” của riêng mình, không phải để giải cứu con tin nào cả mà là để bảo vệ những lợi ích mang tính sống còn của Mỹ ở khu vực Trung Đông.
Kể từ sau khi những đợt tsunami dưới tên gọi Mùa xuân Ả rập quét qua Trung Đông và Bắc Phi trong năm 2011, Mỹ đã buộc phải có cách nhìn nhận cũng như tiếp cận khác với những đổi thay diễn ra trong khu vực này!
Tổ chức Anh em Hồi giáo đã lên nắm quyền ở Ai Cập, thế nhưng chính Mỹ đã phải dựa vào họ để đạt tới một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas trong cuộc xung đột dữ dội tháng 11 năm 2012.
Tình hình xung đột Syrie vẫn trong tình thế dằng dai, buộc Mỹ phải có những bước thay đổi lớn trong chính sách nhằm hỗ trợ công khai hơn cho phe nổi dậy nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al - Assad.
Riêng đối với Iran, phương châm “vừa dọa vừa đàm” sẽ được đẩy mạnh. Việc Mỹ quảng cáo rùm beng về loại bom xuyên phá khổng lồ GBU-57/AB có khả năng xuyên sâu tới 65 m bê-tông trước khi phát nổ có lẽ nằm trong chiến lược này.
Trong khi đó, Mỹ cũng như phương Tây cũng sẵn sàng cho những nhượng bộ nhất định mà việc nới lỏng một số biện pháp trừng phạt Iran, đạt được trong cuộc họp giữa nhóm P5+1 với Iran tổ chức tại thành phố Almaty ở Kazakhstan mới đây, là một thí dụ điển hình. Bị lôi kéo vào một cuộc chiến mới, trong khi còn đang “thanh lý” dở dang hai cuộc chiến cũ ở Iraq và Afghanistan, có lẽ là điều cuối cùng mà ông B.Obama nghĩ tới!
Liệu “chiến dịch Argo” của ông B.Obama với Iran có đạt được thành công tương tự như trên phim đoạt giải Oscar hay không, không chỉ phụ thuộc vào bản thân nước Mỹ. Hẳn là người Iran, sau khi xem bộ phim mà họ phê phán, cũng rút ra được những bài học cần thiết để không cho phép xảy ra một “chiến dịch Argo” khác, trên bình diện địa chính trị, bất lợi cho họ.
![]() |
Cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran với sáu cường quốc tại Almaty, Kazakhstan vừa qua. Ảnh: REUTERS